Trong nước

Cách nào bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm?

Hôm nay (27/3), tại Ninh Thuận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội thảo góp ý kiến vào các dự thảo nghị định quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tinh giản biên chế và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Tại hội thảo, đại liện lãnh đạo Sở Nội vụ 14 tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên đã góp ý 3 dự thảo Nghị định do Bộ Nội vụ soạn thảo, về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; về tinh giản biên chế và quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội thảo.

Dự thảo Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được nhiều đại biểu quan tâm. Cụ thể là Điều 8 dự thảo Nghị định quy định cán bộ có ý tưởng, phát minh, sáng chế, sáng tạo ngoài phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao được khuyến khích thực hiện và bảo vệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.

Nhiều ý kiến cho rằng, các tổ chức liên quan, ngoài việc phối hợp tạo điều kiện thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các sáng kiến, cũng phải có trách nhiệm góp ý khi cơ quan chức năng, những tổ chức có thẩm quyền phát hiện những thí điểm của sáng kiến không phù hợp, để cán bộ kịp thời điều chỉnh, sửa sai. Có như vậy mới bảo vệ được cho người dám nghĩ, dám làm.

Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết, cần người đứng đầu cấp có thẩm quyền trên một cấp để bảo vệ, nếu không sẽ rất khó: "Cũng nên làm rõ ranh giới giữa đúng và sai, giữa tập thể và cá nhân. Trong bối cảnh bây giờ, khi bị thanh tra, kiểm tra không có điều gì mà nói không sai, chỉ có không làm thì mới không sai, còn đã làm thì có cái đúng, cái sai. Mà sai mà xử lý thì đúng là cũng khổ cho anh em".

Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng

Liên quan đến Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc giao quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã cho UBND cấp tỉnh hay UBND cấp huyện quyết định.

Nếu theo quy định tại dự thảo Nghị định này, UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua, sau đó UBND cấp huyện mới ban hành quyết định cho từng xã, như vậy rất phức tạp, mất thời gian. Mặt khác, quy trình ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh rất chặt chẽ, nhiều công đoạn, do vậy sẽ khó khăn khi có sự thay đổi về phân loại đô thị, dân số, dẫn đến thay đổi về số lượng cán bộ, công chức cấp xã./.

Tác giả: Đoàn Sĩ

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP