Trong nước

Bộ Công an nói gì về nghi vấn "ai giúp sức vụ FLC nâng khống vốn điều lệ"?

Theo Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô, áp dụng nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung", trong vụ FLC nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng, không nên suy diễn "ai là người tiếp theo".

Chia sẻ nêu trên được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an đưa ra khi báo giới đặt câu hỏi về việc lãnh đạo FLC "làm giá", tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và đặt vấn đề trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán trong việc này.

Trung tướng Tô Ân Xô tại buổi họp báo chiều 6/9 (Ảnh: P.Đ.).

Trả lời câu hỏi, Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, cơ quan điều tra trọng chứng cứ hơn trọng lời khai và quá trình tố tụng luôn thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý.

"Vì vậy, trong vụ lãnh đạo FLC nâng khống vốn điều lệ, xác định tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật thì xử lý, không nên suy diễn phải có cá nhân nào đó cùng chịu trách nhiệm" - ông Xô nêu quan điểm.

Tiếp đó, ông Xô đề nghị: "Nếu có chứng cứ về việc cá nhân nào đó có hành động giúp sức cho nhóm FLC nâng khống vốn điều lệ thì cung cấp để cơ quan điều tra xử lý. Không nên suy diễn ai là người tiếp theo".

Trước đó, ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã thi hành các quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Sự việc xảy ra tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.

Ông Trịnh Văn Quyết đang bị điều tra về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Ảnh: Tiến Tuấn).

Quá trình điều tra mở rộng vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, có căn cứ xác định, ngoài hành vi phạm tội đã bị khởi tố, các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung còn có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị can thực hiện hành vi thông qua việc, từ năm 2014 đến năm 2016, làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Ngày 23/8, Cơ quan CSĐT ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và Hương Trần Kiều Dung về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan. Các quyết định nêu trên đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.

Ngày 29/3, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị Cơ quan cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Sau đó, C01 lần lượt bắt hai em gái ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế, cùng bà Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS.

Quá trình điều tra xác định, từ ngày 1/9/2016 đến ngày 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế là nhân viên kế toán thuộc Ban Kế toán, Công ty CP Tập đoàn FLC liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập công ty.

Thực hiện chỉ đạo của Quyết, Huế liên hệ và cùng những người thân trong gia đình thành lập 20 công ty; đồng thời mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán đứng tên Huế và các công ty, cá nhân tại 41 công ty chứng khoán (120 tài khoản mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS, 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác).

Theo Bộ Công an, việc Huế mở 450 tài khoản chứng khoán để liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán khớp chéo (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu); mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán.

Đó là mã chứng khoán FLC của Công ty CP Tập đoàn FLC; mã chứng khoán ROS của Công ty CP Xây dựng FAROS; mã chứng khoán ART của Công ty CP Chứng khoán BOS; mã chứng khoán HAI của Công ty CP Nông dược HAI; mã chứng khoán AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone và mã chứng khoán GAB của Công ty CP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC, thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Tác giả: Nguyễn Trường

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP