Cụ thể, cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng, nối liền thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam với tổng chiều dài 5,4 km (phần cầu 4,4 km và đường dẫn hai đầu một km). Cầu rộng 16 m với bốn làn xe.
Được khởi công từ tháng 12/2011 và khánh thành vào tháng 6/2014, cầu Vĩnh Thịnh kết nối hai trục hướng tâm quốc lộ 32 và quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc. Đây cũng là cầu kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao của Thủ đô.
Tính đến nay, cầu Vĩnh Thịnh là cầu vượt sông có chiều dài lớn nhất Việt Nam. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; có chiều dài 5.487m (trong đó cầu dài 4.480m và đường hai đầu cầu dài 1.007m), mặt cầu rộng 16,5m gồm 4 làn xe chạy, tốc độ thiết kế 80km/h; với tổng mức đầu tư là 137 triệu USD.
Cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C bắc qua sông Hồng là huyết mạch giao thông nằm trên tuyến đường vành đai 5 thuộc Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là tuyến vành đai liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh khu vực thành phố Hà Nội, kết nối mạng lưới giao thông từ các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang với các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và ngược lại nên có vai trò hết sức quan trọng giảm tải cho giao thông nội đô Hà Nội và các vùng lân cận.
Theo đó, cầu Vĩnh Thịnh có ý nghĩa rất quan trọng bởi cây cầu sẽ kết nối các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước; qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực Tây Bắc so với mặt bằng chung của cả nước.
Tác giả: Minh Tiến
Nguồn tin: Nhịp sống Kinh tế