Trong nước

Các tỉnh Trung Bộ rất có thể xảy ra lũ lịch sử như năm 2017

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, với lượng mưa dự báo rất lớn ở các tỉnh Trung Bộ, bình quân có nơi đến 1.000mm, nên khả năng lặp lại trận lũ lịch sử như năm 2017 là rất cao.

Sáng nay (7/10), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tại tổ chức cuộc họp ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn ở miền Trung. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, theo những phân tích mới nhất vào sáng cùng ngày, vùng áp thấp đang ở cuối cấp 5.

Theo ông Khiêm, vùng áp thấp ít có khả năng mạnh lên và có xu hướng đi vào các tỉnh Nam Trung Bộ.

Ông Mai Văn Khiêm thông tin tại cuộc họp.

Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin thêm, hiện trên biển ở phía Đông của Philippines đã bắt đầu hình thành nhiễu động. Theo tính toán, phân tích của đơn vị này thì trong tuần tới từ 13-14/10 sẽ tiếp tục có một áp thấp nhiệt đới hình thành có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.

"Đây là điểm cần lưu ý bởi sau mưa lớn thì chúng ta có thể sẽ tiếp tục có hình thái thời tiết cực đoan, nguy hiểm”, ông Khiêm lưu ý.

Đối với mưa lớn do ảnh hưởng của vùng áp thấp, ông Khiêm cho biết, sẽ có 2 đợt mưa lớn, đợt 1 kéo dài đến ngày 11/10, trọng tâm là ngày và đêm 7/10, tập trung ở Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Đối với đợt 2, lượng mưa sẽ tùy thuộc vào cường độ và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới/bão.

Tổng kết 2 đợt, lượng mưa từ 500-1.000mm, có nơi cao hơn. Mưa lớn kéo dài dài liên tục nên nguy cơ lũ quét ở vùng núi phía Tây Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ. Lũ ở các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố khả năng trên báo động 2, trên sông La, sông Cả báo động 1; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng lên trên báo động 2, sông nhỏ có nơi báo động 3.

Tại cuộc họp, ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, các hồ chứa ở Trung Bộ đang ở mực nước thấp, dao động quanh 30-40% dung tích. Các hồ lớn có nhiệm vụ điều tiết lũ như hồ Tả Trạch, Cửa Đạt, Ngàn Trươi dung tích tiếp nhận khoảng 2 tỷ m3 nên mưa 500-700mm không đáng lo ngại.

“Kinh nghiệm vận hành hồ Tả Trạch (Huế), với dung tích như vậy, mưa 1.200mm thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Lo ngại nhất là hồ Bình Điền (Huế) tích đầy nước nên cắt lũ rất kém, nếu kịch bản mưa lớn phải có kế hoạch phối hợp giữa hồ Bình Điền và hồ Tả Trạch thì mới thì mới đảm bảo an toàn cho TP Huế”, ông Tự nói.

Theo đại diện Cục trồng trọt, hiện nay diện tích lúa chưa thu hoạch ở Bắc Trung Bộ còn 25.000ha tập trung ở các huyện vùng cao, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có 150.000ha, trong đó có khoảng 50% diện tích có thể thu hoạch nên Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo địa phương khẩn trương thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Thông tin tại cuộc họp, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ở miền Trung có khoảng 20 hồ thủy điện do EVN quản lý, mực nước hiện nay đang ở mức thấp (30-40%), do đó, mưa lớn vẫn có khả năng ứng phó. Tập đoàn cũng đã có văn bản chỉ đạo tập trung đảm bảo an toàn hồ đập, theo dõi diễn biến mưa và lượng nước về hồ để vận hành.

Liên quan đến công tác ứng phó của các hồ chứa, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị, dù các hồ chứa của tập đoàn dung tích còn thấp nhưng EVN cần kiểm tra phía hạ du để sẵn sàng phương án xả lũ. Kinh nghiệm năm 2011, đồng loạt các địa phương phản đối về việc thủy điện xả lũ ồ ạt gây ra lũ chồng lũ. Do đó, năm nay kiên quyết không để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, với lượng mưa dự báo rất lớn ở các tỉnh Trung Bộ, bình quân có nơi đến 1.000mm nên khả năng lặp lại trận lũ lịch sử như năm 2017 là rất cao.

Ông Hiệp cũng yêu cầu các đơn vị quản lý các hồ chứa ở khu vực Trung Bộ phải ở báo động cao nhất vì mưa cực đoan rất lớn. Riêng Tả Trạch, Ngàn Trươi, Cửa Đạt phải đặt trong tình trạng đặc biệt, ưu tiên chỉ đạo để điều tiết lũ. Lực lượng công an, quân đội cần sẵn lực lượng, phương tiện để tiếp cận khi ngập lụt trên diện rộng.

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP