Giáo dục

Bị tố là 'đầu nậu' mua bán bài báo, nhà toán học nói do khó khăn

PGS.TS Nguyễn Huy Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu toán ứng dụng của Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ, Trường đại học Văn Lang, gần đây liên tục bị tố là người tổ chức "mạng lưới mua bán bài báo khoa học trong ngành toán".

Thông tin giới thiệu PGS.TS Nguyễn Huy Tuấn - Ảnh: Fanpage Trường ĐH Văn Lang

"Giai đoạn trước năm 2022, khi còn làm việc ở Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, với tiền lương khá khiêm tốn, không thể trang trải đủ chi phí cho cuộc sống gia đình, tôi đành phải cộng tác nghiên cứu với các trường đại học khác".

Đó là thừa nhận của PGS.TS Nguyễn Huy Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu toán ứng dụng của Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ, Trường đại học Văn Lang.

Thời gian gần đây, ông Tuấn liên tục bị tố là người tổ chức "mạng lưới mua bán bài báo khoa học trong ngành toán" dưới danh nghĩa hợp tác nghiên cứu với các trường đại học.

Công bố hàng chục bài báo mỗi năm

Theo đơn tố cáo được gửi đến Hội đồng giáo sư nhà nước, Bộ GD-ĐT và nhiều cơ quan cùng nhiều nhà khoa học, từ năm 2021 trở về trước, PGS.TS Nguyễn Huy Tuấn là giảng viên cơ hữu của Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhưng ông Tuấn còn làm trưởng nhóm nghiên cứu về giải tích ứng dụng Trường đại học Tôn Đức Thắng.

GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết tra cơ sở dữ liệu MathSciNet năm 2021 thì thấy Trường đại học Thủ Dầu Một bắt đầu "mua" bài từ năm 2018 của một tác giả Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).

"Tác giả này có thể là một "đầu nậu", theo nghĩa tổ chức môi giới mua bán bài báo. Số công bố có tên tác giả này hoặc đồng tác giả ghi địa chỉ ở Trường đại học Tôn Đức Thắng là 104 bài, Trường đại học Duy Tân 54 bài và Trường đại học Thủ Dầu Một 15 bài" - ông Trung nói.

Một nhà khoa học gửi đến Tuổi Trẻ nhiều tài liệu minh chứng và cho rằng: "Từ lâu, ông Nguyễn Huy Tuấn được nhắc đến như một 'đầu nậu' trong ngành toán, là người tổ chức mạng lưới mua bán bài báo khoa học dưới danh nghĩa hợp tác nghiên cứu".

Cụ thể, theo thống kê từ MathSciNet, đến nay tác giả Nguyễn Huy Tuấn có 222 bài báo, trong đó 98 bài ghi địa chỉ Trường đại học Tôn Đức Thắng, 45 bài ghi địa chỉ Trường đại học Duy Tân và 36 bài ghi địa chỉ Trường đại học Thủ Dầu Một. Công bố của tác giả Nguyễn Huy Tuấn trong các năm gần đây: năm 2019 có 22 bài báo khoa học, năm 2020 có 30 bài, năm 2021 có 29 bài.

"Điều đáng nói, từ năm 2022, ông Nguyễn Huy Tuấn chuyển về làm cơ hữu, trưởng nhóm nghiên cứu toán ứng dụng của Trường đại học Văn Lang, nhưng theo dữ liệu MathSciNet, từ năm 2022 ông này lại mở rộng mua bán bài báo với Trường đại học Thủ Dầu Một và Trường đại học Duy Tân.

Cụ thể, năm 2022 ông Tuấn có 24 bài báo, trong đó có 5 bài ghi địa chỉ Trường đại học Thủ Dầu Một, 2 bài ghi địa chỉ Trường đại học Tôn Đức Thắng; năm 2023 (đến nay) có 14 bài, trong đó có 1 bài ghi địa chỉ Trường đại học Duy Tân" - một nhà khoa học phản ánh.

Qua báo Tuổi Trẻ, tôi gửi lời xin lỗi chân thành và sâu sắc đến cộng đồng khoa học, cộng đồng toán học và đến cả những người tố cáo tôi. Mọi việc xảy ra đến với tôi lúc này, nhìn ở góc độ hay quan điểm nào chăng nữa thì cũng đều do lỗi của tôi trong những năm trước đó. Tôi xem đây là bài học rất quý giá trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.

Ông NGUYỄN HUY TUẤN

Hoàn cảnh gia đình khó khăn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Tuấn cho biết ông đã giải trình việc này với lãnh đạo Trường đại học Văn Lang.

"Giai đoạn từ năm 2021 trở về trước, tôi là giảng viên biên chế của Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, tôi có hợp đồng nghiên cứu với các trường đại học Tôn Đức Thắng, Duy Tân và Thủ Dầu Một.

Hoàn cảnh gia đình tôi có hai con nhỏ, vợ tập trung thời gian lo chăm sóc hai con nhỏ và điều kiện sức khỏe nên không đi làm. Một mình tôi phải gánh vác toàn bộ kinh tế gia đình sinh sống tại TP.HCM với nhiều chi phí đắt đỏ.

Với tiền lương khá khiêm tốn nhà trường chi trả, gần như tôi không thể trang trải đủ chi phí cho cuộc sống gia đình. Do vậy, tôi đành phải cộng tác với các trường như đã nêu trên. Tuy nhiên, sau khi báo chí và các cơ quan chức năng có đề cập về hoạt động liêm chính khoa học, tôi quyết tâm không còn cộng tác như vậy nữa.

Tôi thấy xấu hổ, áy náy và đã nghiêm khắc rút kinh nghiệm với bản thân không theo lối cộng tác nghiên cứu như thế này nữa" - ông Tuấn nói.

Về phản ánh trong hai năm 2022 và 2023 vẫn tiếp tục có một số bài báo ghi tên các trường đại học khác, ông Tuấn cho biết khi công bố bài báo khoa học, một số nhà xuất bản có chế độ xuất bản lần 1 (first online - trực tuyến) và sau đó sẽ ra Volume, số, năm xuất bản (còn gọi là xuất bản giấy).

"Vì các bài báo trên của tôi đã xuất bản trực tuyến từ năm 2020 hoặc 2021 trước khi tôi về Trường đại học Văn Lang, sau đó các bài đó mới được xuất bản trên tạp chí giấy vào năm 2022 và 2023. Do vậy khi tra cứu năm 2022 hoặc 2023 trên MathSciNet thấy vẫn còn ghi địa chỉ các trường đại học khác.

Khi một bài báo đã có first online, tác giả không thể sửa địa chỉ công bố được. Đây là quy định của nhà xuất bản, chứ không phải tôi vẫn còn cộng tác với các trường đó.

Từ khi chuyển về Trường đại học Văn Lang, tôi cũng đã cam kết với lãnh đạo trường là không còn hợp tác với bất kỳ đại học nào khác. Từ đó đến nay, tôi chỉ công bố bài báo khoa học với tên địa chỉ duy nhất là Trường đại học Văn Lang" - ông Tuấn khẳng định.

Không có bài báo nào ghi địa chỉ ngoài ĐH Văn Lang

Ngày 8-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Võ Văn Tuấn, phó hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang, xác nhận ông Nguyễn Huy Tuấn đã giải trình liên quan đến đơn phản ánh về việc nghiên cứu khoa học.

"Ông Nguyễn Huy Tuấn về làm việc tại Trường đại học Văn Lang từ tháng 12-2021 đến nay và hiện là trưởng nhóm nghiên cứu toán ứng dụng của Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ. Nhà trường đã xác minh đúng như nội dung giải trình, từ khi về trường đến nay ông Nguyễn Huy Tuấn không có bài báo khoa học nào ghi địa chỉ ngoài Trường đại học Văn Lang" - ông Tuấn nói.

Tác giả: TRẦN HUỲNH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP