Ảnh minh họa - Ảnh: NAM TRẦN |
Tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại… đối với các trường hợp viên chức được biệt phái đến các cơ quan hành chính nhà nước; về thành tích để nâng lương trước thời hạn.
Khi nào cán bộ, công chức được nâng lương trước hạn?
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại… đối với các trường hợp viên chức được biệt phái đến các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện theo quy định tại nghị định 115 của Chính phủ, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định 85 của Chính phủ).
Qua đó, chế độ phụ cấp độc hại đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện tại thông tư số 07 của bộ trưởng Bộ Nội vụ, được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm và được trả cùng kỳ lương hằng tháng.
Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật quy định phụ cấp ưu đãi nghề của từng ngành, như y tế, giáo dục, kiểm lâm, bảo vệ thực vật, thú y và kiểm soát đê điều…
Về thành tích để nâng lương trước thời hạn, Bộ Nội vụ chỉ rõ vấn đề này được thực hiện theo hướng dẫn tại thông tư số 08 của bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Thông tư này hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Cụ thể, thông tư 08 quy định tiêu chuẩn, cấp độ về lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và thời gian được nâng bậc lương trước thời hạn tương ứng với từng cấp độ thành tích khác nhau của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Quy định này do người đứng đầu cơ quan, đơn vị trao đổi với cấp ủy và ban chấp hành công đoàn cùng cấp, quy định cụ thể trong quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị.
Do vậy việc nâng lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thì ngoài quy định tại thông tư 08 còn phụ thuộc vào quy chế nâng bậc lương của cơ quan, đơn vị (cụ thể là căn cứ vào các cấp độ thành tích được quy định trong quy chế).
Quy định về chế độ tiền thưởng
Các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn thẩm quyền ban hành và hình thức ban hành quy chế thực hiện chế độ tiền thưởng; việc xác định quỹ tiền thưởng có bao gồm hợp đồng lao động quy định tại nghị định số 111/2022 đang áp dụng xếp lương theo nghị định số 204/2004 không?
Về việc này, Bộ Nội vụ cho biết chế độ tiền thưởng được quy định tại nghị định 73, quy định:
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm xây dựng quy chế cụ thể để thực hiện chế độ tiền thưởng áp dụng đối với các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để quản lý, kiểm tra và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị.
Đối với khen thưởng, Bộ Nội vụ cho hay nghị định 73 nêu rõ quỹ tiền thưởng hằng năm được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và cấp bậc quân hàm của các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Chính sách đặc thù của giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Tỉnh Lào Cai cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho cán bộ quản lý, giáo viên được biệt phái về công tác tại các phòng, ban chuyên môn thuộc ngành giáo dục. Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ thông tin tại nghị định 115/2020 của Chính phủ quy định các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng chế độ, chính sách đặc thù đối với viên chức thuộc ngành, lĩnh vực để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Do vậy chính sách đặc thù của giáo viên sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng. |
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ