Nhiều năm trước, khi đang làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện), bác sĩ Nguyễn Thị Nhã gặp bệnh nhân đặc biệt - chị N.K.N (58 tuổi, Hà Nội) - người lập gia đình mấy chục năm nhưng chưa có con.
Chị N. từng đến khám nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc nhưng không có kết quả. Chồng chị không chịu thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF) vì cho rằng làm theo cách đó thì không phải con mình. Mãi cho đến khi thấy vợ hàng xóm đi làm IVF về sinh một đứa bé giống hệt bố, anh mới thay đổi suy nghĩ, nhưng lúc đó chị đã bước sang tuổi 58.
BSCKI Nguyễn Thị Nhã hiện là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện. |
“Tôi từng hỗ trợ sinh sản cho rất nhiều cặp đôi nhưng với bệnh nhân lớn tuổi như chị N. là ca đầu tiên. Đây là thử thách với người phụ nữ đã ở tuổi mãn kinh”, bác sĩ Nhã nói.
Sau thăm khám, bác sĩ Nhã quyết định làm IVF cho chị N. từ trứng của người hiến tặng và tinh trùng của chồng chị. Ca can thiệp phát sinh nhiều vấn đề nhưng may mắn chị đã đậu thai.
Đến tuần thứ 35, chị N. trở dạ sinh bé trai nặng 2,6 kg khỏe mạnh và người phụ nữ tuổi 58 này đủ sữa cho con bú. “Chị N. trở thành phụ nữ lớn tuổi nhất sinh con đầu lòng ở Việt Nam thời điểm đó, một điều mà ngay cả trong mơ, người phụ nữ đó cũng không dám nghĩ tới”, bác sĩ Nhã nói.
Kể về cơ duyên đưa bản thân đến với nghề, nữ bác sĩ nhớ lại, khi đang là sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội thì vợ chồng người chị gái quyết định ly hôn sau nhiều năm chung sống mà không có con.
Chị gái của bà đi khám nhiều nơi, các bác sĩ đều xác định bị viêm lộ tuyến - bệnh thường gặp của phụ nữ. Lúc ấy như “thói quen” trong nếp nghĩ, hai vợ chồng không thể có con, người ta đều cho rằng nguyên nhân thuộc về phụ nữ.
Sau phiên tòa ly hôn, người phụ nữ ấy không may bị tai nạn giao thông và qua đời. Chồng cũ của chị sau đó lấy vợ cũng không có con. Lúc đó tất cả mới hay, nguyên nhân vô sinh không phải từ phụ nữ.
Quá đau buồn và day dứt về cái chết của chị gái, sau khi ra trường bác sĩ Nhã càng tâm huyết hơn với chuyên ngành sản khoa. Hàng ngày chứng kiến nỗi buồn lo của những phụ nữ không thể làm mẹ, bác sĩ Nhã lúc nào cũng trăn trở: "Tại sao lại có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn như vậy? Bác sĩ sản khoa chẳng lẽ đứng nhìn họ đầu hàng số phận? Phải làm gì để giúp họ được thực hiện thiên chức làm mẹ?...”
Năm 2005, được sự đồng ý của lãnh đạo Bệnh viện Bưu điện, bác sĩ Nhã chủ động đăng ký tham gia học thêm về chuyên ngành hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM; tích cực tham dự các khóa tập huấn, hội thảo chuyên đề ở Pháp, Mỹ.
Sau khi bà đi học về, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Bệnh viện Bưu điện quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh sản.
Khi mới thành lập năm 2013, tỷ lệ số ca thụ thai thành công của Trung tâm mới đạt 30-40%, đến nay, hàng tháng tỷ lệ thành công các ca đạt từ 60 đến 67%, tỷ lệ có thai lâm sàng (có tim thai) đạt từ 52 đến 55% và thai phát triển (có thai trên 12 tuần) là 47 đến 50%.
Các cặp vợ chồng hiếm muộn đã có được con nhờ y học hiện đại. |
Theo bác sĩ Nhã, trong quy trình làm IVF, tất cả các khâu tạo thành vòng tròn khép kín, bất cứ bước nào cũng có thể phát sinh vấn đề đe dọa làm thất bại toàn bộ quá trình. Do đó, với các gia đình hiếm muộn đây là sự thử thách tâm lý rất lớn. Phải đến khi bế con trên tay, bệnh nhân và bác sĩ mới có thể thở phào, tận hưởng trọn vẹn niềm vui.
Nữ bác sĩ tâm niệm, mỗi ca hỗ trợ sinh sản thành công không chỉ là chào đón thêm sinh linh đến với thế giới, mà còn 2 cuộc đời được "viết lại". Có con, tổ ấm sẽ vẹn tròn hơn, các cặp vợ chồng cũng sẽ không còn phải chịu đựng lời ra tiếng vào, hay những dè bỉu ác ý từ xung quanh về việc hiếm muộn, vô sinh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30. Thống kê của Bộ Y tế nước ta cho thấy mỗi năm có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Tình trạng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng, trẻ hóa về độ tuổi và nhiều ca khó. |
Tác giả: NHƯ LOAN
Nguồn tin: vtc.vn