Thế giới

Bí ẩn lời nguyền tổng thống

Bê bối “bạn thân” của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye một lần nữa khiến hai từ “tổng thống” ở xứ sở kim chi nhuốm thêm màu sắc tai họa

Từ khi tổng thống đầu tiên lên nắm quyền vào năm 1948 cho tới nay, gần như chưa có vị chủ nhân Nhà Xanh nào có được một nhiệm kỳ suôn sẻ và cái gọi là “hạ cánh an toàn” là điều quá xa xỉ.

Quyền lực chết chóc

Tạp chí Newsweek của Mỹ cho rằng dường như có một lời nguyền truyền kiếp ám các tổng thống Hàn. Bi kịch nhất phải kể tới cái chết của vị tổng thống nhiệm kỳ thứ 16 (2003-2008) - ông Roh Moo-hyun.

Ngày 23-5-2009, đất nước Hàn Quốc bàng hoàng trước tin cựu tổng thống Roh Moo-hyun nhảy xuống một khe núi gần nhà ở ngôi làng Bongha (gần bờ biển Đông Nam Hàn Quốc) tự tử. Cái chết của chính trị gia 62 tuổi có tiếng ngay thẳng này trở thành một bi kịch đau đớn. Ông Roh Moo-hyun vốn đã kết thúc nhiệm kỳ từ tháng 2-2008 và đang chịu nhiều áp lực giữa những cáo buộc nhận hối lộ 6 triệu USD khi còn đương chức.

Trong thư tuyệt mệnh để lại, ông Roh ám chỉ tình trạng bệnh tật và không thể chống chọi với những đau đớn triền miên ập đến. Người tiền nhiệm - cựu tổng thống Kim Dae-jung - lúc bấy giờ dành cho ông Roh những lời lẽ đầy ngậm ngùi: Cả đời hiên ngang vì nền dân chủ rồi không chịu nổi áp lực của truyền thông vì cáo buộc tham nhũng!

Lễ tang của cựu tổng thống Roh Moo-hyun vào tháng 5-2009 Ảnh: AP


Trước khi tự tử, ông Roh trải qua nhiều cuộc thẩm vấn của cảnh sát đối với cáo buộc nhận hối lộ từ lãnh đạo Tập đoàn Giày dép Taekwang - Park Yeon Cha - thông qua vợ mình và một số người thân khác. Dù thừa nhận vợ mình đã “mượn” 1 triệu USD từ ông Park “để trả nợ” nhưng vị tổng thống trước sau vẫn khẳng định đó không phải là tiền hối lộ, còn khoản 5 triệu USD được “dúi” vào tay những người thân khác là tiền đầu tư kinh doanh hợp pháp.

Dù phủ nhận tất cả các cáo buộc, trước khi tìm tới cái chết dưới vực thẳm, ông Roh đã cúi đầu xin lỗi người dân vì vụ bê bối. “Tôi không còn mặt mũi nào nhìn mặt người dân nữa vì xấu hổ. Tôi xin lỗi vì đã khiến mọi người thất vọng” - ông Roh nói với báo giới trước khi trình diện trong buổi thẩm vấn của các công tố viên ở Seoul.

Vị tổng thống thứ 9 trong số 11 tổng thống của Hàn Quốc này là ông chủ Nhà Xanh thời hiện đại duy nhất tự kết liễu cuộc đời. Mọi suy luận về nguyên nhân của lựa chọn tiêu cực đó đều dồn về bê bối tham nhũng. Tuy vậy, vụ này được cho là chưa thấm vào đâu so với 2 cựu tổng thống thứ 5 và thứ 6 cũng dính vào bê bối tham nhũng lần lượt là Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo. Cả hai bị bắt vào tháng 11-1995 vì cáo buộc biển thủ tài sản hàng trăm triệu USD.

Vận đen khó thoát

Khi bước vào phòng xử án tại Seoul vào tháng 8-1996, 2 cựu tổng thống từng rất thân thiết vẫn còn nắm chặt tay nhau. Ông Roh Tae-woo chính là người tổng thống họ Chun “chọn mặt gửi vàng” để kế nhiệm khi ông ẩn thân khổ hạnh ở ngôi đền khuất nẻo trên núi do không chịu nổi áp lực dư luận. Vị tổng thống tại vị trong 2 nhiệm kỳ 11 và 12 Chun Doo-hwan còn khắc sâu trong tâm trí người Hàn Quốc với vị trí là một trong những tổng thống bị ghét nhất.

Ông lên nắm quyền sau khi tiến hành cuộc đảo chính quân sự năm 1979, lật đổ Tổng thống Park Chung-hee. Ông cũng chính là người đã ra lệnh đàn áp một cuộc biểu tình dân chủ ở TP Gwangju vào năm 1980 khiến ít nhất 250 người thiệt mạng.

Cựu tổng thống họ Chun bị kết án tử hình vì tội phản quốc và buộc phải nộp lại hơn 200 triệu USD trong khi người kế nhiệm lãnh hơn 22 năm tù. Mặc dù được giảm án xuống chung thân nhưng mãi tới năm 1997, ông Chun mới được trả tự do. Trong khi đó, ông Roh Tae-woo cũng được thả trước hạn nhưng phải bán đấu giá nhiều tài sản để nộp tiền theo yêu cầu của tòa, sau đó còn tiếp tục nếm trải không ít cay đắng vì con cái tù tội.

Dường như những vị tổng thống Hàn Quốc “lên ngôi” sau khi lật đổ người tiền nhiệm đều hứng chịu kết cục thảm hại. Cha của Tổng thống đương nhiệm Park Geun-hye, ông Park Chung-hee, là người tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử nước này nhưng cuối cùng lại chết vì bị ám sát. Sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền của Tổng thống Lee Seung-man năm 1961, ông Park chính thức nhậm chức tổng thống năm 1963 rồi sửa đổi hiến pháp vào năm 1972 để trở thành tổng thống tại vị lâu nhất. Tuy vậy, giữa lúc nhiệm kỳ thứ 5 còn dang dở, vào tháng 10-1979, vị tổng thống bị chính thuộc hạ là Giám đốc Cục Tình báo trung ương Hàn Quốc sát hại tại bữa tiệc trong trụ sở của Cục Tình báo. Mới chỉ 2 tháng trước, vợ ông cũng bị ám sát.

Nói về hậu thế, bà Park Geun-hye dù đang chìm trong bê bối chính trị được cho là cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi Hàn Quốc được thành lập cách đây 70 năm nhưng ít ra cũng là niềm tự hào của gia đình khi bà trở thành nữ tổng thống Hàn Quốc đầu tiên. Trong khi đó, quý tử độc nhất của Tổng thống Park Chung-hee hẳn khiến cha mẹ vô vùng xấu hổ nơi chín suối khi đã xộ khám ít nhất 5 lần vì tội tiêm chích ma túy.

Nhiều ý kiến khách quan cho rằng những biến động thăng trầm của các tổng thống Hàn Quốc hoàn toàn là chuyện ngẫu nhiên trong tình hình chính trị kém ổn định ở nước này. Thế nhưng, cũng có người lại đổ lỗi những đen đủi đó cho địa thế phong thủy của Nhà Xanh.

Thoát án tử trong gang tấc

Trắc trở bậc nhất trên chính trường Hàn Quốc không thể không nói tới Tổng thống thứ 8 Kim Dae-jung (nhiệm kỳ 1998-2003). Trước khi vào Nhà Xanh, ông Kim từng bị bắt giữ và kết án tù nhiều lần. Thậm chí năm 1980, ông đã bị kết án tử hình nhưng thoát chết vào phút chót nhờ chính phủ Mỹ can thiệp khi đang bị trói và đưa lên máy bay để thả xuống biển.

Những kỳ tích ông Kim Dae-jung đạt được sau khi thế chân người tiền nhiệm đầy bê bối Kim Young-sam đã khiến nhiều người tin tưởng vị tổng thống thứ 8 sẽ không dính phải “lời nguyền” truyền kiếp. Ông được vinh danh giải Nobel Hòa bình năm 2000 vì những nỗ lực hàn gắn vết thương dân tộc. Người ta gọi Tổng thống Kim Dae-jung là Nelson Mandela của châu Á. Tuy nhiên, tới cuối nhiệm kỳ, ông Kim cũng dính vào bê bối tương tự như lý do khiến người kế nhiệm Roh Moo-hyun phải tự tử. Ông phải công khai xin lỗi quốc dân về những tội lỗi của 2 người con là Kim Hong-up và Kim Hong-gol (bị bắt vì tội tham nhũng), đồng thời xin rút khỏi Đảng Dân chủ thiên niên kỷ cầm quyền.

Tác giả bài viết: Đỗ Quyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP