Kinh tế

Chấn động hàng loạt vụ bán hàng nhập nhèm nhãn mác: Khách hàng 'khủng khoảng niềm tin'

Chuỗi siêu thị Con Cưng đang ở trong tâm điểm của việc bị tố cắt nhãn cũ, thay tem "Made in Thái Lan". Điều đáng nói, đây không phải lần đầu những hệ thống bán hàng có tiếng tăm bị phát hiện gian dối, gây mất lòng tin ở người tiêu dùng.

Khải Silk bán lụa Tàu gắn mác Việt

Từ xưa đến nay, người tiêu dùng Việt vẫn tin dùng sản phẩm lụa Khải Silk như là một thương hiệu lụa độc đáo của người Việt.

Tuy nhiên, phát hiện gây chấn động vào thời điểm cuối năm 2017 đã “chấm dứt” đế chế lụa mà Khải Silk đã xây dựng trong hàng chục năm.

Cụ thể, theo Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức được ký bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 11/12/2017, công ty này có hoạt động nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan trong giai đoạn 2006 - 2009. Từ 2009 đến ngày 15/10/2017, công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Vụ việc Khải Silk bán lụa giả gây xôn xao dư luận. Ảnh: Dân Trí

Từ năm 2012 đến nay, đợn vị cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa "Khaisilk®", "Khaisilk cách điệu" và "Khaisilk Made in Vietnam" để kinh doanh trên thị trường.

Ngoài ra, kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của công ty này cho thấy không có thành phần silk dù các thông tin công bố trên nhãn hàng hóa về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm có nội dung "100% silk".

Công ty đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn, có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Siêu thị Mumuso bán hàng Hàn Quốc có 99,3% sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc

Siêu thị Mumuso vốn được biết đến là nơi chuyên kinh doanh các mặt hàng có xuất xứ đến từ Hàn Quốc.

Hệ thống siêu thị Mumuso chuyên bán hàng Hàn Quốc bị phát hiện 99,3% sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Người lao động

Tuy nhiên, theo kết luận của Bộ Công Thương mới đây, Mumuso Việt Nam kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, trong đó có tới 2.257 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc. Phần còn lại được mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.

Kết quả điều tra của Bộ Công Thương cho thấy, có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng của Mumuso Việt Nam.

Trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, Mumuso Việt Nam sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.

Còn theo nguồn tin của Báo Người Lao Động ngày 18/7/2018, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM từng ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng loạt vi phạm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (gọi tắt là Mumuso Việt Nam) hồi tháng 3/2018.

Theo đó, phạt tiền ở mức 50 triệu đồng đối với hành vi không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường theo quy định của Nghị định 176. Phạt tiền với mức phạt 90 triệu đồng với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; phạt tiền mức 180 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu là mỹ phẩm theo quy định tại Nghị định số 185.

Mumuso cũng bị TP HCM phạt tiền mức 2,5 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng cộng tiền phạt dành cho công ty này là 322,5 triệu đồng.

Hoa hậu Quý bà bị nghi bán hàng loạt mỹ phẩm giả nguồn gốc Hàn Quốc

Zing thông tin, ngày 18/10/2017, Đội QLTT số 6 đã ra quyết định kiểm tra đột xuất khu nhà xưởng trung tâm giao thương 365 quận Hà Đông (Hà Nội). Kho hàng này thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam.

Lô hàng mỹ phẩm TS trị giá hơn 11 tỷ đồng bị nghi có dấu hiệu gian lận. Ảnh: Tiền Phong

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ ở kho này 14.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ước tính trị giá gần 11 tỷ đồng.

Thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, nhiều mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ở đây có dấu hiệu giả nơi sản xuất, nguồn gốc xuất xứ New Zealand, Hàn Quốc.

Được biết, nhiều người đẹp nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu cho các sản phẩm mỹ phẩm của TS Việt Nam.

Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam thừa nhận các sản phẩm: Mầm ngũ cốc non giảm cân, Mầm ngũ cốc non tăng cân, Kén đặt đông y, Ngọc nhũ nương - là thực phẩm chức năng. Số thực phẩm chức năng trên chưa thực hiện xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm. Tổng giá trị 4 loại hàng kể trên hơn 5,1 tỷ đồng.

Các sản phẩm: Kem Ann, Gel lạnh tan mỡ, Mặt nạ ngủ, Bột rửa mặt đông y hoàng cung, Tinh chất Serum 4 Hair, SK8 Super White, sữa tắm không nhãn… là mỹ phẩm. Số mỹ phẩm này Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam chưa thực hiện công bố theo quy định, tổng giá trị hơn 4,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, lực lượng chức năng xác định các sản phẩm: Muối tắm nhau thai cừu, Mặt nạ ngủ Herbal cũng là mặt hàng mỹ phẩm. Trong đó, muối tắm nhau thai cừu trên nhãn ghi giả mạo nơi sản xuất; mặt nạ ngủ ghi giả mạo nguồn gốc hàng hóa. Tổng 2 loại hàng thu giữ có giá trị trên 1,2 tỷ đồng.

Tác giả: Hà Thu (tổng hợp)

Nguồn tin: vietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP