Kinh tế

BĐS Bắc Trung Bộ: Cơn sốt đất nền đến rồi sẽ qua rất nhanh?

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) ở khu vực Bắc Trung Bộ đã có những biến động đáng kể, đặc biệt ở phân khúc đất nền. Với số vốn khoảng 1 tỷ đồng, nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc người dân có nhu cầu an cư đang gặp khó khăn khi muốn tìm mua đất ven thành phố.

Giá đất nền tăng vọt khiến 1 tỷ đồng “mất giá”

Chỉ trong vòng 2 – 3 năm, giá đất nền ở các khu vực ven thành phố của các tỉnh Bắc Trung Bộ (bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị ) đã tăng gấp 1,5 - 2 lần, thậm chí có nơi tăng gấp 3. Những khu vực trước đây chỉ dao động ở mức 5 – 7 triệu đồng/m² thì nay đã lên tới 12 – 20 triệu đồng/m², đặc biệt là những vị trí gần trục đường lớn, khu hành chính, trường đại học hoặc được đồn đoán sẽ trở thành trung tâm mới sau sáp nhập hành chính.

Khu bán đảo Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đang được các nhà đầu tư “đổ bộ” về xây dựng giúp thị trường BĐS khu vực Bắc Trung Bộ “ấm”lên.

Tại Thanh Hóa, địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh bậc nhất khu vực Bắc Trung Bộ, giá đất nền tại TP. Thanh Hóa và các khu vực ven như Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa đều tăng chóng mặt. Theo khảo sát thực tế, tại phường Quảng Hưng (TP. Thanh Hóa), giá đất nền dao động từ 18 – 25 triệu đồng/m². Với số tiền 1 tỷ đồng, người mua gần như không thể tìm được một mảnh đất có vị trí thuận lợi và diện tích hợp lý.

Hai vợ chồng anh Nguyễn Viết Huy (công nhân làm tại nhà máy trên địa bàn huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) tỏ ra không khỏi hoang mang về thực trạng BĐS đất nền tăng mạnh thời điểm hiện nay. “Tôi có 1 tỷ đồng gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm nhưng thấy lãi suất thấp, không đủ bù lạm phát và giá cả tiêu dùng. Giá nhà đất ở TP. Thanh Hoá thì cao quá, còn ven thành phố cũng tăng chóng mặt. Có 1 tỷ đồng, tôi muốn rút hết ra để đầu tư 1 mảnh đất ven thành phố để sau này xây nhà ổn định cuộc sống mà không mua được miếng đất như ý”, anh Huy chia sẻ.

Tương tự, tại Nghệ An, khu vực TP. Vinh và các vùng lân cận như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đà cũng ghi nhận mức tăng giá mạnh mẽ về BĐS đất nền. Một lô đất rộng 80 – 100m² tại xã Hưng Lộc hoặc phường Hưng Dũng (TP. Vinh) hiện nay có giá từ 1.5 – 2.5 tỷ đồng, tùy vào vị trí và mặt đường. Những năm trước, với 1 tỷ đồng, người dân vẫn có thể dễ dàng tìm được đất ở các khu ven như Nam Đàn, Hưng Hòa, hay Nghi Ân...

Ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, tình hình cũng không khá hơn. Tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình), nhiều khu vực vốn ít người quan tâm như Đức Ninh, Bảo Ninh nay đã trở thành điểm nóng. Giá đất tại các khu vực này hiện đã lên tới 15 – 22 triệu đồng/m². Còn tại TP. Đông Hà (Quảng Trị), đất ven đường lớn như Hùng Vương, Quốc lộ 9 cũng đang giao dịch ở mức 20 – 25 triệu đồng/m², khiến 1 tỷ đồng không còn là con số “dễ thở” với người muốn sở hữu bất động sản tại đây.

Giá đất tăng vì… tin sáp nhập!

Một trong những lý do khiến giá đất nền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ tăng mạnh chính là kỳ vọng vào quá trình sáp nhập đơn vị hành chính và nâng cấp đô thị. Những thông tin như “sáp nhập tỉnh”, “sáp nhập xã mới”, “mở rộng thành phố”… được lan truyền rộng rãi trên các diễn đàn, nhóm đầu tư bất động sản, từ đó kích thích làn sóng đầu cơ, gom đất.

Tại Thanh Hóa, thông tin huyện Đông Sơn sẽ được sáp nhập vào TP. Thanh Hóa đã khiến giá đất tại nhiều khu vực như Đông Tân, Đông Hòa, Đông Vinh tăng chóng mặt. Các lô đất từng có giá chỉ khoảng 500 – 600 triệu đồng/lô thì nay được rao bán lại lên đến 1,2 – 2,3 tỷ đồng. Dù chưa có quyết định chính thức, nhiều nhà đầu tư vẫn đổ xô về mua, đẩy giá lên cao.

Nghệ An cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Việc TP. Vinh đề xuất mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập các xã xung quanh như Hưng Đông, Hưng Lộc, Hưng Hòa đã khiến đất nền tại các khu vực này được “thổi giá” từng ngày. Tin đồn “có thật có giả” khiến thị trường trở nên hỗn loạn, người dân thì hoang mang, còn giới đầu cơ thì “hốt bạc”.

Ở Quảng Bình, thông tin sáp nhập Quảng Trị vào Quảng Bình lấy Đồng Hới làm địa điểm đặt trung tâm hành chính cũng tạo làn sóng đầu tư mới. Giới đầu cơ “đổ xô” hỏi mua, giao dịch khiến thị trường BĐS khu vực TP. Đồng Hới sôi động hơn bao giờ hết.

Bong bóng giá và hệ lụy

Mặc dù một số thông tin về quy hoạch, sáp nhập là có cơ sở, nhưng việc giá đất tăng quá nhanh và vượt xa giá trị thực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các chuyên gia nhận định rằng phần lớn sự tăng giá hiện nay không đến từ nhu cầu thực tế mà chủ yếu là do đầu cơ, thổi giá và kỳ vọng “ăn theo” thông tin quy hoạch. Nhiều nhà đầu tư tay ngang hoặc người mua thiếu hiểu biết rất dễ “đu đỉnh”, bị chôn vốn hoặc thậm chí lỗ nặng.

Hơn nữa, việc giá đất tăng mạnh đang gây ra hệ lụy với người dân địa phương. Những gia đình có nhu cầu mua đất xây nhà tại chỗ không đủ khả năng chi trả, trong khi đất bị đầu cơ mua đi bán lại nhiều lần mà không đưa vào sử dụng. Điều này gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển bền vững.

Ở một số nơi, sau khi “cơn sốt” đi qua, giá đất tụt dốc khiến không ít người phải rao bán cắt lỗ. Điển hình như ở Quảng Bình, sau cơn sốt đất tại xã Bảo Ninh hồi đầu năm 2022, giá đất nơi đây hiện đã giảm từ 20 – 30% nhưng vẫn rất khó bán do nhu cầu thực thấp.

Hiện nay, trong bối cảnh thị trường đất nền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đang “nóng” lên vì nhiều nguyên nhân không bền vững, các chuyên gia khuyến cáo người dân và nhà đầu tư cần tỉnh táo, không nên chạy theo phong trào hay tin đồn thiếu kiểm chứng.

Trước khi xuống tiền, người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch từ cơ quan chức năng, xem xét tính pháp lý, hạ tầng, khả năng thanh khoản và giá trị thực của mảnh đất. Đặc biệt, với số vốn khoảng 1 tỷ đồng, cần tính toán kỹ lưỡng để không bị “kẹt vốn” trong các khu vực chưa phát triển hoặc bị thổi giá ảo.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo người mua nên cân nhắc giữa việc đầu tư đất nền và các loại hình bất động sản khác như căn hộ, đất dự án có quy hoạch rõ ràng hoặc nhà xây sẵn trong khu đô thị mới, nhằm hạn chế rủi ro và đảm bảo tính thanh khoản.

Tác giả: Văn Tuân

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP