Thời điểm kiểm tra giữa học kỳ I của năm học đã trôi qua, điều đó cho thấy sự mất nhịp và quá trình thực hiện sẽ không đầy đủ trong việc nhận xét và đánh giá học sinh tiểu học, nếu không nói là làm hụt hẫng cho giáo viên và học sinh.
Ảnh Đinh Quang Tuấn
Có thể nói Thông tư 22 đã giao quyền cho giáo viên trong việc theo dõi sự tiến bộ của học sinh và ghi chép khi cần thiết với những học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc trên chuẩn kiến thức, kỹ năng nhằm minh chứng cho việc đánh giá cũng như nhận xét học sinh. Đây là những thông tin, dữ liệu riêng khi giáo viên cần sử dụng trong giảng dạy hay công tác chủ nhiệm.
Xét về nguyên tắc quản lý, các cấp không kiểm tra về những ghi chép mang tính cá nhân này. Tuy vậy, trong những năm thực hiện Thông tư 30, không ít các cấp quản lý luôn kiểm tra ở lĩnh vực riêng tư theo dạng nhật ký của giáo viên. Luôn khắt khe trong việc yêu cầu thực hiện thêm nhiều loại hồ sơ, sổ sách bất chấp sự lặp đi lặp lại về nội dung.
Vì vậy, chúng tôi hy vọng Bộ GD-ĐT lưu ý và tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện hồ sơ, sổ sách theo quy định của Điều lệ trường Tiểu học ở các địa phương. Bộ cần hạn chế những áp đặt riêng khi vận dụng Thông tư 22 về việc thực hiện Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.
Bộ GD-ĐT cũng cần giải thích thuyết phục hơn về những thắc mắc của chúng tôi, tại sao việc kiểm tra định kỳ giữa kỳ không thực hiện ở khối lớp 1, 2, 3 mà chỉ thực hiện đối với lớp 4,5?
Khi giải thích cho giáo viên và phụ huynh về điều này, những người quản lý như chúng tôi chỉ có thể lý giải theo quan điểm chưa đầy đủ rằng việc tổ chức kiểm tra giữa kỳ cho học sinh lớp 4, 5 có tác dụng giúp giáo viên có căn cứ để đánh giá quá trình học tập của học sinh, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong giảng dạy ở mỗi học kỳ.
Việc tăng cường các bài kiểm tra giữa kỳ theo quy định của Thông tư 22, có thể nói đã khắc phục được tình trạng học sinh ít được kiểm tra trên lớp và sự đột ngột thay đổi về cường độ học tập khi vào lớp 6 - một ngưỡng của bậc học mới với nhiều môn học riêng biệt, với khối lượng bài tập khá nhiều, có nhiều loại bài kiểm tra và kiểm tra nhiều lần như kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết...
Chúng tôi hy vọng sẽ được làm sáng tỏ và tường minh hơn cho cán bộ quản lý và giáo viên về những điều chỉnh, sửa đổi nói trên trong đợt tập huấn về Thông tư 22 sắp tới.
Tác giả bài viết: Ngô Xuân Quang (Phòng GD-ĐT Bình Long, Bình Phước)
Nguồn tin: