Cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai từng nhận hối lộ trong vụ án liên quan Công ty AIC vào những dịp lễ, Tết |
Không đặt nặng yếu tố vật chất
Vừa qua, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ban hành chỉ thị về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, trong đó nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện nghiêm việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố…
Theo bà Thủy, về khía cạnh truyền thống, Tết luôn có một giá trị thiêng liêng trong tâm thức người dân Việt Nam. Truyền thống tặng quà, biếu quà nhân dịp Tết là nét văn hóa tốt đẹp, nhưng “không đặt nặng yếu tố vật chất”.
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cho rằng, giải pháp quan trọng là phải tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được giá trị của Tết truyền thống cũng như việc tặng quà Tết của người Việt Nam.
Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, biện pháp đầu tiên vẫn là lòng tự trọng, tự giác của cán bộ, đảng viên. “Tôi được biết, trước đây có vị lãnh đạo cũng nhận được gói quà biếu, trong đó có cả tiền mặt, ngoại tệ. Vị lãnh đạo ấy đã gọi cán bộ văn phòng đến, yêu cầu chuyển toàn bộ vào quỹ bảo trợ xã hội, dành cho người nghèo; đồng thời yêu cầu văn phòng gọi điện cho người biếu quà, thông báo cho họ biết tình hình, để lần sau họ không phải đến biếu tặng quà như vậy nữa ”, ông Lê Như Tiến cho biết. |
Từ thực tiễn ở địa phương, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, sau chỉ thị của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng có văn bản yêu cầu không đi chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tinh thần tương thân tương ái, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.
“Ngân sách nhà nước chỉ dành để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, không được sử dụng tiền ngân sách trong việc tặng quà lãnh đạo, cũng không ai lấy tiền từ ngân sách ra mua quà biếu cấp trên cả”, ông Hoà cho hay.
Cần cả “bộ lọc đạo lý”
Ông Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh rằng, tặng quà nhau vào mỗi dịp lễ, Tết là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Thăm hỏi, tặng quà cho nhau vào mỗi dịp trọng đại, với những món quà giản dị, ý nghĩa, trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội.
Nhưng điều đáng lo ngại, cần phải ngăn chặn, lên án là sự biến tướng từ việc biếu tặng quà vào mỗi dịp Tết. Bởi rất có thể đó là những món quà mang tính hối lộ trá hình, nhằm xin - cho, vụ lợi… Vì thế, chỉ thị của Ban Bí thư và sau đó là chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này giống như “bộ lọc pháp lý” để ngăn chặn nguy cơ biến tướng của quà Tết.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy, năm 2022 có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền hơn 260 triệu đồng. Trong đó, Đà Nẵng có 5 người nộp lại với số tiền 131 triệu đồng; Trà Vinh 2 người nộp lại với số tiền 4,2 triệu đồng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 5 người nộp lại với số tiền 105,4 triệu đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 2 người nộp lại với số tiền 20 triệu đồng. Trong khi đó, năm 2021, có 4 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định, với số tiền 350 triệu đồng. Còn trong năm 2020, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng, trị giá 31,8 triệu đồng. Qua thanh tra, phát hiện 1 cơ quan nhận quà tặng không đúng quy định, thu hồi số tiền vi phạm 210 triệu đồng. |
Đáng lưu ý, gần đây đã phát hiện được một số vụ việc, như trường hợp hai cựu lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai, trong nhiều lần nhận hối lộ số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, chủ yếu thông qua hình thức tặng quà dịp lễ, Tết. Một trong những giải pháp ngăn chặn tặng quà trá hình, biến tướng, theo ông Tiến, cần phải được xử lý “làm điểm” một số vụ để răn đe.
Mặt khác, phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đặc biệt là phát huy tinh thần giám sát cộng đồng. Như vậy, cần khuyến khích tố giác và có quy định để bảo vệ người tố giác.
Còn theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, dù với các cơ quan, tổ chức, lâu nay đã không còn tình trạng dùng tiền ngân sách để biếu tặng quà cấp trên, nhưng với cá nhân thì đâu đó vẫn có trường hợp đi lại riêng tư giữa cấp dưới với cấp trên.
Thế nhưng động cơ, mục đích như thế nào, có lẽ chỉ giữa họ mới biết với nhau, người ngoài rất khó phát hiện, cũng không có cơ sở để đánh giá, kết luận “có biến tướng hay không”.
Do vậy, giải pháp ngăn chặn thực trạng này, nhiều ý kiến đều cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn cần phát huy tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tinh thần nêu gương của người đứng đầu cơ quan đơn vị. Đặc biệt, bên cạnh “bộ lọc pháp lý”, cần xây dựng “bộ lọc đạo lý”, sự liêm chính và lòng tự trọng của cán bộ, công chức.
Không tổ chức đoàn của trung ương chúc Tết các tỉnh, thành Chỉ thị của Ban Bí thư T.Ư Đảng về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; chỉ dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công... LUÂN DŨNG |
Tác giả: THÀNH NAM
Nguồn tin: Báo Tiền Phong