Trong nước

Bí thư cấp ủy không là người địa phương: Cần nhất là sự công tâm!

Hội nghị TƯ 7 (Khóa XII) chủ trương Bí thư cấp ủy không là người địa phương, nhiều Bí thư Huyện ủy chia sẻ thực tế công việc người trong cuộc.

Một trong những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ những năm tới là triển khai nhất quán chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh Chủ tịch UBND. Nội dung này nhận được sự ủng hộ khá cao tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Tại tỉnh Quảng Bình, một số Bí thư cấp ủy cấp huyện trước khi có chủ trương trên, đã được Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình phân công nắm giữ trọng trách tại những địa phương khác nhau.

Bí thư Huyện ủy huyện Quảng Ninh Phan Mạnh Hùng có quê gốc tại huyện Bố Trạch, Bí thư Thành ủy Đồng Hới Lê Văn Phúc quê huyện Lệ Thủy, Bí thư Thị ủy Thị xã Ba Đồn Trần Thắng quê gốc tại huyện Quảng Trạch và Bí thư Huyện ủy Minh Hóa quê gốc tại huyện Quảng Ninh.

Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Đoàn Ngọc Lâm

Kinh nghiệm tránh bị cô lập của những người đứng đầu cấp ủy

Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa Đoàn Ngọc Lâm cho biết, bản thân ông là người huyện Quảng Ninh, được Thường vụ Tỉnh ủy phân công về làm Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, vì vậy ông hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn của một cán bộ không phải người địa phương.

Ông Đoàn Ngọc Lâm thừa nhận có khó khăn khi nhận nhiệm vụ ở địa bàn mới, đó là thiếu sự am hiểu về phong tục, tập quán người dân bản địa, là khoảng cách địa lý cách xa nhà hàng trăm km, là thực tiễn công việc ở địa phương đòi hỏi bản lĩnh người đứng đầu...

Với một huyện miền núi nhiều dân tộc như Minh Hóa, công tác cán bộ từ lâu đã có những tồn tại như: công chức còn làm việc cầm chừng, cán bộ thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thậm chí có cán bộ còn e ngại chịu trách nhiệm khi có công việc mới cần triển khai gấp...

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, để khắc phục những tồn tại của địa phương, để những cán bộ, công chức huyện mẫn cán hơn, trách nhiệm hơn, bản thân Bí thư Huyện ủy phải nêu gương trước.

Đồng tình với quan điểm này, Bí thư Huyện ủy huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) Phan Mạnh Hùng, (quê gốc tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho rằng, những tồn tại trong huyện, trong xã sẽ tự được các cá nhân bộc bạch nếu Bí thư Huyện ủy ngay từ khi mới đến địa bàn nhận công tác tạo được lòng tin với cấp dưới. Không tạo được lòng tin ngay từ đầu, chính Bí thư Huyện ủy sẽ bị cô lập, những thông tin nội bộ sẽ không thể đến được với người đứng đầu.

Cũng theo ông Phan Mạnh Hùng, huyện Bố Trạch (quê hương ông Hùng) và huyện Quảng Ninh (nơi ông Hùng công tác) dù án ngữ hai đầu thành phố Đồng Hới, có nhiều điểm chung nhưng không vì thế mà công việc của Bí thư Huyện ủy trôi chảy ngay từ đầu. Bản thân người Bí thư phải học hỏi rất nhiều, chú ý lắng nghe ý kiến phản hồi từng việc làm của mình để điều chỉnh, đặc biệt trong việc sắp xếp cán bộ.

Để làm tốt công việc của người đứng đầu địa phương, Bí thư Huyện ủy phải đóng vai trò như người trung gian, có cách nhìn nhận cán bộ cấp dưới công tâm, khách quan, khuyến khích người có năng lực, tìm và trao cơ hội để cán bộ địa phương nắm bắt, tiếp tục phát triển.

Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) Phan Mạnh Hùng

“Nếu như mình từ huyện khác đến đây mà lại chia bè, kéo cánh thì lập tức bị cô lập ngay”- Bí thư Huyện ủy huyện Quảng Ninh Phan Mạnh Hùng cho biết.

Theo ông Phan Mạnh Hùng, huyện Quảng Ninh chú trọng sắp xếp cán bộ dựa trên năng lực chuyên môn, không để tình trạng “thân quen, cánh hẩu”. Những cán bộ chưa chứng tỏ được năng lực, cần đào tạo thêm, huyện sẵn sàng cho đi tăng cường các xã, vừa để cọ xát thực tế, vừa rèn luyện bản lĩnh, vừa hỗ trợ được cho cấp xã.

Cần tạo động lực phấn đấu cho cán bộ địa phương

Có ý kiến cho rằng, chủ trương không bổ nhiệm Bí thư cấp ủy là người địa phương sẽ gây ảnh hưởng tâm lý, làm giảm động lực phấn đấu của cán bộ là người địa phương, Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa Đoàn Ngọc Lâm nêu quan điểm, chủ trương này không làm giảm động lực phấn đấu của cán bộ địa phương mà chính những người đang công tác ở địa phương có nhiều lợi thế.

Ông Đoàn Ngọc Lâm giải thích: Theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Quảng Bình, một người muốn trưởng thành, giữ cương vị cao tại tỉnh sẽ phải đảm bảo điều kiện trải qua quá trình công tác, khẳng định mình ở địa phương. Xét khía cạnh này, rõ ràng những người công tác ở địa phương có nhiều lợi thế để phát triển.

Còn Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Phan Mạnh Hùng khẳng định, là người địa phương khác về làm Bí thư, nếu thiên vị một ai đó, lập tức sẽ có người khác cô lập lại, cấp dưới cũng không còn cởi mở với Bí thư. Vì vậy, người từ nơi khác được phân công về đảm nhận công việc tại địa phương buộc phải có cách đối nhân xử thế thật công tâm, khách quan, tạo động lực thi đua cho cán bộ địa phương.

Một trong những lý do để Trung ương quy định thực hiện việc luân chuyển cán bộ là nhằm ngăn chặn tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, sắp xếp, bổ nhiệm, tuyển dụng người nhà.

Nêu quan điểm về vấn đề này, theo Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa Đoàn Ngọc Lâm, con, cháu của cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng giống như con, cháu của những người khác, cũng có nhu cầu về công ăn, việc làm. Nếu người con, người cháu đó được đào tạo cơ bản, đúng năng lực, sở trường, có đạo đức, phẩm chất, có đủ bằng cấp chuyên môn, được tuyển chọn đúng quy trình thì việc tuyển chọn họ là bình thường.

Còn ông Phan Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Quảng Ninh khẳng định: “khi địa phương đã tạo được sân chơi công bằng, tuyển chọn thực chất thì năng lực bản thân sẽ quyết định thành công của mỗi cá nhân”./.

Tác giả: Hoàng Thái

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP