Bị can Nguyễn Thị Minh Quyên. ẢNH: C.T.V. |
Ngày 22.10, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Đội 8 - PC03) Công an TP.HCM cho biết, vừa tống đạt các quyết định khởi tố bị can (cho tại ngoại vì nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) đối với Nguyễn Thị Minh Quyên (30 tuổi, ngụ Q.11, nhân viên giao dịch tại một ngân hàng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngân hàng quản lý lỏng lẽo để cán bộ lập khống chứng từ
Theo đó, từ tháng 12.2018, Quyên có nhiệm vụ tiếp xúc khách hàng thực hiện các giao dịch mở tài khoản, mở thẻ, nộp tiền mặt, rút tiền mặt, mở sổ tiết kiệm, rút tiền từ sổ tiết kiệm, cho vay theo sổ tiết kiệm.
Theo CQĐT, mặc dù quy trình về việc thực hiện giao dịch rút tiền từ sổ tiết kiệm được ngân hàng quy định cụ thể nhưng thực tế tại phòng giao dịch này, tất cả các giao dịch rút tiền, kiểm soát viên không xem xét ký duyệt chứng từ, kiểm tra thông tin người rút tiền để ký chứng từ trước khi thực hiện giao dịch mà chỉ duyệt trên hệ thống máy tính để giao dịch viên in chứng từ ra. Giao dịch viên tự ký chứng từ cùng khách hàng và thực hiện chi tiền. Sau đó, cuối tuần hoặc cuối tháng, khi kiểm soát viên và thủ quỹ rảnh sẽ tập hợp toàn bộ các chứng từ này để ký một lượt.
Kết quả điều tra của PC03 thể hiện, từ sự lỏng lẻo trong việc quản lý, ký chứng từ của kiểm soát viên , việc không thực hiện đúng quy trình theo quy định của ngân hàng đã tạo điều kiện để bị can Nguyễn Thị Minh Quyên lợi dụng lập khống nhiều chứng từ rút tiền từ 12 sổ tiết kiệm của 11 khách hàng, chiếm đoạt hơn 4,4 tỉ đồng.
Cụ thể, khi phát hành sổ tiết kiệm cho khách hàng, Nguyễn Thị Minh Quyên photo lại sổ để lưu giữ riêng. Sau đó, khi có nhu cầu rút tiền để sử dụng, Quyên kiểm tra, lựa chọn các sổ tiết kiệm có thời gian đáo hạn xa để tránh bị phát hiện khi khách hàng đến tất toán hoặc đáo hạn.
Đồng thời, Quyên thường rút tiền dưới 50 triệu đồng để không phải thông qua sự phê duyệt của kiểm soát viên. Từ hệ thống phần mềm Branch Teller của ngân hàng, Quyên nhập thông tin tài khoản khách hàng và số tiền tương ứng thì phần mềm sẽ in ra giấy rút tiết kiệm. Sau đó, từ hệ thống lưu trữ thông tin chữ ký khách hàng, Quyên xem chữ ký mẫu của khách hàng rồi giả chữ ký, ký tên vào phần “Chủ sở hữu” và ký tên Quyên vào phần giao dịch viên.
Thủ đoạn rút tiền tiết kiệm của khách hàng
Bị can Quyên sử dụng bản photo do Quyên lưu trữ trước đó để cập nhật thông tin giao dịch rút tiền vào bản photo này. Sau khi ký chứng từ, Quyên lấy số tiền tương ứng từ quỹ giao dịch hàng ngày của Quyên. Giấy rút tiết kiệm và bản photo sổ tiết kiệm được Quyên tập hợp cùng các chứng từ khác trong ngày để phục vụ đối chiếu, kiểm quỹ cuối ngày và lưu trữ. Từ đó, Quyên đã chiếm đoạt được tiền.
Ngoài ra, khi cần số tiền lớn để giải quyết việc cá nhân, Quyên còn rút nhiều lần trên 50 triệu đồng, tuy nhiên, do thiếu kiểm soát nên mặc dù không có khách hàng đến rút tiền thật, không có bản chính sổ tiết kiệm nhưng kiểm soát viên vẫn phê duyệt trên hệ thống máy tính ký bổ sung chứng từ để Quyên rút chiếm đoạt tiền của Ngân hàng. Theo đó, mỗi lần Quyên rút từ 120 đến 850 triệu đồng.
Toàn bộ các chứng từ rút tiền trên, Quyên thừa nhận do Quyên thực hiện và giả chữ ký của khách hàng để ký trên chứng từ.
PC03 xác định từ ngày 17.1.2019 đến ngày 19.12.2019, Nguyễn Thị Minh Quyên đã giả chữ ký khách hàng để thực hiện các giao dịch rút tiền từ 12 sổ tiết kiệm, chiếm đoạt tổng cộng hơn 4,4 tỉ đồng. Bị can Quyên khai nhận, số tiền chiếm đoạt được đã sử dụng để trả nợ cho cá nhân và gia đình Quyên, hiện không còn tiền để khắc phục hậu quả.
Hiện PC03 đang điều tra mở rộng vụ án lừa đảo này.
Tác giả: Ngọc Lê
Nguồn tin: Báo Thanh Niên