Trong nước

Bộ trưởng Trần Hồng Hà muốn 'nói hết' về nhận chìm

Kết thúc buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tối 3/8, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà trước khi ra về đã đứng lại trả lời báo chí. Ông nói, có gì các bạn cứ hỏi, tôi sẽ nói hết…

Từ sau sự cố Formosa, dường như giờ Bộ TN&MT đang đối mặt với dư luận về vấn đề môi trường Vĩnh Tân 1. Là người đứng đầu, ông cảm nhận sức ép này thế nào?

Tôi là người trong cuộc, thực sự chịu rất nhiều sức ép.

Về quan điểm của Chính phủ, từ sau câu chuyện Formosa, thông điệp đã rất rõ: Không chấp nhận đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Riêng với khu vực Vĩnh Tân, còn có giá trị đặc biệt là khu bảo tồn Hòn Cau.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Phạm Hải

Nhưng là thành viên Chính phủ, tôi cũng đứng trước thực tế là quy hoạch trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đã có từ 2007, còn khu bảo tồn Hòn Cau tới 2012 mới quy hoạch. Tức là kiến thức, hiểu biết, và ứng xử của ta với vấn đề môi trường - phát triển, ở mỗi thời điểm, có hạn chế nào đó. Thậm chí, có giai đoạn trong thực tế ta đã chấp nhận công nghệ sản xuất thấp, tức là lạm vào môi trường để phát triển.

Vậy thì, giờ chúng tôi giải quyết yêu cầu về nhận chìm vật liệu nạo vét cho cảng than Vĩnh Tân 1 chính là khắc phục những hạn chế ấy. Đây cũng là thời điểm chuyển giao giữa các quy định cũ, chưa chặt chẽ, với các quy định mới đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về môi trường.

Chúng tôi nhận thức, đây là bước ngoặt rất lớn trong quá trình phát triển của đất nước.

Cụ thể với Vĩnh Tân 1, cái giao thời ấy thể hiện thế nào?

Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cũng như đánh giá tác động môi trường (ĐTM) năm 2014 cho dự án cảng biển cho cả cụm nhiệt điện Vĩnh Tân chịu sự điều chỉnh của luật Bảo vệ môi trường 2005. Luật ấy tiêu chuẩn về môi trường thấp hơn so với luật Bảo vệ môi trường 2014, cũng như luật chuyên ngành lần đầu tiên ta có - luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo 2015.

Chẳng hạn, theo luật cũ, chỉ cần ĐTM được phê chuẩn và được địa phương giới thiệu vùng biển là chủ đầu tư triển khai dự án có thể tiến hành nhận chìm mà không cần thủ tục xin phép… Cách làm ấy cũng đã được áp dụng ở các dự án cảng lớn, như trước đây là Cái Lân, năm ngoái là Lạch Huyện.

Dự án này cũng vậy, Bình Thuận đã giới thiệu, quy hoạch một vùng 300ha cho nhận chìm, và việc này cũng được một cơ quan có kinh nghiệm là Viện Tài nguyên môi trường biển Hải Phòng khảo sát toàn bộ.

Vậy Bộ đang giải quyết bài toán giao thời ấy ra sao?

Đầu tiên phải khẳng định là không được để xảy ra thảm họa môi trường.

Quá trình xem xét cấp phép, Bộ đã huy động, mời nhiều nhà khoa học có uy tín tham gia hội đồng tư vấn thẩm định. Hội đồng đã đánh giá hồ sơ xin cấp phép, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung và họ đã đáp ứng, để chặt chẽ, thuyết phục hơn… Khi mọi thủ tục, ý kiến chuyên môn đã đầy đủ, thuyết phục như thế thì Bộ phải cấp phép nhận chìm. Đấy là trách nhiệm pháp lý của Bộ.

Trong giấy phép mình đã yêu cầu và chủ đầu tư cũng chấp nhận khảo sát môi trường nền. Viện Hải dương học Nha Trang đã khảo sát khu vực 30ha cấp phép rồi, khẳng định đáy biển đó chủ yếu là cát, hệ sinh thái nghèo nàn. Rồi thu thập hàng loạt thông số môi trường biển không chỉ nơi nhận chìm mà các điểm quan trắc xung quanh nữa.

Có những việc bên ngoài chưa chú ý nên không hiểu. Chẳng hạn, về luật mà nói là không có thủ tục kiểm tra lại sau khi đã cấp phép. Nhưng trong giấy phép, Bộ đã đàm phán, và chủ đầu tư thống nhất để Viện Hải dương học Nha Trang giám sát toàn bộ quá trình trước, trong, sau nhận chìm, trong đó có yêu cầu đánh giá môi trường nền. Lập luận rất chặt chẽ: Số liệu khảo sát của chủ đầu tư là từ 2012, thì giờ để nhận chìm phải lấy số liệu mới nhất. Có số liệu nền thì quan trắc sau đó sẽ cho ra được biến động môi trường, xem có đúng như tính toán mô hình máy tính của chủ đầu tư không. Đấy chính là kiểm chứng thực tiễn mô hình.

Viện Hải dương học Nha Trang là nơi bác Tác An, người có nhiều ý kiến phản đối, từng lãnh đạo. Viện chưa hề tham gia bất cứ việc gì vào quá trình cấp phép, nên hoàn toàn độc lập.

Ông nói trong họp báo rằng không có chuyện tư vấn mạo danh các nhà khoa học. Ông có thể giải thích kỹ hơn?

Đấy là tư vấn của chủ đầu tư và cho chủ đầu tư, không phải tư vấn của Bộ. Bộ chỉ làm việc với chủ đầu tư Vĩnh Tân 1. Họ phải chịu trách nhiệm về hồ sơ đó, còn tư vấn chịu trách nhiệm với họ về chất lượng tư vấn.

Việc xảy ra cũng đặt ra chất lượng hồ sơ xin cấp phép, và chủ đầu tư phải giải trình, bổ sung để đáp ứng yêu cầu. Theo Vĩnh Tân 1, những người bị mạo danh thực ra chỉ được mời để góp ý, tham gia thêm. Còn nội dung chính, cơ bản của báo cáo tư vấn là những người khác làm, và đã làm rất tốt. Như trong trường hợp này, phần đánh giá tài nguyên biển là Viện Tài nguyên môi trường biển Hải Phòng - một cơ quan nghiên cứu rất có uy tín… Còn để chặt chẽ, Phó Thủ tướng đã giao Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam vào kiểm tra lại toàn bộ rồi.

Đồng ý rằng việc nạo vét, nhận chìm không phải là mới. Nhưng qua những tranh luận nóng bỏng về Vĩnh Tân 1, Bộ rút ra những vấn đề gì về cơ chế, về chế độ trách nhiệm?

Từ góc độ lập pháp, không phải chỉ qua việc này, chúng tôi đã thấy còn khiếm quyết trong quy định về ĐTM. Chẳng hạn, luật hiện hành là chưa có ĐTM thì chưa được cấp phép đầu tư. ĐTM làm sớm thế thì làm sao đã có cơ sở để làm tốt. Tôi cho rằng cần sửa đổi theo hướng khi dự án đã thiết kế xây dựng đầu tư thì đồng thời làm ĐTM.

Rồi phải quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà tư vấn, các nhà khoa học tham gia tư vấn, các thành viên hội đồng tư vấn, rồi cả người ra các quyết định liên quan. Nhà quản lý ở mỗi khâu, mỗi lĩnh vực cũng phải rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của mình. Chứ như hiện nay thì không chỉ người dân mà ngay cơ quan quản lý cũng cứ nghi nghi, ngờ ngờ chứ không có cơ sở nào để ràng buộc trách nhiệm bên tư vấn cả. Việc mà chúng tôi đang làm, đang cho khảo sát lại ở Vĩnh Tân chính là đang làm lại, làm thay bên tư vấn, làm thay nhà khoa học.

Một bài học lớn trong câu chuyện Vĩnh Tân 1 là công tác truyền thông. Chúng tôi quá tập trung vào khoa học, vào chuyên môn. Cá nhân tôi phải chịu trách nhiệm tất cả các lĩnh vực của Bộ, mà lĩnh vực vào cũng nóng - nào môi trường, nào tài nguyên, nào đất đai. Cá nhân tôi cũng nỗ lực nhiều khi nhận điện thoại, trả lời phỏng vấn, giải thích cái này là cát, là bùn, là sỏi, không phải chất thải, không nguy hại… Nhưng làm sao truyền thông theo kiểu ấy mãi được.

Với diễn biến thông tin trên báo chí, trên mạng xã hội, ông có thấy nặng nề khi dường như mình đang bị tất cả chỉ trích, mất niềm tin?

Tôi cho rằng đây là lỗi của Nhà nước, cụ thể là Bộ TN&MT. Lỗi ấy nằm trong cả những quy định pháp luật lạc hậu, thiếu chặt chẽ, cả trong tổ chức thực hiện, cả trong công tác truyền thông.

Riêng việc cấp phép, người dân có thể không tin; một số nhà khoa học, người quan tâm môi trường không trực tiếp tham gia quá trình ấy có thể nghi ngờ. Nhưng tôi có 3 trách nhiệm phải cân đối: bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy định pháp luật về cấp phép, cân nhắc yêu cầu về phát triển. Thảo luận về nội dung, các phần cam kết trong quyết định cấp phép và ra quyết định cấp pháp là thực hiện trách nhiệm ấy. Quyết định phải trên cơ sở khoa học và pháp luật, chứ không thể cảm tính được.

Quá trình vừa qua, tôi và anh em ở Bộ xác định là phải chịu đựng. Xác định rõ nguyên tắc là mọi việc phải trên cơ sở khoa học, phương pháp khoa học và tuân thủ pháp luật.

Trở lại chuyện Vĩnh Tân, quy hoạch cụm nhiệt điện ở đó từ 2007, và đã triển khai, có ĐTM về cảng than từ 2014, được phê duyệt theo đúng quy định lúc ấy. Vậy thì giờ Bộ phải tôn trọng cái lịch sử ấy. Thấy gì chưa ổn, chưa đáp ứng thì phải âm thầm mà trao đổi với các bên liên quan, âm thầm mà khắc phục trên cơ sở pháp luật và khoa học.

Quản lý nhà nước không thể hành xử theo cách cảm tính như dư luận bên ngoài được. Nếu đơn giản vì môi trường thì cứ làm theo cách người dân nói: đưa ra xa 100km mà nhận chìm. Nhưng thử nhìn lại, chi phí lên, giá điện lên, thì ai chịu. Cũng là dân thôi.

Cho đến bây giờ, chủ đầu tư Vĩnh Tân 1 có phản ứng gì về những rắc rối trong triển khai thực hiện giấy phép nhận chìm?

Với những việc Bộ đã làm và đang làm, chủ đầu tư không thể phản ứng được. Tôi tin là như vậy. Nhưng khi đưa Viện Hàn lâm khoa học vào kiểm tra lại, có thể tới đây họ sẽ có ý kiến. Bởi tính toán triệt để bằng khoa học cần nhiều thời gian, và như thế có thể sẽ trì hoãn việc nhận chìm theo giấy phép.

Theo thỏa thuận BOT, tháng 11 này tàu than phải cập cảng được để Vĩnh Tân 1 chạy tổ máy đầu tiên. Bộ đã cấp phép cho chủ đầu tư từ nửa cuối tháng 6, đến giờ là nằm im hơn tháng rồi.

Về hợp đồng kinh tế với nhà đầu tư, nếu chậm trễ tiến độ, sau này chứng minh được lỗi bên nào thì bên đó phải bồi thường 620.000 USD/ngày. Đây là hợp đồng ràng buộc BOT. Bài toán của ta là phải theo đúng luật và cơ sở khoa học xác đáng.

Đặt giả thiết là với các bước đi thế này, nhất là việc yêu cầu Viện Hàn lâm khoa học vào cuộc sẽ làm mất thời cơ thuận lợi về mặt thời tiết, gió mùa, để nạo vét, nhận chìm, và từ đó xuất hiện khả năng phía Việt Nam phải bồi thường theo hợp đồng cho chủ đầu tư Vĩnh Tân 1. Vậy ông suy nghĩ thế nào?

Có phải bồi thường hay không, trách nhiệm, lỗi thế nào thì chưa nói được. Tuy nhiên, việc Viện Hàn lâm vào theo tôi là cần thiết. Cần thiết không chỉ cho dự án Vĩnh Tân 1 mà cho cả trung tâm nhiệt điện.

Tổng nhu cầu nạo vét cả khu vực cảng than cho các nhà máy ấy là khoảng 5 triệu khối. Rồi hàng năm còn bồi lấp, phải nạo vét tiếp. Vậy thì cần tính toán kỹ lưỡng, khoa học để có giải pháp lâu dài cho vấn đề này. Chỉ có hai lựa chọn thôi: nhận chìm và dùng lấn biển.

Phải đánh giá các vùng biển để có lựa chọn địa điểm hợp lý cho nhận chìm. Rồi ngay bây giờ cần tính toán đến khả năng sử dụng chất nạo vét để lấn biển. Việc này đòi hỏi những dự án đầu tư lớn, có tính toán đầy đủ hiệu quả kinh tế. Chẳng hạn, đang có một kế hoạch đầu tư cảng dịch vụ tổng hợp Vĩnh Tân, với tính toán ban đầu cần hơn 1 triệu khối vật liệu san lấp. Nhưng để làm được thì trước tiên phải đầu tư 900 tỷ làm kè chắn sóng, phá sóng…

Tác giả: Nghĩa Nhân

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP