Cây ATM ở 3 chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) tại thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông vừa được tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Theo đó, khách hàng sẽ không phải dùng thẻ khi mỗi giao dịch rút tiền hoặc gửi tiền.
Khách hàng cần thực hiện các thao tác nhấn nút kích hoạt hệ thống nhận dạng khuôn mặt, quét hình ảnh khuôn mặt thông qua camera, nhập số điện thoại di động hoặc số thẻ căn cước (ID), nhập số tiền cần giao dịch và mật khẩu.
|
ABC không phải là ngân hàng đầu tiên ở Trung Quốc ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại ATM. Năm 2015, CMB đã bắt đầu triển khai công nghệ này tại thành phố Thâm Quyến. Năm 2016, CMB đã tích hợp công nghệ vào khoảng 1.000 chiếc ATM tại 106 thành phố trên toàn Trung Quốc.
Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ nhận diện khuôn mặt còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác. Công ty tài chính thuộc Alibaba đã kết hợp với KFC ra mắt dịch vụ cười để thanh toán. Dịch vụ này cho phép khách hàng chọn “quét hình ảnh khuôn mặt” như một phương thức thanh toán sau khi đặt hàng.
Nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc là Baidu đang có kế hoạch áp dụng công nghệ này đối với thẻ lên máy bay tại các sân bay lớn tại Bắc Kinh.
Với công nghệ nhận diện khuôn mặt, các ngân hàng cho rằng sẽ giúp cho khách hàng có những trải nghiệm dịch vụ tốt hơn, trong đó sẽ giảm nguy cơ làm giả thẻ, sao chép thông tin cá nhân hay nuốt thẻ.
Các chuyên gia kỹ thuật của ABC khẳng định công nghệ trên có độ an toàn cao bởi không chỉ so sánh hình ảnh khuôn mặt của khách hàng trong hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan công an mà còn đòi hỏi số ID hoặc số điện thoại di động và mật khẩu. Ngoài ra, camera hồng ngoại thế hệ mới nhất cũng có khả năng giảm thiểu nguy cơ về các hành vi trái pháp luật.
Tuy nhiên, công nghệ này cũng gặp phải một số rào cản nhất định, chẳng hạn như chi phí bảo trì cao. Ngoài ra, theo Viện nghiên cứu Thành phố thông minh Quý Châu (GSCRI), nhiều khách hàng lớn tuổi có thể cảm thấy khó có thể tin tưởng hoặc làm quen với công nghệ này trong các giao dịch rút tiền.
Trong khi người ta vẫn chưa rõ liệu công nghệ này sẽ mở rộng tới các hoạt động thương mại khác hay không, nhưng xu hướng phát triển hiện nay cho thấy, nhu cầu về việc sử dụng công nghệ này sẽ tăng dần theo thời gian. GSCRI cho biết trong tương lai, thanh toán bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và thanh toán di động sẽ là lựa chọn tất yếu của người tiêu dùng.
Gắn chíp dưới da
Theo Agence France-Presse, tại Thụy Điển, khoảng 3.000 người đã cấy chip trên da thay thế cho các loại thể cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của người dân. Con chíp - có kích thước bằng hạt gạo được đưa vào ứng dụng vào năm 2015.
Công ty đường sắt quốc gia của Thụy Điển có hơn 130 người sử dụng dịch vụ đặt chỗ thông qua vi mạch mỗi năm. Khi sử dụng dịch vụ, một thiết bị quét sẽ kiểm tra tay của người đi tàu để xem các thông tin cá nhân trên chip của họ. Con chíp này cũng có thể được dùng để mua sắm giống như một chiếc thẻ tín dụng.
|
Sau khi gắn chíp trên da, chị Ulrika Celsing đã dễ dàng thay thẻ tập gym và thẻ ra vào nơi làm việc của chị. Mỗi khi tới công sở, người phụ nữ 28 tuổi này đơn giản chỉ cần vẫy tay qua một chiếc hộp nhỏ và gõ vào một đoạn mã để mở cửa là xong. Thủ thuật cấy chip dưới da, theo chị Celsing, chỉ nhói đau một chút không đáng kể.
Trào lưu Biohacking, cấy các thiết bị công nghệ vào cơ thể - đang trở nên phổ biến khi ngày càng nhiều người đã bắt đầu sử dụng các sản phẩm công nghệ đeo trên cơ thể như đồng hồ Apple hay Fitits.
Về mặt kỹ thuật, con chip sử dụng công nghệ Near Field Communication (NFC). Đây là loại công nghệ đang ứng dụng trong các loại thẻ thanh toán không tiếp xúc hoặc các giải pháp thanh toán qua điện thoại như Apple Pay hay Samsung Pay.
Thụy Điển là một trong những quốc gia cởi mở với việc ứng dụng công nghệ nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng công nghệ chíp chưa đủ tiên tiến để không bị hacker tấn công. Nhà sinh vật học Libberton nói rằng thông tin cho người dùng còn quá hạn chế khiến họ không sợ bị hack hay giám sát.
Tác giả: Nam Hải
Nguồn tin: Báo VietNamNet