Xã hội

Bên trong hầm xuyên núi hơn 1.000 tỷ đồng qua Hà Tĩnh

Hầm Đèo Bụt - hạng mục quan trọng nhất trên cao tốc Vũng Áng - Bùng với chiều dài gần 1 km và vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng - đang được gấp rút thi công.

Cao tốc Vũng Áng - Bùng thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam, có hầm Đèo Bụt đi qua dãy núi Đồng Nang, phía bắc thuộc xã Kỳ Lạc và phía nam nằm ở xã Kỳ Hoa của thị xã Kỳ Anh.

Thiết kế có hai ống hầm, tim hầm trái cách tim hầm phải 45 m. Hầm trái dài 716 m, hầm phải dài 840 m, chiều rộng mỗi hầm 15 m, cao 8 m.

Hầm bên phải sẽ phục vụ giai đoạn một của dự án. Hầm trái còn 150 m nữa, dự kiến thông trong tháng 7 và phục vụ giai đoạn hai. So với thời điểm thi công hồi tháng 8/2023, đến nay cầu cạn ở phía bắc đã được nối với cửa hầm phải.

Hôm 19/5, hai mũi đào hướng từ phía bắc và phía nam của hầm bên phải đã nối thông với độ chính xác tuyệt đối sau 11 tháng thi công.

Hầm thiết kế vĩnh cửu, vỏ bêtông cốt thép, thi công theo công nghệ NATM của Áo. Việc thông hầm có ý nghĩa quan trọng, sau thời điểm này công tác điều phối nhân sự, phương tiện, vật tư vật liệu thuận lợi hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công hầm Đèo Bụt cũng như toàn dự án cao tốc.

Hệ thống đèn chiếu sáng bên trong hầm được bật thường xuyên để công nhân, máy móc ra vào làm việc.

Hiện có khoảng 120-150 cán bộ, công nhân viên, cao điểm gần 200 người thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Hố ga ở dưới lòng hầm đang được hoàn thiện.

Các nhân viên kỹ thuật thi công cho biết mỗi hạng mục trong hầm là một điểm găng, vì vậy đơn vị phải làm hoàn chỉnh mới được chuyển sang thi công hạng mục khác đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ.

Công nhân hàn các tấm lưới thép kết cấu chống đỡ vòm hầm.

Hiện các hốc kỹ thuật bên hông hầm đã thành hình, được gia cố bằng bêtông phun và hệ thống neo đá. Hạng mục này dùng để bố trí thiết bị cơ điện và phòng cháy chữa cháy, cách khoảng 40 m sẽ bố trí một hốc.

Kỹ sư thường sơn các ký hiệu lên bề mặt bêtông của hầm để đánh dấu số vì thép, giúp đạt được độ chính xác tuyệt đối khi thi công.

Ông Đậu Hoài Dương, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, cho biết hầm Đèo Bụt là công trình quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật cao và phức tạp nhất trên tuyến cao tốc Vũng Áng - Bùng.

Theo ông, khu vực núi Đồng Nang lưu lượng mưa lớn, nước ngầm nhiều, nền địa chất yếu, đất đá xen kẹt rời rạc. Việc khoan hầm qua núi, thi công hệ thống kết cấu chống đỡ đòi hỏi máy móc, công nghệ hiện đại. Một số điểm địa chất yếu, nhà thầu gặp nhiều khó khăn, phải đưa ra một số điều chỉnh nhỏ so với thiết kế ban đầu để khắc phục.

"Cán bộ kỹ thuật, công nhân có tối thiểu đã thi công 2 công trình hầm đường, một số người thâm niên đã thi công 4 công trình hầm đường, nhờ đó họ có nhiều kinh nghiệm", ông Dương nói.

Hệ thống ván khuôn dùng để thi công bêtông vỏ hầm sau khi hoàn thiện thi công hạng mục kết cấu chống đỡ. Hiện thiết bị đã lắp dựng xong, đặt ở cửa hầm phía bắc, thời gian sắp tới sẽ đưa vào sử dụng hoàn thiện hầm bên phải.

Song song với hầm bên phải, hầm trái Đèo Bụt dài 716 m, còn 150 m nữa dự kiến thông trong tháng 7, phục vụ giai đoạn hai.

Trước mắt hầm trái sau khi thông chưa khai thác, nhà chức trách dùng để phục vụ cứu nạn cứu hộ.

Trước cửa hầm phía bắc là cầu cạn, công nhân đang đan thép hoàn thiện kết cấu để đổ bêtông bản mặt cầu.

Ở phía ngoài hầm, công nhân đang kéo vật liệu bằng cáp tời lên gia cố mái taluy. Toàn tuyến Vũng Áng - Bùng xây dựng 33 cầu (28 cầu dọc tuyến, 5 cầu vượt ngang).

Nằm trong cao tốc Bắc Nam, đường Vũng Áng - Bùng dài hơn 55 km, đi qua hai tỉnh Hà Tĩnh (gần 13 km) và Quảng Bình (hơn 42 km). Công trình được khởi công tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành tháng 12/2025. Giai đoạn một của dự án quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80-90 km/h.

Dự án có tổng vốn hơn 12.540 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty 484 - Công ty xây lắp 368 - Công ty 479 Hòa Bình; Công ty đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty Lizen thi công.

Hướng tuyến cao tốc Vũng Áng - Bùng. Đồ họa: Đăng Hiếu

Dự án khi đưa vào khai thác sẽ đồng bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đảm bảo anh ninh quốc phòng của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Tác giả: Đức Hùng

Nguồn tin: vnexpress.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP