![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Bộ tứ nghị quyết đã chính thức hình thành một trụ cột thể chế vững chắc, được Tổng Bí thư Tô Lâm xác định là nền móng tạo thế và dựng lực cho đất nước bước vào vận hội mới, phát triển bền vững và vươn tầm mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Hội nghị toàn quốc ngày 18/5/2025 không chỉ là nơi phổ biến và quán triệt nghị quyết mà là một khoảnh khắc định hình tư duy chiến lược về thể chế. Trong phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta nhận thấy một hệ hình điều hành quốc gia đang được nâng cấp toàn diện, với một cấu trúc thể chế mới bao gồm bốn nghị quyết mang tính tương hỗ, liên kết và đồng vận: Nghị quyết 66 về xây dựng nhà nước pháp quyền, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ và Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế. Đây là bốn trụ cột nâng đỡ tương lai dân tộc.
Tổng Bí thư khẳng định, đây là những nghị quyết vừa cấp bách, vừa căn cơ, mang tính tổ chức lại toàn bộ phương thức phát triển. Điểm đặc biệt không nằm ở số lượng nghị quyết, mà ở cấu trúc tư duy: các nghị quyết không đứng độc lập, mà cùng tạo thành một chỉnh thể thể chế hiện đại, tương hỗ và thúc đẩy lẫn nhau.
Nghị quyết 66 đặt ra đòi hỏi cao về việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với nhấn mạnh rằng phải nâng cao chất lượng thể chế, siết chặt kỷ luật pháp lý nhưng đồng thời tạo ra sự linh hoạt trong điều hành, hướng đến một nhà nước kiến tạo phát triển, hành động vì nhân dân và lấy hiệu quả là tiêu chí tối hậu. Pháp luật không chỉ là công cụ cưỡng chế, mà là khí cụ kiến tạo trật tự phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ rằng xây dựng nhà nước pháp quyền không thể dừng lại ở văn bản quy phạm mà phải đi vào thực chất điều hành. Ông nhấn mạnh cần khắc phục tình trạng luật thì đúng nhưng tổ chức thực thi thì yếu, luật nhiều mà hiệu lực thì thấp, pháp lý dày mà niềm tin mỏng. Để điều đó thay đổi, cần một bộ máy công vụ tinh gọn, chuyên nghiệp, trong sạch và liêm chính, gắn chặt với người dân và doanh nghiệp. Đây là tư tưởng xuyên suốt, không chỉ tạo niềm tin, mà còn tạo lực đẩy cho hành động.
Trong hệ chỉnh thể này, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đóng vai trò chất xúc tác của động lực tăng trưởng. Tại hội nghị, các chuyên gia và doanh nhân đều thừa nhận rằng chưa bao giờ khu vực kinh tế tư nhân được đặt ở vị trí chiến lược như hiện nay. Tổng Bí thư đã chỉ rõ cần chuyển từ thừa nhận sang kiến tạo, từ tạo điều kiện sang đồng hành và từ khuyến khích sang bảo vệ. Điều này có nghĩa là kinh tế tư nhân không còn là phụ trợ, mà là một cực phát triển của nền kinh tế quốc dân.
![]() |
Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền phát biểu tại điểm cầu chính Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị, doanh nhân Vũ Văn Tiền chia sẻ: "Nghị quyết 68/NQ-BCT đã nói lên tất cả những vấn đề vướng mắc, những điều chúng tôi trăn trở bấy lâu nay của doanh nghiệp. Tôi cảm nhận như "nắng hạn gặp cơn mưa rào".
Nghị quyết 68 nêu rõ cần hoàn thiện pháp luật về đầu tư, sở hữu, cạnh tranh bình đẳng, khơi thông nguồn lực tín dụng, thị trường đất đai, và cải thiện môi trường kinh doanh. Các mục tiêu đó nếu gắn liền với Nghị quyết 66 về pháp quyền sẽ hình thành một môi trường pháp lý vững chắc, tạo nền móng cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá.
Trong khi đó, Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ là chiều sâu chiến lược của tăng trưởng bền vững. Không có sáng tạo, không thể cạnh tranh. Không làm chủ công nghệ, không thể độc lập phát triển. Và cũng không thể có khoa học công nghệ mạnh nếu thiếu khu vực tư nhân dám đầu tư, mạo hiểm và đổi mới. Như Tổng Bí thư từng nói: “Không thể chờ đợi có đủ điều kiện mới sáng tạo, mà phải sáng tạo để vượt qua điều kiện.”
Tổng hòa ba nghị quyết này là Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế. Trong thế giới toàn cầu hóa, thể chế mạnh phải đi đôi với năng lực hội nhập. Sản phẩm thể chế của Việt Nam không chỉ để dùng trong nước, mà còn để khẳng định uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Nếu thể chế ổn định, pháp luật tiên tiến, môi trường kinh doanh minh bạch và tư nhân phát triển, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, chuyển đổi số và năng lượng sạch.
![]() |
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định: “Bốn nghị quyết này là bước định hình một hệ sinh thái thể chế. Nhà nước mạnh về pháp quyền. Doanh nghiệp mạnh về năng lực thị trường. Khoa học mạnh về sáng tạo. Và hội nhập mạnh về tầm nhìn quốc tế. Khi những trụ cột này cùng phát huy sức mạnh, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng chất lượng cao".
Không khó để thấy rằng, bộ tứ nghị quyết vừa tạo thế, vừa dựng lực. Thế là thế chính trị vững vàng, hệ thống pháp lý ổn định, bộ máy hành chính hành động và minh bạch. Lực là lực của kinh tế thị trường hiện đại, sáng tạo đổi mới và hội nhập toàn cầu. Quốc hội khi bấm nút thông qua các văn kiện luật hóa các nghị quyết này trong thời gian tới sẽ chính thức mở khóa vận hội phát triển của đất nước.
Điều đáng nói là toàn bộ tầm nhìn chiến lược này không tách rời, mà được dẫn dắt nhất quán bởi tư duy cải cách và đổi mới từ người đứng đầu Đảng. Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện một phong cách điều hành quyết liệt nhưng thận trọng, mềm dẻo trong sách lược nhưng kiên định về nguyên tắc, và hơn cả là một tư duy hành động đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu.
Từ lý luận đến thực tiễn, từ thể chế đến vận hành, những gì Hội nghị ngày 18 tháng 5 truyền tải cho thấy một tinh thần lớn: cải cách không còn là lựa chọn, mà là con đường duy nhất. Phát triển không chỉ là mục tiêu, mà là yêu cầu sống còn. Và để làm được điều đó, cần sự đồng tâm, đồng lực và đồng hành của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân trong một khung thể chế thống nhất.
Với bốn nghị quyết trọng điểm mang tính chỉnh thể, Việt Nam đang sở hữu một bản thiết kế thể chế hoàn chỉnh cho phát triển. Đây là thời điểm lịch sử, khi thế và lực cùng hội tụ, khi tư duy cải cách gặp thời cơ vàng và khi sự dẫn dắt chiến lược được xác lập vững vàng. Một vận hội lớn đã mở ra cho đất nước, một kỷ nguyên hùng cường đang hình thành từ tầm nhìn thể chế và sự kiên định của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, người đang viết tiếp trang sử cải cách vì một Việt Nam thịnh vượng và vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ thế giới.
Tác giả: Nguyễn Sơn
Nguồn tin: baotintuc.vn