Bà Nguyễn Thị Mỹ bức xúc vì nhà đang thế chấp thì Vietcombank Tân Bình tự cho phép giao dịch - Ảnh: A.C.M. |
Mới đây, bà Nguyễn Thị Mỹ (ngụ quận 6, TP.HCM) gửi đơn tố giác tội phạm đến Công an TP.HCM, Viện KSND TP.HCM, tố cáo đến Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc căn nhà 1051/4C Hậu Giang (quận 6, TP.HCM) của bà đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Tân Bình (Vietcombank Tân Bình) bị mang đi đặt cọc mua bán.
Giả người đặt cọc bán nhà thế chấp
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, bà Mỹ cho hay rất bức xúc vì phát hiện Vietcombank Tân Bình tự ý cho phép việc đặt cọc bán nhà.
Theo bà Mỹ, cuối năm 2019, bà thế chấp căn nhà trên cho Vietcombank Tân Bình để vay tiền. Bà Mỹ vẫn trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Đến tháng 9-2023, bà rao bán căn nhà nói trên để tất toán khoản vay.
Bất ngờ khi kiểm tra pháp lý nhà, bà Mỹ phát hiện một hợp đồng công chứng đặt cọc 11 tỉ đồng để mua căn nhà được ký ngày 29-11-2021 tại Phòng công chứng số 7 (TP.HCM) với nội dung bên đặt cọc là ông Nguyễn Hoàng Lam Đô, bên nhận cọc là bà Mỹ.
Ngay sau đó bà Mỹ thông báo cho Vietcombank Tân Bình biết vụ việc và đề nghị ngân hàng phối hợp cùng tố cáo đến cơ quan công an, nhưng phía ngân hàng không thực hiện.
Tháng 10-2023, bà Mỹ tố cáo vụ việc đến Công an quận 6. Kết quả giám định của Công an quận 6 cho thấy có người giả mạo bà Mỹ ký hợp đồng đặt cọc.
Vietcombank Tân Bình nói không biết ủy quyền bị hủy
Trong đơn tố giác mới đây, bà Mỹ đề nghị cơ quan công an làm rõ việc giả mạo ký hợp đồng đặt cọc, làm rõ vai trò của ngân hàng trong việc cho phép giao dịch tài sản thế chấp mà không có ý kiến của bà và vai trò của công chứng viên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tuấn Sơn, giám đốc Vietcombank Tân Bình, cho hay ngày 19-10-2021 Vietcombank Tân Bình phát hành văn bản 1233 có nội dung chấp thuận cho bà Mỹ nhận đặt cọc bán nhà theo đề nghị của ông Phan Hùng Cường. Ông Cường có xuất trình bản photocopy hợp đồng ủy quyền số 7758 (lập ngày 29-4-2020), do bà Mỹ ủy quyền ông Cường.
Lý giải việc này, ông Sơn cho rằng do ngân hàng biết rằng giữa ông Cường và bà Mỹ có mối quan hệ tình cảm và ông Cường từng thay mặt thực hiện thủ tục liên quan căn nhà và nghĩa vụ liên quan đến khoản vay của bà Mỹ.
Tuy nhiên, bà Mỹ cho rằng ông Sơn lý giải như vậy là không đúng, ngân hàng dựa vào bản photocopy ủy quyền số 7758 (vì bản chính bị hủy) để ra văn bản cho đặt cọc là sai quy định.
"Ủy quyền đã bị hủy thì không có cơ sở gì để ngân hàng ra văn bản 1233 theo đề nghị của ông Cường. Ngân hàng phải xác minh giá trị pháp lý của văn bản ủy quyền cũng như phải liên hệ với tôi để xác minh. Việc ngân hàng tùy tiện ra văn bản 1233 đã khiến có kẻ giả mạo nhận đặt cọc...", bà Mỹ phân tích.
Phản hồi ý kiến bà Mỹ, ông Sơn cho rằng việc ủy quyền đã hủy ngân hàng không biết. "Việc chấp nhận bản sao về nghiệp vụ cũng không có gì sai vì muốn tạo điều kiện cho bà Mỹ nhận cọc bán nhà để trả nợ ngân hàng là phù hợp. Ngân hàng không tiếp tay cho ai chiếm đoạt tài sản thế chấp...", ông Sơn khẳng định.
Bà Mỹ không đồng ý với quan điểm của ngân hàng và tiếp tục gửi tố giác đến cơ quan chức năng.
Ngân hàng chưa bảo đảm quy trình, quy định Đánh giá về vụ việc, luật sư Hà Hải, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng ngân hàng chấp nhận phát hành văn bản đồng ý cho đặt cọc bán nhà dựa trên bản photocopy ủy quyền và trái với ý chí của bà Mỹ thì ngân hàng thực hiện không đúng quy trình nghiệp vụ. |
Tác giả: ÁI NHÂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ