Sâm Ngọc Linh - Ảnh: LÊ TRUNG |
Ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam có đa số người thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam, do ông Võ Kim Cự - chủ tịch HĐQT công ty - làm trưởng ban.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam có văn bản cho rằng không có các doanh nghiệp, Hội Sâm núi Ngọc Linh ở tỉnh tham gia vào ban là chưa hợp lý.
Nhiều doanh nghiệp, địa phương góp ý nên có các doanh nghiệp địa phương trồng sâm lớn cả nước tham gia sẽ tốt hơn, vận động, kêu gọi được nhiều đơn vị tham gia, cùng mục đích bảo tồn, phát triển cây sâm.
Căn cứ nào thành lập ban vận động hiệp hội sâm?
Trong công văn phúc đáp Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hồ sơ đề nghị thành lập hiệp hội thực hiện theo quy định tại điều 7, nghị định số 45-2010 của Chính phủ.
Tuy nhiên đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định, rà soát danh sách tổ chức tham gia hiệp hội đảm bảo đúng quy định.
Ông Nguyễn Thành Lệ - phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết sau khi ông Võ Kim Cự có đơn đề nghị thành lập ban vận động hiệp hội sâm, bộ đã lấy ý kiến của tất cả cơ quan đơn vị liên quan, một số hội của bộ. Kết quả tổng hợp không thấy trùng với các hội đã thành lập.
Và bộ quyết định thành lập ban vận động với 16 thành viên theo đúng quy định. Các thành viên này hoàn toàn tự nguyện. Ban vận động đề xuất các tổ chức, cá nhân tham gia. Để thành lập hiệp hội, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Quảng Nam, Kon Tum vẫn có thể tham gia.
"Quyết định thành lập, điều lệ hội do Bộ Nội vụ quyết định. Những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn tham gia có thể làm đơn gửi về ban vận động. Ban tập hợp khoảng 100 đơn vị, tổ chức cá nhân muốn tham gia gửi Bộ Nội vụ thẩm định quyết định thành lập hiệp hội" - ông Lệ nói.
Củ sâm Ngọc Linh - Ảnh: LÊ TRUNG |
Lý giải việc bộ không lấy ý kiến địa phương trồng sâm như Quảng Nam, Kon Tum trước khi thành lập ban vận động, ông Lệ nói các hội hiện nay hoạt động rất đa dạng, bộ chỉ xin ý kiến của một số cơ quan có thể trùng chức năng, nhiệm vụ và được thực hiện theo quy định.
Trước lo ngại rằng thành viên ban vận động đều không liên quan tới tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trồng sâm các tỉnh trồng sâm lớn như Kon Tum, Quảng Nam, Lai Châu, ông Lệ nói thành viên ban này có người đại diện ở nhiều cơ quan, vùng miền, doanh nghiệp.
Sắp tới tổ chức, cá nhân viết đơn tham gia hội, Bộ Nội vụ thẩm định, ban hành thành lập hiệp hội rồi đại hội, công nhận đại hội, công nhận điều lệ thì khi đó mới chính thức.
"Các tổ chức, các nhân vẫn còn thời gian tham gia. Chúng tôi rất hoan nghênh để xây dựng ngành nông nghiệp" - ông Lệ nói.
"Không biết gì thông tin lập hiệp hội!"
Một lãnh đạo Hiệp hội Sâm Lai Châu cho hay qua báo chí, thành viên, hiệp hội mới biết sắp thành lập một hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam.
"Sâm gốc hiện nay tập trung chính ở Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Chúng tôi trồng sâm ở Lai Châu còn chả biết gì về việc thành lập hiệp hội" - vị này nói.
Việc thành lập hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam này liệu có bảo vệ, hỗ trợ những thành viên, những người trồng sâm không, hay chỉ là cuộc chơi của những người buôn bán sâm - vị lãnh đạo này nêu ý kiến.
Sâm ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vận động trồng để giữ gìn, bảo tồn giống rồi mới phát triển. Sản lượng sâm hằng năm cũng rất ít.
"Nếu sản xuất sâm thì lấy đâu sâm để sản xuất? Liệu có phải trà trộn sâm không rõ nguồn gốc? Khi đó sản phẩm ra quốc tế sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là nguồn gốc, chất lượng sâm sẽ là câu hỏi lớn" - vị này nói thêm.
Sâm Ngọc Linh tại lễ hội sâm huyện Nam Trà My - Ảnh: LÊ TRUNG |
Dự thảo điều lệ, phương hướng hoạt động được soạn ra sao?
Dự thảo điều lệ hiệp hội do ban vận động soạn thảo gồm 8 chương, 29 điều. Với tôn chỉ, mục đích hiệp hội là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của những hội viên từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp hội viên. Hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Trụ sở của hiệp hội đặt số 44, ngõ 120 Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Và đây cũng là trụ sở của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam do ông Võ Kim Cự - chủ tịch HĐQT công ty.
Trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ I (2023-2028), về hoạt động chuyên môn gồm các việc như tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật về bảo tồn, phát triển sâm dưới tán rừng, văn bản pháp luật liên quan đến chính sách phát triển sâm Việt Nam. Thực thi pháp luật liên quan thuê môi trường rừng phát triển dược liệu dưới tán, trong đó có sâm Việt Nam.
Tuyên truyền phổ biến kiến thức về bảo tồn, phát triển các loại sâm và dược liệu quý, xây dựng trang thông tin điện tử, fanpage trên mạng xã hội, tạp chí Green Life.
Đào tạo tập huấn công nghệ, kỹ năng, hoạt động hợp tác, các chương trình hoạt động chuyên môn khác như điều tra, tổng hợp xây dựng cơ sở dữ liệu sâm Việt Nam.
Xây dựng, đề xuất phương án trồng, bảo tồn, chế biến theo hướng hàng hóa gia tăng giá trị, tổ chức các chuỗi giá trị về sâm, các loại dược liệu quý hướng tới xuất khẩu.
Tác giả: Chí Tuệ - Lê Trung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ