Trong nước

Bộ trưởng than trời việc làm luật kiểu… “đẽo cày giữa đường”

“Hôm nay, tôi đến UB Thường vụ Quốc hội trình luật với tâm thế khác, rất hào hứng chứ tôi không nghĩ lại nghe các bộ, ngành nói ngược hoàn toàn. Nói ngược như thế là trái nguyên tắc làm việc của Chính phủ, làm luật như thế không khác gì… đẽo cày giữa đường” – Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng bức xúc…

Sáng 10/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình dự thảo Luật Quy hoạch trước UB Thường vụ Quốc hội – một dự luật khá “long đong” từ khoá trước khi đã phải xin lùi, làm lại… Đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIV vừa qua, luật đã được đưa ra xin ý kiến lần đầu.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật của UB Thường vụ Quốc hội nêu thông tin, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, sau kỳ họp, cơ quan soạn thảo luật đã bổ sung thêm một số nội dung như quy định về quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, rà soát, bổ sung trình tự thẩm định quy hoạch; bổ sung thủ tục thẩm tra quy hoạch trong phê duyệt quy hoạch…

UB Kinh tế báo cáo thêm về 6 loại vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến dự luật.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội.

Một loạt Thứ trưởng của các Bộ tham gia phiên họp của UB Thường vụ xin phát biểu ý kiến, như Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, việc làm luật Quy hoạch rất cần thiết để khắc phục trình trạng chồng chéo, phân tán, ngành ngành đua nhau làm quy hoạch mà chẳng liên quan gì đến nhau. Ví dụ, một địa phương có cảng biển mà không có liên hệ với các tỉnh lân cận để khai thác, rồi mấy tỉnh cạnh nhau, tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, rất lãng phí.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đề nghị làm rõ điều khoản nói về danh mục 32 luật khác có liên quan sẽ bị xoá bỏ, điều chỉnh, ảnh hưởng… khi luật này có hiệu lực.

“Luật này ra đời ngay lập tức ảnh hưởng đến 13.000 quy hoạch xây dựng đã có, thậm chí là những quy hoạch đã định hướng tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, những đồ án đã được duyệt, đang làm tốt, không có vấn đề gì mà lại phải tạo lập lại, sẽ tốn bao nhiêu kinh phí?” – ông Toàn đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Bộ TN-MT thì chia sẻ băn khoăn vì nội dung bổ sung về “quy hoạch không gian biển quốc gia” khác hoàn toàn với Luật Biển đang thi hành.

“Chúng tôi cũng chưa hình dung ra quy hoạch không gian biển là thế nào, tên gọi như thế sẽ rất khó khăn cho việc xác định các vùng biển vì như luật Biển hiện nay, với vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế chẳng hạn, chúng ta chỉ có quyền chủ quyền, còn lại thì hoạt động hàng hải, hàng không thì hoàn toàn tự do. Vậy thì phải quy hoạch thế nào?” – nữ Thứ trưởng Bộ TN-MT đề nghị giữ nguyên quy định như Luật Biển hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, dự luật này đã được đưa ra thảo luận nhiều lần, nhiều bộ ngành không đồng tình như Bộ Xây dựng, TN-MT, GTVT nhưng trên văn bản chính thức thì chỉ duy nhất Bộ trưởng Xây dựng thể hiện rõ chính kiến là không đồng tình.

Ông Hiển đề nghị đại diện cơ quan soạn thảo nói thêm về danh mục 32 luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy hoạch đã xây dựng. Số lượng luật bị ảnh hưởng như thế, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định là “rất đồ sộ trong khi việc liệt kê, chủ trương còn ngổn ngang, nhìn vào chưa thấy yên tâm”.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) trình bày, luật đã được bàn nhiều lần, đã lấy ý kiến, bỏ phiếu trong Chính phủ, thống nhất rồi mới trình ra Quốc hội.

“Vậy thì đến lúc này, những ý kiến không chính thức chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không phải ra đến Thường vụ các bộ, ngành lại nói ngược như này. Làm như vậy là trái nguyên tắc làm việc của Chính phủ vì nếu còn bất đồng, các bộ, ngành phải trình lên Chính phủ đề nghị thảo luận lại và Chính phủ sẽ trình lại luật. Đưa ra Quốc hội còn thế này thì làm luật không khác gì việc đẽo cày giữa đường” – Bộ trưởng KH-ĐT gay gắt.

Ông Dũng khẳng định, là người trực tiếp làm luật này, ông hiểu là dư luận xã hội cũng như các đại biểu Quốc hội đã đồng tình cao với luật. Bộ trưởng bày tỏ sự thất vọng: “Hôm nay, tôi đến UB Thường vụ Quốc hội trình luật với tâm thế khác, rất hào hứng chứ tôi không nghĩ lại nghe các bộ, ngành nói ngược hoàn toàn, kiểu như những điều cách đây mấy tháng tôi đã nghe”.

Bộ trưởng KH-ĐT nhận định, trước một sự thay đổi, chắc chắn có sự đụng chạm đến chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan nào đó, một số nhóm người nào đó. Những cơ quan, con người đó chưa hiểu hết vấn đề nên chưa đồng tình. Những thay đổi, sau nữa, cũng sẽ ảnh hưởng đôi chút đến công việc của đơn vị, cá nhân nên những người đó chưa muốn thay đổi. Vậy nên khi một luật mới được làm, các bộ, ngành thường chỉ chăm chăm xem có ảnh hưởng gì tới phần mình không chứ ít tiếp cận theo hướng, việc thay đổi sẽ được gì cho xã hội, cho người dân.

Nói thêm về việc xây dựng quy hoạch ở các cấp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng, các ngành đều muốn giữ lại các quy hoạch của mình trong khi chủ trương chung đã xác định là không giữ các quy hoạch sản phẩm để giảm việc xin – cho. Đây sẽ là một cuộc cách mạng.

Trao đổi lại ý kiến của ông Dũng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vẫn băn khoăn, số đông ý kiến tán thành không chắc đã là đúng, đôi khi ý kiến thiểu số có thể lại là chân lý nên vấn cần phải lắng nghe đầy đủ các ý kiến trái chiều, ngược chiều.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà Ngô Thị Minh cũng nhận định, nghe các ý kiến đưa ra thì có cảm nhận không biết việc làm luật có đảm bảo dân chủ từ dưới lên trên không trong khi việc này ảnh hưởng lớn đến sức bền của luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý: “Thực ra vì có những vấn đề mà trong lòng người ta thấy chưa yên tâm thì mới nói và chúng ta vẫn cần lắng nghe”.

Tác giả bài viết: P.Thảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP