Tôi lấy chồng được 10 năm nay. Bố mẹ chồng đều là công chức nhà nước. Kinh tế không quá giàu có nhưng ổn định.
Ông bà có 3 con (2 trai, 1 gái), các con đều thành đạt, có gia đình êm ấm. Vì thế, ai nhìn vào cũng đánh giá gia đình chồng tôi là văn hóa, mẫu mực đáng để các nhà khác học hỏi.
Nhưng sống cùng mới biết, mọi thứ không hoàn hảo như bề ngoài. Mẹ chồng tôi là người giỏi giang. Ngoài đồng lương công chức, bà còn làm thêm nhiều việc để cáng đáng gia đình.
Vì vất vả nên bà không có thời gian chăm sóc cho bản thân, lúc nào nhìn bà cũng đầu tắt mặt tối. Nhưng bà tự hào vì dưới bàn tay bà, chồng và các con được chăm lo đầy đủ. Cũng vì vất vả, phải lo nghĩ trăm thứ chuyện trên đời nên lời nói của bà dành cho chồng không được nhẹ nhàng, ngọt ngào.
|
Bố chồng tôi đi làm về là dành thời gian để nghiên cứu nghệ thuật và các thú vui riêng của bản thân.
Vì an nhàn nên bố nhìn trẻ hơn so với tuổi và dĩ nhiên trẻ, phong độ hơn mẹ chồng tôi rất nhiều. Người ngoài không biết lại tưởng họ là hai chị em.
Thời gian tôi về làm dâu, mẹ chồng tôi cũng liên tục phải ghen bóng ghen gió với các mối quan hệ của ông. Mỗi lần có người phụ nữ nào lảng vảng quanh chồng, bà lại chì chiết ông 'sướng quá hóa rồ'.
Bà còn trách móc ông không biết giữ hạnh phúc gia đình sẽ làm ảnh hưởng con cái. Sau này, con gái, con trai của ông làm sao có được người chồng/người vợ tử tế khi gia đình tan nát. Không chỉ vậy, các con dâu, con rể nhìn vào tấm gương như vậy làm sao còn sự tôn trọng bố mẹ chồng?
Vì những lời trách móc, nhắc nhở của mẹ chồng, bố chồng tôi không dám làm điều có lỗi suốt những năm sau đó. Dù vậy, tôi biết giữa họ chỉ là sự trách nhiệm, ràng buộc nhau bởi cái mác ‘gia đình văn hóa’.
Tuy nhiên đợt vừa rồi một chuyện đã xảy ra làm xáo trộn gia đình chồng tôi. Cụ thể là bố chồng tôi nay đã nghỉ hưu đăng ký tham gia một lớp học nhảy. Từ ngày đi học, ông hào hứng và vui vẻ hẳn ra. Vợ con thấy ông suốt ngày ra ngoài, lúc thì cùng mấy người bạn trong câu lạc bộ nhảy đi uống cà phê, lúc thì đi dã ngoại cùng nhau… Trong thời điểm đó, mẹ chồng tôi vẫn đến nhà con trai cả để bế cháu nội (con thứ 2 của anh chị) để cho vợ chồng anh đi làm.
Cuối tuần vừa rồi, bà gọi điện cho tôi khóc lóc, kể lể. Bà bảo, ông đi học nhảy rồi quen một người phụ nữ chồng mất từ lâu, một mình nuôi con. Nay ông đòi đi theo người ta. Mẹ chồng tôi không tiếc lời thóa mạ chồng và người tình. Nhưng lần này có vẻ như bố chồng tôi rất kiên quyết. Mấy ngày sau, ông gọi các con về để họp gia đình.
Trong buổi họp, ông nói rằng, ông và bà đã hết tình cảm từ lâu. Họ sống chỉ vì trách nhiệm chung với con cái, gia đình. Trước đây, nhiều lần, ông đã nghĩ cả hai nên giải thoát cho nhau nhưng vì các con, họ lại cố sống tiếp.
Nay cả 3 con đều có gia đình êm ấm, ông muốn được sống cho bản thân. Bố chồng tôi nói bằng giọng rất nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Ông nói, sống cùng người chồng không còn tình cảm như ông, mẹ chồng tôi chắc cũng chẳng hạnh phúc. Bản thân ông bao năm sống vì gia đình nay muốn được sống những năm cuối đời cho bản thân.
Mẹ chồng tôi khóc và làm ầm ĩ lên. Bà trách ông bội tình bạc nghĩa, phụ bạc công lao của bà. Bà còn đe dọa, người tình của ông chỉ đến với ông vì tiền bạc chứ không thể chăm lo cho ông như bà.
Nhưng bố chồng tôi kiên quyết rằng, tình cảm của ông dành cho người đàn bà ở lớp học nhảy không phải là qua đường. Họ thực sự thấu hiểu và đồng cảm ở tất cả các sở thích, quan điểm sống. Ở bên người đàn bà ấy, ông mới được sống thật với con người mình. ‘Trong đời, tôi chưa từng có cảm xúc như vậy’, ông nói.
Mặc cho mẹ chồng tôi ngăn cản, chửi bới, bố chồng tôi vẫn kiên quyết với ý định của mình. Chúng tôi – phận làm con, ở giữa hai bên, không biết làm thế nào. Chúng tôi tôn trọng quyết định của bố nhưng cũng rất thương mẹ.
Bà cố gắng bao năm nay cuối đời lại nhận phải cú sốc này. Xin độc giả hãy cho tôi lời khuyên. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Tác giả: Phạm Thương
Nguồn tin: Báo VietNamNet