Xã hội

Vụ "còng lưng gánh quỹ" ở Nghệ An: Bí thư Tỉnh ủy lên tiếng

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đã chỉ đạo UBND huyện Nghi Lộc kiểm tra làm rõ các phản ánh của người dân Nghi Thái về việc phải "còng lưng gánh quỹ".

ongvinh 1471673879826 4 0 340 660 crop 1471673957398
Ông Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Ngày nay.

Theo phản ánh, mỗi năm, người dân ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An) phải đóng hơn 20 khoản phí và quỹ khác nhau và dù là trẻ nhỏ, hộ nghèo hay người tàn tật đều phải đóng quỹ không trừ một ai.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, vào trưa 20/8, ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, ông đã nắm được thông tin phản ánh của báo Trí Thức Trẻ về việc người dân phải "còng lưng gánh quỹ".

Theo ông Vinh, ngay sau khi nắm được thông tin, ông đã chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc kiểm tra, làm rõ các phản ánh của người dân ở xã Nghi Thái.

"Ở đây, việc thu ở xã có vấn đề. Hiện tôi đã chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc kiểm tra lại tổng thể việc thu này. Việc xã thu sai thì sẽ phải xử lý", ông Vinh nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng cảm ơn báo Trí Thức Trẻ đã phản ánh đúng, chính xác vấn đề và khẳng định, sẽ xử lý kiên quyết, chấn chỉnh lại việc thu phí này.

Ông cũng mong muốn, báo chí tiếp tục có những phản ánh chính xác các vấn đề mà người dân quan tâm, bức xúc để lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo kịp thời.

moi41 1470941221485 1471673718180
Bảng thu các khoản đóng góp được gửi tới gia đình một người dân ở Nghi Thái.

Trước đó, theo phản ánh, tại xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An), nhiều năm qua người dân nơi đây được chính quyền xã phát cho 1 cuốn sổ "theo dõi công dân". Trong sổ này ghi danh sách nhân khẩu từng hộ để theo dõi việc đóng các loại quỹ, phí của xã và xóm.

Nếu hộ nào đóng đầy đủ các khoản sẽ được "phê" vào sổ là "đã hoàn thành các khoản đóng góp trong năm".

Nếu hộ nào chưa hoàn thành sẽ bị ghi không hoàn thành và muốn lên xã giao dịch một số giấy tờ sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí, còn bị nhắc trên loa phóng thanh của xóm.

Các khoản phí mà người dân phải đóng lên tới hơn 20 khoản và ngay cả người già hơn 80 tuổi, trẻ nhỏ, người tàn tật, ốm đau nặng... cũng không thoát được khỏi việc đóng phí.

Nhiều hộ dân hàng năm đóng góp không đủ thì lại phải gánh nợ của các năm trước, có hộ số tiền phải đóng, cộng cả nợ cũ lên tới gần 10 triệu đồng.

Tác giả bài viết: Hoàng Đan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP