Xã hội

Chủ tịch huyện 'bóc phốt' bán sâm Ngọc Linh giá rẻ trên mạng

Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) "bóc phốt" các trang mạng rao bán lá, hạt sâm Ngọc Linh với giá rẻ bèo, trong khi theo ông thì giá trị thật của lá, hạt sâm này cao hơn rất nhiều.

Một trang mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật được UBND huyện Tu Mơ Rông phát hiện - Ảnh chụp màn hình

Ngày 31-7, ông Võ Trung Mạnh - chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông - cho hay huyện đã phát hiện nhiều trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh và thông tin theo ông là không đúng sự thật về giá lá, hạt sâm Ngọc Linh.

Đăng bán hạt, lá sâm Ngọc Linh với giá "phi thực tế"

Theo ông Mạnh, qua kiểm tra mới đây, tổ thanh tra, kiểm tra của huyện phát hiện một số trang mạng xã hội đăng tải bán lá, hạt sâm Ngọc Linh với giá bất hợp lý.

Cụ thể trang "Green Farm" đăng bán một hạt sâm Ngọc Linh giá 10.000 đồng, khi mua số lượng lớn (combo) còn được tặng thêm quà tặng.

Trang này đăng bán 50 hạt sâm với giá 150.000 đồng tặng thêm thuốc kích rễ và công thức ươm trồng; 100 hạt với giá 300.000 đồng tặng thêm 10 hạt, thuốc kích rễ và công thức ươm trồng; 150 hạt với giá 450.000 đồng, tặng 20 hạt, thuốc kích rễ và công thức ươm trồng. Còn cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi rao bán với giá 300.000 đồng/cây.

Ông Mạnh khẳng định các thông tin trên là không đúng sự thật. Theo ông, trên thị trường nếu mua với số lượng 100 hạt thì giá phải từ 10-12 triệu đồng.

Lá sâm cũng dao động 10-12 triệu đồng/kg. Hiện tại người dân bắt đầu vào thời gian thu hoạch hạt sâm và chấm dứt thu hoạch vào tháng 10. Khi hạt đã thu xong người dân mới thu lá sâm.

"Hầu như bây giờ người dân trồng số lượng nhiều mới thu chứ ít ít người ta không thu lá, mà để lá nuôi cây tiếp để sang năm ra nhiều hạt hơn. Do đó, lá bán trên thị trường chỉ có 3-5 triệu đồng/kg là không đúng" - ông Mạnh cho hay.

Theo chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, khi phát hiện các trang mạng đưa thông tin địa chỉ nguồn gốc ở xã Ngọc Lây, huyện đã chỉ đạo phó chủ tịch UBND xã Ngọc Lây kiểm tra. Khi phó chủ tịch đến trước vườn theo địa chỉ và gọi điện thoại liên lạc thì người bán tắt máy.

"Thực tế làm gì có vườn sâm ở đó. Thậm chí có người khai địa chỉ của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, trong khi công ty này khẳng định không bán hạt sâm Ngọc Linh", ông Mạnh nói.

Hiện nay huyện Tu Mơ Rông đã thành lập các tổ kiểm tra, đấu tranh chống sâm giả. Các tổ thành lập các tài khoản mạng xã hội và đấu tranh ngay trên các trang bán sâm giả. Tuy nhiên cứ đấu tranh một thời gian thì những người điều hành các trang này lại thay bằng một trang khác và bán tiếp.

Cần tìm hiểu kỹ khi mua sâm

Hiện ở Kon Tum có hơn 1.750ha sâm Ngọc Linh, trong đó riêng ở huyện Tu Mơ Rông đã chiếm tới 1.730ha, còn lại của huyện Đăk Glei.

Ông Mạnh cho biết hiện tại nhu cầu về việc mua củ, hạt, lá sâm Ngọc Linh là rất lớn. Nên khi người dân có nhu cầu mua thì nên liên hệ với chính quyền địa phương để được hướng dẫn, giới thiệu địa điểm uy tín, chất lượng.

Ngoài ra, theo ông Mạnh, khi người dân mua sản phẩm sâm Ngọc Linh ở đâu thì nên làm hợp đồng mua bán để chính quyền địa phương có cơ sở xác minh, xử lý khi cần.

Nếu muốn mua giống sâm để phát triển thì người dân, tổ chức doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn. Vì thực tế có nhiều trường hợp mua hạt, giống sâm về trồng nhưng không ra hoa và định lượng, hàm lượng Saponin cũng chưa ổn định về chất lượng.

Tác giả: Đình Cương

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP