Pháp luật

"Ác mộng" tín dụng đen

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Nghệ An cho thấy, từ năm 2012 - 2015, toàn tỉnh xảy ra 154 vụ vỡ nợ, vỡ phường hụi; có 14 huyện, thành, thị liên quan đến "tín dụng đen" với số tiền thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Mặc dù đã được cảnh bảo, tuy nhiên, tình trạng vỡ nợ liên quan đến "tín dụng đen" tại Nghệ An vẫn liên tiếp diễn ra trong năm 2016 và nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Cho đến nay, người dân thị trấn Con Cuông vẫn chưa hết xôn xao về vụ vỡ nợ liên quan đến đối tượng Nguyễn Thị Thảo. Gần 490 nạn nhân đã bị đối tượng Thảo lừa đảo với tổng số tài sản gần 40 tỷ đồng. Điều đáng nói là vì sao, hoạt động huy động vốn của đối tượng Thảo trải dài trên một địa bàn rộng từ Đô Lương lên đến Con Cuông và diễn ra từ năm 2009 đến cuối năm 2016 mới bị phát hiện?
1images1349769 2017 03 01 163647
Núp dưới bóng một doanh nghiệp...
2images1349770 2017 03 01 163733
.. đối tượng Nguyễn Thị Thảo hoạt động trên phương thức huy động tiền của người dân mà thực chất là lấy của người trước trả cho người sau, rồi chiếm đoạt và tuyên bố vỡ nợ

Theo Thượng tá Nguyễn Hải Đăng - Trưởng Công an huyện Con Cuông: Tinh vi ở đây là núp dưới bóng một doanh nghiệp, hoạt động trên phương thức huy động tiền của người dân về không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Lấy của người trước, trả cho người sau rồi chiếm đoạt của người dân và tuyên bố vỡ nợ. Hình thức huy động là lũy kế tăng dần.
3images1349771 2017 03 01 163613
Gần 490 người trở thành nạn nhân của "Doanh nhân" Nguyễn Thị Thảo

Đánh vào niềm tin của người dân bằng sự sòng phẳng, cộng với trả lãi suất cao hơn so với các hình thức huy động hợp pháp khác, là cách mà các đối tượng huy động tín dụng đen áp dụng. Cho nên, chỉ sau 7 tháng, tính từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2016, Thảo đã huy động được trên 23 tỷ đồng của người dân ở các địa phương. Thượng tá Nguyễn Hải Đăng - Trưởng Công an huyện Con Cuông cho rằng: Người ta thấy ở ngân hàng lãi suất thấp, ở ngoài thì lãi suất cao. Thanh toán ở ngoài thì dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Trên cơ sở đó người dân lại cứ đi theo. Không biết được ẩn ý bên trong của người ta là gì.

Ông Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An khẳng đinh: Hiện nay, cơ chế thị trường không thể có ai làm cái gì mà lãi suất như vậy mà có lãi được. Trong lúc nhà nước, một số doanh nghiệp có tầm cỡ không giám cho vay với lãi suất đó. Họ vay như vậy, sớm muộn kết cục cũng chỉ có vỡ hụi.

4images1324964 2016 10 31 185502
Chủ hụi Trần Thị Soa đã làm hơn 300 tiểu thương chợ Diễn Thành (huyện Diễn Châu) khốn đốn tại cơ quan công an

Đối tượng hoạt động tín dụng đen thường hướng đến là người nhẹ dạ cả tin, phần lớn là bà con nông dân, phụ nữ, người già; thậm chí là những người có mối quan hệ họ hàng thân thích.

Như vậy, có thể thấy bản chất của việc thu gom phường, hụi hay huy động tín dụng đen đều mang tính chất tự phát, quá trình giao dịch là thỏa thuận dân sự. Nó chỉ được phát hiện khi đối tượng huy động vốn không có khả năng chi trả dẫn đến vỡ nợ. Theo Thượng tá Trần Văn Khang - Phó trưởng Công an huyện Diễn Châu: Các chế tài quy phạm pháp luật củng chúng ta hiện nay về xử lý các hành vi này đang còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Do đó là đối tượng thì dễ lợi dụng, các cơ quan chức năng thì khó vận dụng để xử lý.

163 tỷ đồng của 4 vụ vỡ nợ, vỡ phường hụi tại các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu và Con Cuông là thiệt hại sơ bộ trong năm 2016. Và đây chưa phải là những thiệt hại cuối cùng của người dân liên quan đến tín dụng đen tại Nghệ An trong năm vừa qua. Trước khi có các chế tài, quy định hoàn chỉnh của nhà nước, chính người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh rơi vào cạm bẫy tín dụng đen để phải chịu cảnh tan gia, bại sản và nhiều hệ lụy không đáng có khác.

Tác giả bài viết: Thái Dương - Hồng Phong

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP