Nhiều người lại tin vào quảng cáo uống nước kiềm mỗi ngày 3-5 lít, không cần ăn để điều trị bách bệnh. Nhiều người học theo và nhận cái kết đắng.
Thải độc phản khoa học
Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền cách thức uống nước cốt chanh vào buổi sáng khi bụng còn trống rỗng với lời đồn “thải độc”, “chữa bệnh bệnh”. Theo chia sẻ của trang facebook có tên “bài thuốc hay”, chủ trang facebook này cho biết, đã uống nước cốt chanh ngày thứ 10, mỗi ngày 1 bát vào mỗi sáng khi bụng rỗng và đây là phương pháp “lối sống xanh”.
Người này cho rằng, “chanh khi vào cơ thể chuyển hoá thành kiềm và kiềm hoá cơ thế rất mạnh, giúp giảm lượng đường trong máu, điều hoà huyết áp, thậm chí chanh giúp chữa dạ dày và bảo vệ tiêu hoá rất tốt, còn giúp gan, thận, mật và đường ruột thải độc mạnh. Uống chanh lúc bụng rỗng không làm tổn thương đường ruột, còn kích hoạt tuyến tuỵ tiết ra hoocmon bicacbonat càng nhiều, chống oxy hoá rất tốt giúp trẻ lâu”.
![]() |
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân bị hôn mê do uống nước kiềm để chữa bệnh. |
Trên trang facebook L.P còn cho biết, tập uống chanh buổi sáng từ 1 quả và tăng lên 5 quả, uống lúc bụng rỗng trước ăn sáng, chữa dạ dày và trào ngược, đào thải mạnh độc tố… Thậm chí, có trang facebook còn đăng tải uống nước chanh vào buổi sáng hết luôn cả bệnh viêm phụ khoa, cúm A, không cần phải sang Thái Lan để thải độc.
Trên trang facebook cá nhân tên N.T chia sẻ, nên tập uống cốt chanh từ 1-5 quả, 5-10 quả sau khi ngủ dậy, sau 60 phút mới nên ăn. Người này cho rằng “chanh thải độc gan mạnh nhất nên gan sẽ lôi những chất độc giấu kỹ ra và chỉ huy thận đào thải qua nước tiểu và mồ hôi. Vài hôm thải ra là da đẹp, dáng đẹp, trẻ ra 5-10 tuổi”. Ngoài chữa khỏi dạ dày, trào ngược, đại tràng, người này còn nhấn mạnh “uống nước cốt chanh không còn cao răng, không còn viêm lợi hay chảy máu chân răng”. Dưới bài đăng này nhiều bình luận nói rằng đã làm theo, thậm chí có người còn tăng liều cao nước cốt chanh lên 15 quả/ngày.
Không chỉ thải độc, trẻ hoá, mà uống nước chanh còn được đồn thổi chữa được bệnh ung thư phổi. Chị Nguyễn Thị Nhung (Hà Nội) có người nhà ung thư phổi đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: “Cách đây ít hôm, tôi được một người quen ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ “bài thuốc” chữa ung thư phổi bằng mỗi ngày uống 4 lít nước pha với chanh, không cần phải đến bệnh viện điều trị mà vẫn sống khoẻ. Người này nói chị quen biết nhiều người bị ung thư phổi, họ sử dụng phương pháp trên, đến nay đã sống 3-5 năm. Tham khảo ý kiến của bác sĩ đang điều trị cho người thân của tôi, bác sĩ bác bỏ ngay và dặn bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng “bài thuốc” trên mạng hay thuốc nam nào khác”.
Cũng để chữa ung thư, nghe theo quảng cáo trên mạng, nhiều người đã từ bỏ điều trị ở bệnh viện, đến nhà “thầy lang” ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) uống nước kiềm, nhịn ăn với hy vọng khỏi bệnh. Phương pháp này được quảng cáo như thần dược chữa được “bách bệnh”, nên cả người suy thận, suy gan, bệnh tuyến giáp… cũng đến uống nước kiềm. “Thầy lang” cam kết chữa khỏi bệnh trong 5 ngày, yêu cầu bệnh nhân uống nước từ máy lọc nước hoà cùng muối, gọi là “nước kiềm”, uống khi nào khát (có người uống 4-5 lít/ngày), đồng thời nhịn ăn. Nhiều người “điều trị” ở đây đã bị suy kiệt, hôn mê nguy kịch phải vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Sớm kiểm tra, xử lý nghiêm
Theo BS Đoàn Thu Hồng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chanh chứa hàm lượng vitamin C cao (khoảng 18,6mg), tương đương 21% lượng khuyến nghị vitamin C hằng ngày của cơ thể. Vitamin C và các hợp chất thực vật trong chanh đóng vai trò là một chất chống oxy hoá giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Đồng thời, nó cũng giúp tăng lượng chất béo tốt và giảm lượng chất béo xấu nên tốt cho sức khoẻ tim mạch. Tuy vậy, nếu uống quá nhiều chanh mỗi ngày, uống lúc đói hay uống nước cốt chanh mà không pha loãng với nước lọc đều có thể gây bất lợi cho sức khoẻ.
BS Hồng chỉ ra nguyên nhân bất lợi, do hàm lượng axit trong chanh cao nên nếu uống quá nhiều hoặc uống lúc đói có thể gây viêm loét dạ dày, trào ngược, ợ nóng… Axit citric trong chanh còn làm mòn men răng, khiến răng nhạy cảm, ê buốt, dễ sâu răng, yếu răng. Nguy hiểm hơn, cơ thể tiêu thụ quá nhiều vitamin C làm tăng các triệu chứng rối loạn tiêu hoá như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ợ nóng hay làm trầm trọng các vết loét miệng.
Uống nước cốt chanh buổi sáng khi bụng đói để thải độc, theo BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đây là cách làm nhiều tác hại hơn lợi ích. Đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định nước cốt chanh thải độc cho cơ thể. Vì vậy, người dân không học theo thói quen “nghe nói” trên mạng mà làm theo. Giải thích thêm, BS Hưng cho biết: “Uống nước cốt chanh khi bụng đói có thể gây hại cho hệ tiêu hoá, không chữa viêm dạ dày, trào ngược thực quản như một số người nói. Cơ thể chúng ta tự làm sạch và hệ tiêu hoá, gan, thận chính là cơ quan thải độc”.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, chỉ cần uống quá nhiều nước bình thường như nước lọc hay nước đun sôi để nguội trong 1 ngày, kể cả ở người khoẻ mạnh đã rất nguy hiểm, có thể gây nguy hại cho cơ thể như phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong, chứ chưa nói đến sử dụng lượng lớn nước kiềm/ngày. Uống nhiều nước kiềm, độ pH cơ thể bị tăng lên, gây rối loạn cảm giác, hôn mê, kali máu hạ dẫn tới có thể bị loạn nhịp tim, liệt, hoạt động của nhiều enzyme bị giảm, thậm chí tử vong.
BS Nguyên cảnh báo, việc thực hiện theo những phác đồ điều trị, lời tuyên truyền thiếu cơ sở khoa học rất nguy hiểm, thậm chí dễ mất mạng. Hiện nay, có nhiều quảng cáo chữa bệnh thổi phồng công dụng nhằm thu hút người khác đến chữa bệnh sai về chuyên môn, phản khoa học, gây hại cho bệnh nhận, thậm chí gây nguy cơ tử vong…, cần sớm được các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm để sớm chấm dứt hiện tượng này, tránh gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Tác giả: Trần Hằng
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân