Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thiết kế và triển khai được một hệ thống e-Learning thực sự hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và luôn thu hút giáo viên tham gia, việc học tập kinh nghiệm từ bài học thất bại của các hệ thống trước đó, tranh thủ những ứng dụng mới nhất trong thiết kế và tổ chức các khoá học trực tuyến là vô cùng quan trọng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của hệ thống.
Hệ thống học liệu - điều kiện cơ bản nhất quyết định thành công
Chia sẻ kinh nghiệm của Trường ĐH Vinh trong bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông bằng e-learning, TS. Vũ Chí Cường và TS. Trần Xuân Sang (Trường ĐH Vinh) nhấn mạnh, trước hết cần quan tâm hàng đầu đến các yếu tố về công nghệ, bởi phương thức đào tạo e-learning sử dụng môi trường là các thiết bị công nghệ như máy tính, thiết bị di động thông minh kết nối thông qua mạng internet. Cùng với đó, hệ thống học liệu là điều kiện cơ bản nhất quyết định sự thành công.
Hai TS chia sẻ: Với kinh nghiệm làm việc với Topica, chúng tôi nhận thấy hệ thống học liệu cần phải được phát triển theo nhiều hình thức khác nhau để phục vụ các mục đích khác nhau và điều kiện khác nhau của người học như: Text, audio, video, slide trình chiếu, rich Media, hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm, hệ thống các bài tập tự luận và hệ thống tài liệu tham khảo.
Việc học theo phương thức e-learning chú trọng vào người học và tự học dựa trên CNTT và mạng internet, chính vì vậy, việc xác định một lượng tài liệu tham khảo nhất định sẽ giúp cho người học không mất quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm thông tin cần thiết trên mạng.
Về tổ chức dạy học, TS. Vũ Chí Cường và TS. Trần Xuân Sang nhấn mạnh: phương thức đào tạo e-learning phù hợp với quá trình tự học, giúp người học có thể có thể học mọi lúc mọi nơi và có thể học nhiều lần.
Tuy nhiên, để việc tự học thành công hơn, vẫn cần tổ chức các buổi học trực tuyến để giảng viên gặp gỡ và trao đổi những kiến thức quan trọng nhất cho người học. Các buổi học trực tuyến cũng giúp giảng viên, nhà trường tiếp nhận các thông tin phản hồi trực tiếp của người học, qua đó mà cải tiến, nâng cao chất lượng học liệu và các phương tiện hỗ trợ học tập khác.
Bên cạnh đó, đào tạo e-learning hoàn toàn dựa trên công nghệ, đối tượng người học là đến từ nhiều nơi với năng lực và kinh nghiệm khác nhau, bởi vậy cần có một đội ngũ hỗ trợ thường trực và thường xuyên.
Tất cả các hoạt động của người học, người dạy đều phải được ghi lại và có sự giám sát để đảm bảo người học, người dạy tham gia học tập đúng thời lượng và đạt kết quả tốt. Kết quả của việc giám sát cũng là cơ sở để các trường sở tại, đội ngũ cốt cán nhắc nhở, động viên và hỗ trợ người học một cách tốt nhất.
Ngoài ra, trong phương thức đào tạo E-Learning, việc học được giao phần lớn cho người học. Mặc dù đã có hệ thống giám sát nhưng chỉ đảm bảo chất lượng được một phần, phần còn lại phải nhờ vào các hệ thống thi kiểm tra đánh giá trắc nghiệm (tập trung hoặc không tập trung).
Đối với các khóa đào tạo cấp bằng thì việc kiểm tra kết thúc khóa học phải được tổ chức tập trung, có sự giám sát của trường sư phạm và đơn vị sở tại, còn đối với các khóa bồi dưỡng thì có thể tùy thuộc vào đặc trưng của mỗi khóa học mà lựa chọn hình thức tập trung hay không tập trung.
Sử dụng các công cụ trực tuyến miễn phí
Chia sẻ những kinh nghiệm có được qua các lớp tập huấn “Khai thác có hiệu quả các trang mạng và phần mềm trong quản lý và dạy học” cho giáo viên cấp THCS, THPT hè năm 2017 tại Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ, nhóm nghiên cứu gồm ThS. Bùi Lê Diễm, ThS. Hồ Thị Thu Hồ, PGS.TS. Nguyễn Văn Nở (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết:
Bằng việc tạo một nhóm Facebook dùng để hỗ trợ quá trình bồi dưỡng trực tiếp, chúng tôi tạo được mạng lưới giáo viên phổ thông đã tham gia lớp bồi dưỡng, và tiếp tục giữ mối liên hệ với các giáo viên để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như những việc mà giáo viên đã ứng dụng được từ sau khoá tập huấn hay dễ dàng hỗ trợ họ khi cần. Do đó, việc học tập, trao đổi sử dụng Facebook theo cách như vậy không chỉ dừng lại ở hai ngày tập huấn bồi dưỡng mà còn kéo dài mãi về sau.
Để cải tiến giáo dục, trước hết giáo viên cần được biết có rất nhiều phần mềm mã nguồn mở và dịch vụ web miễn phí hỗ trợ dạy và học thay cho việc sử dụng các phần mềm thương mại vi phạm bản quyền như hiện nay.
Ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng giáo viên bằng cách sử dụng các công cụ trực tuyến miễn phí (như: như các dịch vụ của Google, OKMindmap, Scratch và Facebook…) mang lại giá trị lớn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, vì đó là những công cụ hỗ trợ dạy học rất đơn giản, hiệu quả mà hoàn toàn miễn phí, đã và đang được nhiều nơi trên thế giới sử dụng, nhất là không có giới hạn về rào cản ngôn ngữ khi sử dụng các công cụ đã nêu vì hầu hết đều có hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt.
Bên cạnh đó, cũng theo nhóm nghiên cứu, cần định hướng giáo viên sử dụng phương pháp WebQuest để khai thác có hiệu quả các công cụ trực tuyến nêu trên trong dạy học. Một thư viện WebQuest được xây dựng bởi giáo viên sẽ là nguồn tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resource - OER) rất có giá trị dùng để chia sẻ và học hỏi lẫn nhau nhằm mục đích hỗ trợ nhau trong phát triển nghề nghiệp. Đó là giá trị cao nhất mang lại từ việc ứng dụng ICT trong giáo dục.
Hơn nữa, việc bồi dưỡng giáo viên sử dụng các công cụ ICT trực tuyến miễn phí như các dịch vụ của Google, OKMindmap, Scratch và Facebook còn góp phần nâng cao nhận thức về việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở, các dịch vụ web miễn phí trong giáo dục, kêu gọi tiến tới hạn chế sử dụng phần mềm lậu, thậm chí nói không với việc sử dụng trái phép phần mềm có bản quyền trong nhà trường, nhằm giáo dục tinh thần tự trọng, rèn luyện đạo đức cho học sinh, tuyệt đối không dạy học sinh bẻ khoá phần mềm để sử dụng trong học tập.
Tác giả: Hiếu Nguyễn
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại