Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
So với Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN), Thông tư 14/2021/TT-NHNN có một số sửa đổi quan trọng.
Ngân hàng Nhà nước chính thức gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng. |
Theo đó, Thông tư 14 cho phép tổ chức tín dụng tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Trong khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước 10/6/2020.
Thông tư mới đã mở rộng đối tượng được cơ cấu nợ tới cả các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid 19 đợt 4 mà Thông tư 03 chưa bao phủ tới.
Đồng thời, Thông tư mới cũng cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30/06/2022, tức là kéo dài thêm nửa năm so với trước đó.
Cùng với cơ cấu nợ, Thông tư 14 cũng cho phép tổ chức tín dụng miễn giảm phí cho khách hàng đến 30/6/2022.
So với Thông tư 03, Thông tư 14 còn bổ sung thêm khoản d, Điều 4. Theo đó, tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8 và quá hạn từ ngày 17/7 đến trước ngày 7/9 năm nay.
Quy định trên mở đường cho tổ chức tín dụng cơ cấu nợ cho cả khách hàng có khả năng trả nợ nhưng lại không thể đến ngân hàng trả nợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc bổ sung quy định này, theo các tổ chức tín dụng là rất cần thiết.
Trước đó, theo đề nghị của Hiệp hội Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng trong vùng phong tỏa hoãn trả nợ. Bởi có nhiều trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng không thể ký được giấy đề nghị cơ cấu và (hoặc) không thể nộp tiền thanh toán nợ do đang bị cách ly (theo diện F1, F2) hoặc không được di chuyển ra khỏi địa phương theo quy định của pháp luật do không phải là nhu cầu thiết yếu, cấp bách hoặc thậm chí khách hàng đang điều trị bệnh ở bệnh viện.
Tác giả: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Dân trí