Giáo dục

Áp lực của giáo viên khi không được phép giao bài tập Tết cho học sinh

Áp lực từ phía phụ huynh và áp lực phải đảm bảo chất lượng giảng dạy đang đổ dồn lên giáo viên khi nhiều trường ngăn cấm giao bài tập Tết cho học sinh.

Áp lực từ phía phụ huynh

Theo chia sẻ của cô N.M. L (giáo viên môn văn một trường cấp 1 tại Hà Nội), việc giao bài tập Tết thời nay áp lực không phải vì sự vất vả, mà áp lực nhiều khi đến từ cách ứng xử của phụ huynh.

"Phụ huynh đề nghị không giao bài nhưng nếu chất lượng học tập của học sinh thấp, giáo viên sẽ bị đánh giá, chứ tuyệt nhiên không bao giờ thấy nhắc đến lỗi của trẻ hay bố mẹ.

Tôi nghĩ thầy cô hiện nay đang áp lực bởi việc học sinh có thành tích thế nào hơn là việc học sinh hiểu được gì.

Bởi vấn đề là một số phụ huynh không quan tâm con họ hiểu được gì, hay nhớ được gì mà chỉ quan tâm là sao con họ không đạt được điểm 10 như các bạn khác", cô L. tâm sự.

Giáo viên chia sẻ phụ huynh muốn con giỏi và nắm kiến thức cần luyện tập thực hành nhiều. (Ảnh minh họa: Mai Châm)

Cô L. giải thích thêm với số lượng học sinh một lớp khoảng 40-50 em thì giáo viên không thể đảm bảo lượng kiến thức từng học sinh tiếp thu là đồng đều được.

Vậy nên việc giao bài về là cơ hội để phụ huynh cùng con ôn luyện, vừa để củng cố kiến thức cho con, vừa là cơ hội để bố mẹ theo sát, nắm bắt và hỗ trợ con.

Theo cô L., giáo viên giao bài về nhà cho học sinh hiện nay là đang "giao lén" nhà trường, cho nên cô L. bày tỏ phụ huynh nên thông cảm cho giáo viên.

Đồng tình với cô L., cô V.T. (giáo viên môn tiếng Anh một trường cấp 2 tại Nghệ An) cho biết nếu phụ huynh muốn con học giỏi nhưng không dành thời gian "dùi mài kinh sử" thì việc này là điều không thể.

Bởi việc học ở trên trường không đủ thời gian để cho học sinh có thể tiếp thu và luyện tập nhuần nhuyễn kiến thức học ngay được.

Vì vậy, giáo viên phải thiết kế và đảm bảo được khối lượng và chất lượng bài vở mà học sinh thu nhận được phải đủ và kỹ dựa theo lộ trình kiến thức mới.

Cô T. nhấn mạnh nội dung của bài tập Tết giao cho học sinh chủ yếu nằm trong chương trình cơ bản chỉ giúp học sinh rèn luyện và không xao nhãng kiến thức.

Phụ huynh có thể yêu cầu nhà trường không giao bài tập, nhưng đồng thời với đó thì phụ huynh cũng chấp nhận là con sẽ quên một lượng kiến thức, cần vài tuần sau Tết để cân bằng lại.

"Khi yêu cầu một thứ này, thì phải hy sinh một thứ khác. Nếu cả phía gia đình và giáo viên có chung tiếng nói, lập ra bài tập phù hợp với tiềm năng hiện tại của mỗi học sinh, thì kỳ nghỉ sẽ có giá trị hơn và có lẽ sẽ tránh được nhiều tranh cãi", cô T. nêu quan điểm.

Áp lực về chất lượng giảng dạy

Trước hai quan điểm nên và không nên giao bài tập Tết, thầy T.S (giáo viên môn toán một trường cấp 2 tại TP. HCM) cho rằng giáo viên vẫn nên giao bài tập Tết đúng với tinh thần "văn ôn võ luyện".

Đặc biệt là đối với học sinh bước vào giai đoạn chuyển cấp cần duy trì một chế độ học tập đều đặn để tham gia các kỳ thi quan trọng.

Lịch kiểm tra giữa học kỳ thường đến vài tuần sau Tết là nguyên nhân khiến thầy cô lo lắng về việc học sinh hổng kiến thức. (Ảnh minh họa: M. Hà)

"Nhà trường không cho giao bài tập về nhà cho học sinh, nhưng thực tế, theo tôi chương trình giáo khoa mới hiện nay, học sinh cần thời gian thích nghi và tiếp thu.

Vì vậy, nếu giáo viên không giao bài về nhà làm thêm thì học sinh không đủ thực lực để hoàn thành bài kiểm tra đánh giá năng lực", thầy S. nói.

Giải thích thêm, thầy S. nói khi bắt nhịp việc học sau Tết, học sinh sẽ mệt mỏi nhiều hơn vì phải ôn lại kiến thức cũ đồng thời tiếp nhận kiến thức mới.

"Giáo viên giao bài để lúc nào rảnh thì làm để học sinh không quên bài , nhiều em ham chơi nghỉ lâu đến khi đi học lại quên hết bài thầy cô dạy, ôn lại rất cực.

Như thế vừa tội giáo viên, tội học sinh. Trường tư ít học sinh giáo viên kèm cặp còn chưa đủ, giáo viên dạy ở trường công như tôi dạy một lớp 40-50 em trong tiết học 45 phút.

Bao nhiêu cũng không đủ nên đành phải giao bài tập về để kiểm soát mức độ tiếp thu của học sinh và xem lại năng lực giảng dạy của mình", thầy S. chia sẻ.

Thầy S. cũng bày tỏ quan điểm rằng, mỗi giáo viên cũng có cách truyền đạt riêng và mỗi học sinh cũng có mức độ nhận thức khác nhau nên thực chất không có một mẫu số chung nào cho câu chuyện giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết nguyên đán.

Quan trọng là phụ thuộc vào năng lực học tập của học sinh, nguyện vọng của phụ huynh và lộ trình giảng dạy của giáo viên.

Tác giả: Nhung Nhung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP