Trong tỉnh

Cao tốc Bắc-Nam qua Nghệ An vẫn vướng mặt bằng, trách nhiệm thuộc về ai?

Sau 2 lần, chủ tịch tỉnh Nghệ An ra "tối hậu thư” về mốc thời gian GPMB dự án Cao tốc Bắc-Nam, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa xong.

Vẫn vướng gần nửa km

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT Nghệ An, tính đến ngày 2/6/2022 vẫn còn 425m mặt bằng Dự án đường Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh này chưa được các địa phương bàn giao cho nhà thầu thi công.

Cầu vượt QL48 đã xong mố trụ nhưng 2 tháng nay nhà thầu không thi công được đường dẫn vì vướng nhà dân

Cụ thể, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu: Đã GPMB được 43,16/43,47km, đạt 99,29%, còn lại 310m theo chiều dài tuyến.

Những địa phương còn lại gồm: TX Hoàng Mai còn vướng 120m là đất nông nghiệp của Giáo xứ Sơn Trang (70m); đất ở, đất vườn xã Quỳnh Vinh (50m/10 hộ dân). 1 vị trí đường nước D800 chưa lập phương án di dời ảnh hưởng cầu vượt đường QL48D.

Huyện Quỳnh Lưu còn vướng 90m là đất ở, đất vườn 4 hộ dân (xã Quỳnh Tân 3 hộ, xã Quỳnh Lâm 1 hộ); chưa di dời xong 2 vị trí đường điện cao thế 220KV, 4 vị trí điện cao thế 110Kv, 3 vị trí điện trung thế, hạ thế.

Huyện Diễn Châu còn vướng 100m chưa hoàn thành là đất ở, đất vườn của 30 hộ dân (Diễn Đoài 24 hộ, Diễn Yên 6 hộ). Khu tái định cư Diễn Đoài giao đất theo hình thức giao có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá đến nay chưa tiến hành xây dựng. Ngoài ra, còn có 7 vị trí đường điện cao thế 220Kv, 2 vị trí điện cao thế 110Kv và 2 vị trí điện trung thế, hạ thế chưa di dời xong.

Tại huyện Yên Thành còn 1 vị trí đường điện cao thế 220Kv chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Trong khi đó, dự án Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đã GPMB được 44,26/44,37Km, đạt 99,74%, còn lại 115m theo chiều dài tuyến. Cụ thể, huyện Diễn Châu còn 5m là 2 ngôi mộ xã Diễn Thọ chưa di dời xong do gia đình đang vướng tang nên chưa di dời được. Ngoài ra còn 1 vị trí đường điện cao thế 220Kv chưa di dời xong.

Huyện Nghi Lộc còn vướng 10m chưa hoàn thành là 1 ngôi mộ xã Diễn Đồng chưa di dời xong do gia đình đang vướng tang, chưa di dời được. 5 vị trí đường điện trung thế và hạ thế chưa di dời xong.

Cuối cùng là huyện Hưng Nguyên còn vướng 100m đất ở, đất vườn của 5 hộ dân (Hưng Yên Nam 2 hộ, Hưng Nghĩa 3 hộ). 2 vị trí đường điện cao thế 220Kv, 1 vị trí điện cao thế 110Kv và 7 vị trí điện trung thế, hạ thế chưa di dời xong.

Vì nhà và đất của 1 hộ gia đình nằm trên tuyến chính cao tốc Bắc Nam đoạn qua xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu ,Nghệ An chưa GPMB nên sau 9 tháng triển khai, nhà thầu vẫn chưa thể thi công.

Nguy cơ chậm tiến độ toàn tuyến

Theo tìm hiểu của PV, một trong số các vị trí đang vướng GPMB găng nhất hiện nay là vị trí ở cầu vượt Diễn Đoài. Tại đây hiện vẫn còn 30 hộ dân chưa GPMB, trong đó Diễn Đoài 24 hộ và Diễn Yên 6 hộ.

Theo lý giải của chính quyền địa phương, xã Diễn Đoài có 24 hộ, trong đó, 1 hộ xây dựng nhà trên đất khai hoang sản xuất nông nghiệp, huyện đang làm thủ tục giao đất nơi ở mới để hộ dân xây dựng nhà ở.

3 hộ chưa nhận tiền do đang kiến nghị giá tài sản thấp và đề nghị bồi thường đất vườn bằng giá đất ở; 20 hộ phạm vi cầu vượt đường QL48 (8 hộ tuyến chính đã bốc thăm đất tái định cư nhưng chưa giao đất, giao bìa cho nên hộ dân chưa bàn giao mặt bằng; 12 hộ bị ảnh hưởng 1 phần, phần còn lại nằm hoàn toàn trong hành lang giao thông đề nghị thu hồi để được tái định cư nhưng chưa được huyện giải quyết).

Còn xã Diễn Yên 6 hộ bị thu hồi 1 phần, phần còn lại nằm trong hành lang giao thông, đề nghị thu hồi hết và bố trí tái định cư nhưng chưa được giải quyết (ngoài ra 3/6 hộ này đề nghị bồi thường diện tích đất dự án QL48 mở rộng trước nay chưa được bồi thường).

Ông Nguyễn Bá Sỹ - Giám đốc Ban Điều hành dự án của nhà thầu Vinaconex như ngồi trên đống lửa cho biết: "Về phần cầu vượt QL48, mố trụ không vướng gì và đơn vị đã làm gần xong, đáp ứng đúng tiến độ. Nếu không có gì thay đổi, đến tháng 10 năm nay sẽ thông phần cầu. Tuy nhiên, đường 2 đầu cầu đáng ra đã làm từ lâu để xong cầu là thông xe luôn.

Nếu không thông xe được sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy như: đi đường tránh đang gây ô nhiễm môi trường, khó khăn trong thi công tuyến cao tốc đoạn qua gầm cầu, gây bức xúc cho người tham gia giao thông… Chưa kể phần đường đầu cầu thi công rất phức tạp, cần thời gian dài bao gồm: xử lý đất yếu, đóng cọc tre, thay cát, đào sâu tận 3m và làm tường chắn có cốt, đắp cao tận 9m... Việc GPMB chậm đồng nghĩa với chậm đường đầu cầu. Ngoài ra, ở xã Diễn Đoài cũng còn 8 hộ nằm trên tuyến chính, chưa thể thi công".

“Nếu bàn giao chậm thế này, nguy cơ chậm cả gói thầu, vì đường 2 đầu cầu đắp rất cao, thời gian thi công lâu sợ sẽ không kịp. Hôm trước, nhà thầu đã đưa ra kế hoạch 31/5 sẽ nhận mặt bằng mới về đích đúng tiến độ. Thế nhưng, đến nay đã quá thời hạn mà vẫn chưa có mặt bằng, chậm ngày nào khó khăn ngày đó. Và đặc biệt, đến nay nhà thầu vẫn chưa biết được lịch bàn giao mặt bằng của địa phương như thế nào”, ông Sỹ lo lắng.

Cũng theo ông Sỹ, hiện nay tại Km 421 còn 1 hộ dân (hộ ông Lê Văn Hoàng, ở xóm 3, xã Diễn Đoài) chắn hoàn toàn ngang tuyến chính. Trước đây, địa phương cũng đã chốt lịch bàn giao mặt bằng nhưng nay vẫn chưa xong.

Điều lạ là việc vướng mặt bằng ở đây lại nằm trong sự chậm chễ giải quyết của chính quyền. Khi trả lời PV Báo Giao thông vào cuối tháng 5/2022, ông Lê Văn Hoàng khẳng định: Gia đình hoàn toàn đồng ý chủ trương làm đường của Nhà nước. Chúng tôi sẵn sàng chuyển đi ngay khi huyện xã bố trí đất mới nhưng không hiểu xã huyện như thế nào mà đến nay không có thông tin gì. Nhà tôi ở đây đã cũ, mỗi khi xe máy chạy, nhà cứ rung lên bần bật khiến chúng tôi luôn thấp thỏm lo lắng.

Gia đình ông Hoàng có gần 5000m2 đất khai hoang trước năm 1990 và dựng nhà ở từ năm 1994. Do thiếu hiểu biết, ông Hoàng chưa làm các thủ tục giấy tờ chứng nhận QSDĐ. Giờ nguyện vọng của gia đình là được 1 suất đất tái định cư và mua thêm 1 mảnh đất với giá ưu tiên vì nhà có tới 10 người con, trong đó nhiều cháu đã đến tuổi lập gia đình. Tuy nhiên, ông Hoàng khẳng định: "lâu nay không thấy có ai về giải quyết các nguyện vọng của gia đình" (!?).

Đến nay nhiều vị trí điện cao thế, trung thế và hạ thế ở vị trí cần xử lý nền đất yếu vẫn chưa được di dời.

Trách nhiệm của người đứng đầu địa phương?

Một điều đáng lưu ý là cho đến nay, UBND tỉnh Nghệ An đã có 2 lần ra “tối hậu thư” về thời hạn phải hoàn thành xong GPMB cao tốc Bắc Nam.

Lần thứ nhất, văn bản hỏa tốc của UBND tỉnh Nghệ An giao các địa phương phải hoàn hoàn thành công tác GPMB, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Ban QLDA 6 - Bộ GTVT trước ngày 25/3/2022.

Lần thứ 2, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kết luận, chỉ trừ đường điện cao thế 220Kv (đoạn qua huyện Yên Thành) do phát sinh sau nên hoàn thành trước ngày 30/6/2022. Còn lại, các địa phương phải hoàn tất công tác GPMB xong trước ngày 30/5/2022.

Đặc biệt, cả 2 “tối hậu thư”, UBND tỉnh Nghệ An đều khẳng định: Sau các thời gian nêu trên, địa phương nào không hoàn thành, Chủ tịch UBND các huyện, TX chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Thế nhưng, sau cả 2 lần chậm GPMB, tất cả lãnh đạo các địa phương đều vô can.

Trao đổi qua điện thoại về vấn đề này, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện tại tỉnh đang chỉ đạo rất quyết liệt. Gần đây vào ngày 27/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã ra thông báo yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác GPMB cho Dự án cao tốc Bắc - Nam. Đồng thời, ấn định thời gian hoàn thành công tác GPMB, chậm nhất đối với đất ở, đất vườn phải hoàn thành trước ngày 20/5/2022; di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và di dời mồ mả xong trước ngày 30/5/2022. Với những điểm còn tồn đọng, tới đây tỉnh sẽ họp kiểm điểm với các địa phương và sẽ có biện pháp xử lý.

Ông Vinh cũng bày tỏ mong muốn chủ đầu tư và các nhà thầu cao tốc đẩy nhanh tiến độ dự án hơn nữa. Nhất là những đoạn đã bàn giao GPMB để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân khi triển khai GPMB.

Tác giả: Sỹ Hòa - Văn Thanh

Nguồn tin: Báo Giao Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP