Giáo dục

Bài văn định mệnh: Nét bút đỏ làm rách 12 trang giấy

Hôm đó, tôi sợ gần chết vì được thầy Hoành gọi tới nhà. Một mình. Tôi run rẩy đi lên nhà thầy, nghĩ thế giới đang sụp đổ theo từng bước chân đi.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 đang tới gần, Báo điện tử Infonet khởi đăng loạt bài những kỷ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo cũ. Những kỷ niệm đó, những lời căn dặn của thầy cô, chính là bước ngoặt, sự trưởng thành cho không ít cô cậu học trò thời bây giờ. Để giờ đây, khi nhớ lại, trong lòng mỗi người không khỏi rưng rưng xúc động.

Bài văn định mệnh: Nét bút đỏ làm rách 12 trang giấy

Cuộc đời tôi, có hai điều thật đáng tự hào: một là được làm con gái thành Vinh và hai là được làm học trò trường Phan.

Học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Vinh - Nghệ An

Tôi vốn tự thấy tôi chẳng giỏi giang gì, dù thành tích học hành không tồi lắm. Bố tôi vẫn thường nhắc cho tôi nhớ mỗi khi tôi trót đắc thắng: Con á, chỉ cần cù bù dốt nát thôi!

Tôi cũng chẳng thích văn chương tẹo nào, vì viết mãi, bản thân mình đọc lại vẫn chẳng thấy hay ho gì. Cảm giác đó đến với tôi vào ngày đầu tiên đặt chân tới trường Năng khiếu TP Vinh học chuyên Văn, khi tôi viết bài văn chưa được nửa trang giấy, bị cô từ chối cho điểm, còn bạn Lan Oanh viết dài như hai thế kỷ vắt nhau, điểm 8 – thời đó là cao chót vót.

Kinh hãi. Tôi mượn bài bạn đọc, nhìn bạn như người ở hành tinh khác tới, nghĩ bụng: Sao bạn ấy tưởng tượng và viết giỏi như thế? Tôi chưa bao giờ làm được vậy! Hoang mang, tôi đã từng nghĩ đến chuyện về lại trường làng học.

Rồi chắc do cần cù bù lại, nên sự dốt nát của tôi cũng mỏng dần. Với may mắn hy hữu nào đó, tôi có mặt trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia lớp 8. Dạo đó, tôi vẫn chẳng yêu gì văn chương, có lẽ vì tôi chưa thể chinh phục được từng con chữ. Tôi làm bài như trong mộng mị, đôi khi bị định hướng bởi ai đó, bởi phong cách nào đó, khiến tôi thấy mình thật khổ sở khi là nô lệ của ngôn từ.

Cho đến một ngày tôi bỗng nhận thấy mình yêu văn chương biết bao nhiêu. Nhận thấy mình giỏi giang biết bao nhiêu. Tôi bừng tỉnh, tự tin vào mình hơn. Yêu ghét rõ ràng hơn.

Ấy là nhờ cái ngày được đặt chân vào trường Phan học, được thầy Nguyễn Tư Hoành – thầy giáo dạy Văn duy nhất của tôi ở trường Phan, gọi tới nhà, gạch nham nhở trong bài viết của tôi, phê bình chán chê rồi nói: “Tú Anh à, em sinh ra là để học văn. Dù em không thích, dù em chối bỏ, em vẫn phải chấp nhận sự thật đó!”

Những ngày đầu học văn thầy Hoành dạy, tôi vẫn tiếp tục làm bài theo cảm tính. Tôi chỉ biết một bài văn là có mở bài thân bài kết luận. Tôi biết thêm chút xíu nữa là một đoạn văn luôn có nhiều cách triển khai, kiểu tổng hợp – diễn giải – quy nạp… Đại loại thế. Nên văn của tôi lan man, không điểm nhấn; nhận định của tôi nhạt nhòa; cảm xúc giả vờ nhiều hơn là thật.


Được cái ngữ pháp tiếng Việt tôi được đào tạo bài bản và khắc nghiệt ở thời học chuyên Văn Năng khiếu Vinh cấp 2, nên tôi hầu như không bao giờ mắc lỗi chính tả, cú pháp. Tôi biết sử dụng các thủ pháp nghệ thuật khá chuẩn. Câu nghệ thuật cũng biết dùng. Chữ tôi khá bay bướm, rõ nét nên không làm người đọc mất thiện cảm. Vậy thôi.

Nên khi làm xong bài, nộp thầy rồi, tôi vẫn chẳng thể biết mình sẽ được bao nhiêu điểm. Có bài tôi tâm đắc lắm, thì bị thầy chê; có bài tôi lo sợ lắm, lại được thầy khen ngợi. Đó là do tôi không thể nào làm chủ được chính bản thân mình. Tôi không biết thế nào là chuẩn mực của văn chương.

Hôm đó, tôi sợ gần chết vì được thầy Hoành gọi tới nhà. Một mình. Thời chúng tôi, thầy như một vầng hào quang, thầy trò khoảng cách chứ không gần gũi và hòa đồng như bây giờ. Thầy lại khá già, nên chúng tôi né được là né. Tôi run rẩy đi lên nhà thầy, nghĩ thế giới đang sụp đổ theo từng bước chân đi.

Thầy đưa bài viết của tôi ra, đầu tiên rất bực bội. Em viết cái gì thế này? Em có hiểu không? Tại sao chỗ này em xuống dòng, còn chỗ này thì không? Giải thích lý do cho thầy. Tôi tịt. Cuống quýt, tuyệt vọng. Tôi làm sao lý giải được khi chính tôi cũng chẳng hiểu vì sao. Tôi chỉ viết theo cảm tính thôi mà.

Có lẽ nhìn tôi đáng thương quá, chẳng giống cái con bé phá phách nghịch ngợm chuyên đầu têu các trò lếu láo hàng ngày, nên thầy dịu giọng. Lấy hết sức mình, thầy gạch cái bút đỏ làm rách cả 12 trang giấy làm bài của tôi, ngay đúng cái chỗ tôi vô cớ xuống dòng.

Thầy nói: Chỗ này em không xuống dòng được, vì thế này thế này. Chỗ này lẽ ra em phải xuống dòng, vì thế này thế này. Chỗ này em phải dùng từ này thay vì từ này, vì thế này thế này. Chỗ này em phải dùng chuỗi tính từ, vì thế này thế này. Chỗ này em phải chèn một vài thủ pháp vào đây, vì thế này thế này… Tôi như được khai sáng, tự nhủ, ừ nhỉ, đơn giản vậy mà sao mình vẫn bùng nhùng bấy lâu?

Cảm nhận là của em. Câu từ là của em. Bài viết là của em. Hãy làm chủ nó!

Từ khi nhận được những câu cảm thán ít ỏi đó của thầy, tôi đã làm chủ được không chỉ câu chữ, mà manh nha làm chủ được chính cuộc đời mình.

Giờ thì tôi đã lớn. Thầy của tôi đã già đi rất nhiều. Cách đây 5 năm, lớp tôi họp mặt. Giữa bầy học trò chạm ngưỡng 40, phá phách như giặc, thầy tôi âu yếm nhìn, cười, và hạnh phúc.

Tôi ước mong thầy luôn mạnh khỏe. Và yên tâm trên mỗi bước đường chúng tôi đi, luôn có bóng dáng của thầy. Khi nhân cách ảnh hưởng tới nhân cách, thì luôn tuyệt đối như trời đất vậy!

Tác giả: Phạm Tú Anh

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP