►Nhân chứng kể lại cú va chạm "không tưởng" chặn chiếc xe khách mất phanh
►Tài xế cứu xe khách được tặng Huân chương dũng cảm
►Người dìu xe khách: Từ bốc vác thuê đến tài xế 'siêu nhân'
►Người hùng trên đèo Bảo Lộc: Cứu người là việc phải làm thôi!
►Tài xế dìu xe khách vừa nhận tin vui với vợ trẻ
►Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư khen lái xe Phan Văn Bắc
►Tài xế Phan Văn Bắc anh dũng 'dìu' xe khách lao đèo: Quyết định giản dị cứu hàng triệu trái tim
►Tài xế xe tải dìu ôtô mất phanh xuống 500 m đèo như thế nào
►Tài xế dìu xe khách mất phanh được đề nghị tặng thưởng Huân chương Dũng cảm
►Ngoài tài xế Bắc, còn có 1 người đã "cứu" xe khách
►Bộ trưởng Bộ GTVT gửi thư khen ngợi ‘người hùng cứu xe khách’
►Gặp người hùng chặn xe khách mất phanh khi lao xuống đèo
►Tài xế cứu xe khách mất phanh được nhận giải 'Vô lăng vàng'
►Xe tải cứu xe khách mất thắng không đâm xuống vực
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGT) - chia sẻ với PV Dân trí về tấm gương tài xế Phan Văn Bắc với quyết định chặn xe khách mất phanh chở 30 người khỏi tai nạn thảm khốc hôm 6/9 vừa qua.
Quyết định của con người với con người!
- Hành động chặn xe khách chở 30 người bị mất phanh khi đang đổ đèo của tài xế Phan Văn Bắc đang được xem là một “hiện tượng” về hình ảnh ngành GTVT Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ lái xe. Ông nhìn nhận như thế nào về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng lái xe và trách nhiệm công dân của tài xế Phan Văn Bắc?
- Trong cuộc đời của người lái xe, không ai mong muốn mình rơi vào hoàn cảnh như anh Phan Văn Bắc, nhưng với vụ việc này hành động của anh Bắc là rất hi hữu, là hiếm gặp trên thế giới. Mặc dù anh Bắc nói rằng ai cũng có thể hành động như vậy, nhưng để đưa ra được một quyết định dũng cảm thì phải hội tụ nhiều yếu tố.
Hình ảnh và hành động đẹp của tài xế Phan Văn Bắc tạo nguồn cảm hứng mới đối với đội ngũ lái xe (ảnh: Báo Giao thông)
Anh Bắc có sợ không khi quyết định? Tôi cho rằng có sợ. Sợ quyết định của mình không thành công, sợ bị liên lụy tới vụ việc, sợ bị thiệt thòi, sợ cả cái chết nữa. Nhưng anh Bắc vẫn quyết định chặn cứu 30 người trên xe khách mất phanh. Đây là một trường hợp rất đặc biệt và hi hữu, ngoài tài năng lái xe giỏi của anh Bắc và lái xe khách thì có cả sự may mắn, may mắn thực sự.
Đó là một quyết định nhân văn, quyết định của lương tâm con người với con người. Bản thân tôi và những người làm công tác ATGT, chúng tôi cảm ơn hành động của anh Phan Văn Bắc!
- Ở góc độ chuyên môn, người lái xe phải có kỹ năng và kỹ thuật đạt chuẩn như thế nào thì mới có thể xử lý được như anh Bắc trong tình huống nguy hiểm vừa xảy ra, thưa ông?
- Nếu là lái xe có kinh nghiệm thì ai cũng có kỹ năng tốt và có thể xử lý được như anh Bắc, chỉ có điều quan trọng nhất là ai dám ra quyết định hành động như anh Bắc và tự tin quyết định hành động thành công.
Hành động của anh Bắc thể hiện kỹ năng lái xe, phản ứng của anh Bắc rất chuyên nghiệp khi xi nhan ra hiệu cho tài xế xe khách rồi dùng đuôi xe của mình để “đón” đầu xe khách, điều khiển được xe của mình đồng tốc với chiếc xe khách mất phanh. Nếu không đồng tốc thì vô cùng nguy hiểm khi dẫn tới đổ, lật xe khách, thậm chí là cả 2 xe và anh Bắc đều xảy ra tai nạn thảm khốc.
- Ngồi cùng trên chiếc xe tải với anh Bắc có một phụ nữ là chủ hàng và phụ xe, họ đã cùng quyết định với anh Bắc và chấp nhận rủi ro nếu mọi việc không thành công. Ông thấy sự chung tay góp sức này như thế nào?
- Tôi tin tưởng chị chủ hàng và phụ xe đã thực sự đồng lòng và ủng hộ quyết định của anh Bắc, cho dù họ cũng cảm nhận được rằng mình cũng có thể gặp nguy hiểm.
Nguồn cảm hứng mới mang tên Phan Văn Bắc
- Trên thực tế, không phải lái xe nào cũng được gọi là bác tài, mà nhiều tài xế đã bị gọi là "hung thần". Lí do bởi những tiêu cực, những hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận lái xe đã gây bức xúc trong xã hội. Ông nghĩ gì về điều này?
- Hãy thử tưởng tượng rằng nếu không có những người lái xe thì chúng ta đi lại như thế nào? Đời sống sinh hoạt hàng ngày sẽ ra sao? Không có đội ngũ lái xe thì mọi hoạt động xã hội kết nối kiểu gì? Chúng ta nên cảm ơn họ mới đúng, phải thấy họ là những người quan trọng đối với mình.
Có những người lái xe chưa tốt, có những lái xe mà hành động của họ rất mất an toàn, thậm chí gây ra tai nạn giao thông và cố tình gây mất trật tự an toàn giao thông. Nhưng đó là chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh” và ngành nghề nào cũng có chứ không riêng nghề lái xe. Giáo viên, bác sĩ hay lực lượng bảo vệ pháp luật cũng đều có người tốt và không tốt.
Tôi rất thích câu trả lời của anh Phan Văn Bắc sau sự việc này, đó là: “Tôi tin rằng tài xế nào cũng sẽ làm như tôi!”. Cá nhân tôi và Ủy ban ATGT Quốc gia cũng có niềm tin rất lớn vào tính chuyên nghiệp và đạo đức của đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải, bởi nếu họ không tốt thì tai nạn giao thông không giảm được như hiện nay.
- Ông có nghĩ rằng hành động của anh Phan Văn Bắc sẽ tạo nguồn cảm hứng mới cho đội ngũ lái xe, để những người tài xế chưa tốt trở thành tài xế tốt?
- Đúng như vậy, hành động cao đẹp của anh Phan Văn Bắc sẽ tạo ra nguồn cảm hứng mới cho đội ngũ lái xe. Tôi cho rằng, nghề lái xe là nghề đặc biệt quan trọng đối với xã hội, vì vậy xã hội cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá công bằng với nghề lái xe.
Khi tôi chia sẻ những thông tin và hình ảnh anh Phan Văn Bắc lên trang cá nhân của tôi, đã có rất nhiều phản hồi của lái xe, tôi nhìn thấy tình cảm của họ dành cho nhau bằng những từ ngữ rất đơn giản và mộc mạc, rằng: “Chúng tôi là những người lái xe”, “Đấy, lái xe là thế”... Họ bày tỏ niềm tự hào về đồng nghiệp và nghề nghiệp của mình, họ cảm ơn anh Bắc, họ thấy anh Bắc là người đại diện xứng đáng và họ thấy có mình trong hình ảnh của anh Phan Văn Bắc.
Nếu chúng ta tin tưởng và yêu quý những người lái xe, tôn vinh họ xứng đáng như những nghề nghiệp khác trong xã hội thì đó sẽ là động lực giúp họ vững tay lái, thêm yêu và tự hào hơn với nghề nghiệp của mình. Họ thấy vị trí xã hội của họ khác hơn trong cuộc sống, vợ con của họ sẽ hạnh diện hơn và khi đó họ sẽ có trách nhiệm hơn với niềm tin mà xã hội dành cho họ.
- Với vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ về ATGT, sau việc này Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ những định hướng như thế nào với các chương trình lái xe an toàn và hoạt động vận tải?
- Các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe một cách chặt chẽ. Việc đào tào không chỉ là dạy về luật và các quy định mà cần phải có những tình huống cho lái xe về mặt kỹ năng, trình tự để ra một quyết định cụ thể, phải có những thông điệp và tạo niềm tin để cho người lái xe tự hào về nghề nghiệp của mình, để họ vững vàng cầm vô lăng.
Chúng tôi sẽ tổ chức các khóa tập huấn cho lái xe kinh doanh vận tải, bên cạnh việc bổ sung các kỹ năng cho lái xe thì cũng cùng giải quyết những tình huống thực tế gặp ở trên đường. Hoạt động tập huấn là nơi để lái xe và doanh nghiệp cùng bày tỏ, chia sẻ về nghề nghiệp, để người lái xe biết họ quan trọng như thế nào và họ sẽ có trách nhiệm, có niềm tin với công việc của mình. Bên cạnh đó, cần phát triển tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lái xe.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Châu Như Quỳnh (thực hiện)