Cơ sở thực tiễn của vấn đề chính là bộ máy to quá, cồng kềnh quá, người nhiều quá, ngân sách lo không xuể. Mặc dù mấy chục năm qua có làm cải cách hành chính, có thực hiện tinh giản biên chế, nhưng kết quả rất hạn chế. Đã đến lúc cần làm mạnh hơn, thực chất hơn.
Cơ sở chính trị của vấn đề chính là Nghị quyết TƯ 6 khóa 12 năm 2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Sôi động thu gọn bộ máy
Sự kiện nổi bật nhất về thu gọn bộ máy trong năm phải kể đến đầu tiên là việc bỏ 6 Tổng cục thuộc Bộ Công an, giảm gần 60 Cục, sáp nhập 20 Sở PCCC về Công an tỉnh, giảm gần 1.000 phòng trong các cục và đơn vị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng lãnh đạo Bộ Công an khi Bộ tổ chức bộ máy theo quy định mới. Ảnh: VGP |
Tổng cục Thuế đang thí điểm sáp nhập các Chi cục thuế tại 6 tỉnh là Quảng Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Ngãi, Lâm Đồng và Cà Mau.
Mục tiêu đến 2020 giảm 50% số chi cục thuế trong cả nước. Đây cũng là một sự thay đổi lớn về bộ máy.
Một trong các địa phương đi tiên phong là Quảng Ninh. Có thể nói một trong những cơ sở, căn cứ thực tiễn của NQ TƯ 6 chính là từ địa phương này. Từ lập Trung tâm hành chính công tỉnh, huyện; sáp nhập cơ quan thanh tra, nội vụ chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện với cơ quan kiểm tra, tổ chức Đảng; đến lập cơ quan tham mưu, giúp việc khối Mặt trận và đoàn thể ở cấp huyện và cấp tỉnh; sáp nhập báo Quảng Ninh, Đài PTTH, Cổng TTĐT và báo Hạ Long thành Trung tâm truyền thông tỉnh…
Tiếp đến phải kể tới Hà Giang: Hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh với UB Kiểm tra Tỉnh ủy, Đảng bộ Khối DN tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh; tách Chi cục Văn thư - lưu trữ tỉnh và Ban Thi đua khen thưởng từ Sở Nội vụ đưa về trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, tách Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ đưa về Ban Dân tộc tỉnh…
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chúc mừng các lãnh đạo chi cục thuế Quảng Ninh, khi tỉnh đi đầu cả nước hợp nhất 7 chi cục thuế. Ảnh: VGP |
Hải Phòng hợp nhất văn phòng quận ủy với văn phòng HĐND và UBND quận, cơ quan nội vụ, thanh tra với cơ quan tổ chức và kiểm tra Đảng ở cấp huyện..
Bạc Liêu nhập Sở VH-TT&DL với Sở TT-TT, Sở GD-ĐT với Sở KH&CN; tách Ban Tôn giáo ra khỏi Sở Nội vụ để nhập với Ban Dân tộc thành Ban Dân tộc - Tôn giáo; chấm dứt hoạt động của Sở Ngoại vụ, đưa công tác ngoại vụ về Văn phòng UBND tỉnh.
Lào Cai nhập Sở GTVT với Sở Xây dựng. Bắc Cạn hợp nhất 3 Văn phòng: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh.
Lâm Đồng lập Văn phòng Tỉnh ủy thay cho Văn phòng của Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính và UB Kiểm tra tỉnh ủy…
Bộ máy tinh gọn
Nhìn chung, việc thực hiện Nghị quyết TƯ năm qua cho thấy bộ máy đã được thu gọn, thậm chí là thu gọn khá lớn. Nếu thuần túy đánh giá giảm bớt tổ chức chưa, giảm biên chế chưa thì phần nào đã đạt được.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến trao đề án cho Chánh Văn phòng Tỉnh ủy để triển khai sáp nhập văn phòng các ban đảng về Văn phòng Tỉnh ủy. Ảnh: Báo Lâm Đồng |
Thực tiễn làm như năm qua cho thấy những vấn đề sau:
Một là cách làm của Bộ Công an. Đây là kinh nghiệm và bài học tốt trong triển khai Nghị quyết TƯ. Quy mô thu gọn bộ máy ở Bộ Công an là rất lớn. Chắc sau này với thời gian sẽ cho phép có tổng kết đánh giá việc bỏ 6 Tổng cục thuộc Bộ, nhưng riêng bài học về quyết tâm làm và làm một cách suôn sẻ tại Bộ đã là khá rõ.
Hai là chắc chắn có nhiều tỉnh muốn thực hiện Nghị quyết TƯ, muốn thu gọn bộ máy, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, thu gọn cụ thể những loại cơ quan nào. Một năm lãng phí cơ hội quả là đáng tiếc.
Ba là thực tiễn cho thấy việc thu gọn bộ máy năm qua gần giống như kiểu trăm hoa đua nở ở địa phương. Hầu như mỗi nơi làm theo kiểu mà mình cảm thấy phù hợp.
Sáp nhập bộ máy Đảng với nhau; sáp nhập bộ máy Đảng với bộ máy các tổ chức chính trị - xã hội; sáp nhập bộ máy hành chính; sáp nhập bộ máy Đảng với bộ máy chính quyền; sáp nhập bộ máy cơ quan quyền lực nhà nước với bộ máy cơ quan hành chính nhà nước…
Có tỉnh làm cả ở cấp tỉnh và cấp huyện, có tỉnh chỉ làm ở cấp huyện, có tỉnh lại chỉ sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập… Tỉnh này muốn nhìn tỉnh kia học hỏi, tham khảo kinh nghiệm đâm ra cũng khó, bởi trăm hoa đua nở.
Bốn là việc thu gọn bộ máy ở địa phương về cơ bản thiếu đi cái nền tảng cơ bản là cơ sở pháp lý để triển khai. Đây là điểm đáng suy nghĩ. Nhìn chung thì là như vậy và nếu nhìn riêng thì Nghị quyết số 580/2018 ngày 4/10/2018 của UB Thường vụ QH về việc thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng là Văn phòng đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh tại 10 tỉnh, thành đáng là một mẫu mực trong triển khai Nghị quyết TƯ 6 khóa 12. Hợp nhất 3 văn phòng là xung đột lớn về pháp luật, do đó cần có văn bản cho phép thí điểm và định rõ các vấn đề liên quan trong văn bản.
Nghị quyết của Đảng triển khai về mặt nhà nước nhất định phải được thể chế hóa. Hơn nữa, việc thu gọn bộ máy hành chính lại xung đột với khá nhiều quy định pháp luật hiện hành nên lại càng cần có văn bản của nhà nước cho phép làm thí điểm. Muốn nhập sở này với sở kia là đụng nghị định của Chính phủ.
Tương tự là đối với phòng ở huyện. Văn bản pháp luật không chỉ là cơ sở pháp lý, mà còn là những định hướng cho sáp nhập cụ thể cơ quan nào với nhau. Văn bản của Bộ Nội vụ về việc các tỉnh tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn là sở ở cấp tỉnh và phòng ở cấp huyện để đợi hướng dẫn chung mặc dù quá muộn, nhưng dù sao cũng tạm thời chấm dứt phần nào tình trạng trăm hoa đua nở.
Năm là và đây là vấn đề khá hệ trọng cho hệ thống chính trị nước ta, sau hơn 70 năm có chính quyền, chúng ta vẫn chưa rành rẽ, nói chính xác hơn là vẫn đang lúng túng trong thực hiện Đảng cầm quyền thì bộ máy Đảng, bộ máy chính quyền như thế nào cho phù hợp. Đã có thời kỳ các ban Đảng ở cấp TƯ và cấp tỉnh cực kỳ đồ sộ, rồi có thời kỳ gọn bớt lại, đặc biệt là gọn bớt các tổ chức trên lĩnh vực kinh tế, tài chính. Tương ứng với sắp xếp bộ máy Đảng là bộ máy chính quyền. Nhưng cho dù có làm theo cách nào thì trước đây bộ máy đảng, bộ máy chính quyền ở địa phương vẫn tương đối độc lập.
Lần này là khác. Nói hệ trọng vì lần này thử nghiệm nhập cả bộ máy Đảng với bộ máy chính quyền, nhập cả bộ máy của cơ quan quyền lực nhà nước là Văn phòng HĐND với bộ máy cơ quan hành chính là Văn phòng UBND.
Mọi lý luận về tách bạch quyền lập pháp và quyền hành pháp, về sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước đối với cơ quan hành chính tạm thời gác sang bên để thí điểm. Nếu thí điểm thành công sẽ mở ra giai đoạn mới cho tổ chức bộ máy cả hệ thống chính trị nước ta.
Ngược lại, buộc phải mày mò tiếp tục tìm ra lời đáp đúng cho việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả như Nghị quyết TƯ đã xác định.
Tác giả: Đinh Duy Hòa
Nguồn tin: Báo VietNamNet