Công đoạn làm nhân bánh phu thê. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN |
Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với những làn điệu Dân ca Quan họ mà còn được biết đến với nét ẩm thực dân dã, phong phú; trong đó, nức tiếng du khách thập phương với bánh phu thê Đình Bảng, thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Những cặp bánh phu thê dẻo thơm không chỉ đại diện cho nét văn hóa đặc trưng của người dân Kinh Bắc mà còn là làng nghề độc đáo, góp phần phát triển du lịch, kinh tế địa phương. Để phát triển làng nghề bền vững, hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các lực lượng chức năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bánh phu thê Đình Bảng.
Người dân phường Đình Bảng truyền lại, bánh phu thê (hay còn gọi bánh xu xê) có nguồn gốc từ thời Lý, khi vua Lý Anh Tông đi đánh trận, hoàng hậu ở nhà thương nhớ chồng làm bánh gửi ra trận. Nhà vua ăn bánh thấy ngon ngọt, trân trọng tình nghĩa vợ chồng nên đặt tên là bánh phu thê.
Nhưng cũng có tích truyền lại rằng, tại lễ hội làng Đền Đô, vua Lý Thánh Tông cùng hoàng hậu đến thăm, người dân Đình Bảng háo hức tìm sản vật quê hương dâng vua. Đôi vợ chồng trẻ trong làng làm bánh dâng vua, nhà vua thưởng thức thấy ngon miệng, bèn đặt tên là bánh phu thê, hay còn gọi “bánh vợ, bánh chồng”.
Từ đó, người dân làng Đình Bảng truyền nhau cách làm bánh phu thê và lưu giữ đến ngày nay. Cặp bánh phu thê được buộc thành cặp bằng lạt điều, biểu tượng cho sự thủy chung, son sắc, thường xuất hiện trong lễ hỏi, tiệc cưới với ý nghĩa cầu chúc cho hạnh phúc vợ chồng bền chặt, thắm thiết.
Trước đây, người dân trong phường thường tổ chức làm bánh vào dịp Tết Nguyên đán và ngày hội Đền Đô để tế lễ hoặc làm quà biếu tặng. Trải qua gần 1.000 năm, Đình Bảng trở thành làng nghề làm bánh phu thê truyền thống, bánh được làm mọi thời điểm trong năm, phục vụ nhu cầu thị trường Bắc Ninh và các tỉnh lân cận, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Tâm, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, một trong những hộ có nhiều đời làm bánh phu thê, quy trình làm bánh phu thê gồm 5 bước cơ bản, chuẩn bị nhân bánh, vỏ bánh, gói bánh, hấp bánh và vào lá, trong đó khâu chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh đóng vai trò quan trọng, quyết định độ dẻo thơm của bánh.
Công đoạn gói bánh phu thê. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN |
Để làm được chiếc bánh thơm ngon, người dân Đình Bảng làm vỏ bánh từ gạo nếp cái hoa vàng, xay thành bột, cô lại để hơn một tuần mới đem ra làm bánh. Sau đó, trộn bột với đu đủ xanh nạo sợi, rửa sạch, vắt nước khô; hương liệu vani, dầu chuối hoặc hương cốm, tùy sở thích của khách hàng, pha cùng nước của quả dành dành được pha trộn theo tỷ lệ nhất định và nhào kỹ.
Nhân bánh được làm từ đỗ xanh đãi sạch vỏ, đồ chín, nghiền nhuyễn với đường trắng theo tỷ lệ, nước cốt dừa và dừa nạo hoặc hạt sen. Nhân bánh được nặn thành từng viên tròn, đặt giữa lớp vỏ bột rồi gói lại bằng lá chuối tây đã được quét lớp dầu ăn mỏng để bánh khỏi dính.
Sau khi gói xong, bánh được hấp chín trong vòng 1 tiếng, rồi vào lá thêm lớp lá dong xanh và buộc thành từng cặp bằng lạt điều. Khi thưởng thức, bánh phu thê có lớp vỏ màu vàng đẹp mắt, trong suốt, nhìn được sợi đu đủ, bánh có độ dẻo vừa của bột nếp, thơm ngọt, béo bùi của đậu xanh, dừa, đường kính, vị giòn của đu đủ.
“Mỗi gia đình có một bí quyết gia truyền để tạo nên hương vị đặc biệt cho bánh. Cùng một nguyên liệu, một công thức làm bánh nhưng đòi hỏi người làm bánh phải cẩn thận, tỉ mẩn trong từng công đoạn để không ảnh hưởng đến chất lượng bánh khi ra lò”, bà Tâm cho biết.
Tương tự, với gần 30 năm kinh nghiệm làm bánh phu thê, cô Nguyễn Thị Thu, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước đây gia đình cô chủ yếu làm bánh kinh doanh vào dịp lễ tết, phục vụ nhu cầu người dân địa phương. Sau khi nhận thấy hiệu quả kinh tế của nghề làm bánh phu thê, nhà cô Thu mở rộng sản xuất kinh doanh, cung cấp bánh cho các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các hộ sản xuất thường làm các loại bánh với mức giá khác nhau, bánh dùng trong lễ cưới hỏi có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/cặp, bánh thường có giá từ 30.000-45.000 đồng/cặp.
Đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình cô Thu cung cấp cho thị trường khoảng 300 đến 500 cặp bánh, dịp cao điểm Tết nguyên đán, hội Đền Đô lên đến 2.000 cặp bánh/ngày, trừ chi phí sản xuất, cô Thu thu lãi khoảng từ 15-20 triệu đồng/tháng.
Bánh phu thê đã được hấp chín. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN |
Cô Thu cho biết, việc sản xuất bánh phu thê hiện nay khác nhiều so với trước đây do sức cạnh tranh lớn, nhu cầu thị trường cao nhưng yêu cầu khắt khe hơn. Bánh ra lò phải đạt 2 tiêu chí cơ bản, hình thức đẹp mắt, chất lượng thơm ngon, dẻo ngọt và đảm bảo tuyệt đối các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Bánh đạt song song 2 tiêu chí mới đạt yêu cầu, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, tạo được niềm tin của đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Lê Tạo Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nghề làm bánh phu thê phường Đình Bảng đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm dưới triều đại nhà Lý. Đến nay, trong phường còn khoảng 300 hộ sản xuất, kinh doanh bánh phu thê, mang lại thu nhập ổn định từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Với hương vị đặc trưng cùng ý nghĩa văn hóa của chiếc bánh phu thê nên du khách trong nước và quốc tế đến Bắc Ninh đều mong muốn được thưởng thức đặc sản phường Đình Bảng hoặc mua về làm quà biếu. Do đó, hiện nay, người dân phường Đình Bảng làm bánh vào tất cả các ngày trong năm, mỗi hội duy trì từ 4-5 lao động sản xuất bánh.
Đối với dịp Tết nguyên đán, những cơ sở sản xuất lớn phải thuê hàng chục lao động làm việc ngày đêm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Công đoạn làm nhân bánh phu thê. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN |
“Đặc biệt, phường Đình Bảng có cụm di tích nhà Lý và khu Đền Đô, hàng thăm thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Các du khách đến đây thường đặt bánh mua về thưởng thức, làm quà nên chính quyền phường Đình Bảng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho người dân, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm bánh phu thê, tạo đầu ra ổn định cho các hộ làm bánh”, ông Lê Tạo Lợi cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng, bên cạnh những thuận lợi mang lại, nghề làm bánh phu thê hiện nay vẫn còn gặp phải một số khó khăn, do bánh được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, không có chất bảo quản nên bánh không để được quá 3 ngày, thời tiết nắng nóng bánh dễ hỏng, trời lạnh bánh dễ cứng nên khó vận chuyển bánh đến các tỉnh khác trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, người làm bánh chủ yếu hiện nay là những người trung niên trong làng, thanh niên chủ yếu làm kinh tế hoặc làm việc tại các khu công nghiệp nên việc truyền nghề gặp nhiều khó khăn.
Để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, chính quyền địa phương phường Đình Bảng thường xuyên vận động người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình làm bánh và tạo điều kiện cho người dân thành lập các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh với quy mô lớn để có thể mang đặc sản của người Kinh Bắc đến khắp nơi trên mọi miền đất nước.
Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt 27 sản phẩm chủ lực theo đề án “Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030 (Chương trình OCOP); trong đó, có sản phẩm bánh phu thê Đình Bảng.
Theo đó, bánh phu thê Đình Bảng sẽ được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Bắc Ninh; xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất bánh phu thê Đình Bảng được hỗ trợ triển khai các hình thức tổ chức sản xuất; huy động nguồn lực tài chính, nguồn vốn để thực hiện, tạo khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị./.
Tác giả: Diệp Trương
Nguồn tin: bnews.vn