Cặp tỷ phú USD mới
Thương vụ đăng ký mua số cổ phần trị giá cả tỷ USD diễn ra trước thời điểm Ngân hàng Techcombank lên sàn của nhóm người nhà ông Hồ Hùng Anh đã giúp giới đầu tư nhận rõ hơn tài sản của một đại gia Việt kín tiếng sắp gia nhập danh sách các tỷ phú USD trên thế giới.
Nếu không có gì thay đổi, sau thương vụ lịch sử này, đây sẽ là gia đình giàu nhất trong giới ngân hàng. Nhà đại gia gốc “Đông Âu” sẽ có khối tài sản là cổ phiếu Techcombank quy ra tiền trị giá suýt soát tỷ USD.
Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu 13,1 triệu cổ phiếu Techcombank. Vợ con và mẹ ông Hùng Anh nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu TCB. Nhà ông Hồ Hùng Anh sẽ nắm tổng cộng 159,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương gần 14% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Đăng Quang (trái) và ông Hồ Hùng Anh (phải) |
Với mức giá dự kiến chào bán cổ phiếu với giá 120.000-128.000 đồng/cp, gia đình nhà ông Hồ Hùng Anh có thể sẽ sở hữu số cổ phần trị giá lên tới gần 20,4 ngàn tỷ đồng, nhiều gấp đôi tài sản nhà ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch HĐQT VPBank.
Trước đó, vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang cũng chứng kiến túi tiền phình nở nhanh chóng theo sự sôi động của thị trường chứng khoán (TTCK) và có khối tài sản còn lớn hơn cả tỷ phú USD Việt được Forbes ghi danh gần đây.
Cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tăng mạnh và chính thức gia nhập câu lạc bộ thị giá 100.000 đồng.
Chủ tịch của Tập đoàn Masan cũng như nhiều doanh nghiệp khác không đứng trực tiếp sở hữu cổ phiếu và không có những xác nhận cụ thể. Cho nên, Forbes đã không thực hiện được việc xếp hạng.
Nhưng trước đó, ông Nguyễn Đăng Quang được Bloomberg nêu tên với tư cách tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau ông Phạm Nhật Vượng Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo VietJet.
Theo Danh sách giàu những người nhất thế giới năm 2018 của Forbes, công bố ngày 6/3, Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD là ông Trần Đình Long có khối tài sản 1,3 tỷ USD và ông Trần Bá Dương ước tính tài sản khoảng 1,8 tỷ USD, bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet.
|
Đại gia kín tiếng: Nắm tay nhau thành tỷ phú
Mặc dù rất giàu có và làm ăn thành công nhưng cả 2 đại gia Hồ Hùng Anh (sinh năm 1970) và Nguyễn Đăng Quang (1963) đều rất kín tiếng và đều phất lên từ 2 đơn vị là Techcombank và Tập đoàn Masan có mối quan hệ rất gần gũi.
Theo số liệu trên sàn chứng khoán, là chủ tịch nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu của tập đoàn này. Tuy nhiên, thông qua CTCP Masan (cùng với Công ty TNHH MTV Tư vấn Xây dựng Hoa Hướng Dương) - doanh nghiệp đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 50% cổ phần của Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang được xem là cổ đông chính của MSN và có khối tài sản nói trên.
Ông Nguyễn Đăng Quang là người đại diện pháp lý của CTCP Masan. Cổ đông chính của CTCP Masan đều là những lãnh đạo chủ chốt của Masan như ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh.
Masan Group hiện là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt với vốn hóa 100 ngàn tỷ đồng. Tập đoàn này hiện đang kinh doanh các lĩnh vực Thức ăn chăn nuôi (Proconco, Anco), hàng tiêu dùng (Omachi, Chinsu, Vinacafe... ), khoáng sản (mỏ núi Pháo), ngân hàng (Techcombank)...
Ông Quang khởi nghiệp từ những năm 90, sau thời gian dài học tập và công tác tại Nga. Năm 2001, ông Quang chuyển toàn bộ nhà máy về Việt Nam và xây dựng Masan. Masan cũng sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank).
|
Ông Hồ Hùng Anh cũng rất kín tiếng và nổi lên từ Techcombank. Gần đây, ông Hùng Anh từ nhiệm sau 10 năm “ngồi ghế” Phó chủ tịch Masan để dồn toàn lực vào Techcombank.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, là kỹ sư điện tại Đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Năm 2004, ông Hùng Anh được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch CTCP Đầu Tư Masan, từ tháng 12/2008 là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan và giữ chức Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông giữ vị trí Phó chủ tịch CTCP Tập đoàn Masan cho đến nay.
Ngoài ra, ông gia nhập Techcombank năm 2004 và được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Techcombank từ năm 2008.
Năm 2013, ông Hồ Hùng Anh lọt top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán với việc sở hữu gần 15,8 triệu cổ phiếu MSN. Năm 2014, ông chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu này và hiện không còn nắm giữ cổ phần nào tại Tập đoàn Masan.
Cũng trong năm 2013, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ ông Nguyễn Đăng Quang - đã mua thêm gần 3,8 triệu cổ phần để lần đầu tiên có mặt trong danh sách, giữ vị trí thứ 40, trong tổng cộng 16 triệu cổ phiếu đã đăng ký mua trước đó.
Theo báo cáo quản trị 2013 của Techcombank, ông Hồ Hùng Anh nắm hơn 11,93 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1,34% vốn Techcombank. Vợ ông Hùng Anh là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nắm gần 27,69 triệu cổ phiếu Techcombank, tương đương gần 3,12% vốn.
Cũng theo báo cáo 2013, 2 thành viên khác trong gia đình ông Hùng Anh là ông Hồ Anh Ngọc, em trai ông Hùng Anh, nắm giữ hơn 8,88 triệu cổ phiếu Techcombank. Tổng cộng nhà ông Hùng Anh nắm gần 48,59 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 5,47% vốn Techcombank.
Tuy ông Hồ Hùng Anh không giữ nắm cổ phiếu MSN nhưng vợ và em dâu ông Hùng Anh nắm lần lượt 5,7 triệu (chiếm 0,54%) và 6,8 triệu cổ phiếu (0,64% số cổ phiếu đang lưu hành) Masan.
Tác giả: H. Tú
Nguồn tin: Báo VietNamNet