Theo đó, vào tháng 8/2013, sau khi quen biết nhau, ông Nguyễn Xuân Linh được vợ chồng bà Tống Thị Lan, ông Phạm Ngọc Sáng tuyển dụng vào làm việc cho Cty TNHH Ngọc Sáng tại bản Na Nịt, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Tại đây ông Linh được giao nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, dàn xếp các khoản nợ với chủ nợ, bảo vệ tài sản và sự an toàn cho ông Sáng, bà Lan. Ngoài ra, ông Linh còn là người đứng ra huy động vốn cho vợ chồng bà Lan, ông Sáng kinh doanh làm ăn. Hiện, ông Linh còn giữ hai tờ giấy cho bà Tống Thị Lan vay với số tiền 3,7 tỷ đồng.
Giấy vay nợ do bà Tống Thị Lan ký.
Ngày 09.01.2015, Nguyễn Xuân Linh rủ Phạm Thành, Trương Văn Dũng, Nguyễn Mây Hồng, Lê Văn Thỏa đến Công ty Ngọc Sáng để đòi nợ. Sáng 10.02.2015 Nguyễn Mây Hồng rủ thêm Nguyễn Nam Ninh đến mỏ quặng.
Biết được vào ngày 12.02.2015, vợ chồng ông Sáng, bà Lan sẽ đem lương đến để trả cho công nhân nên ngày 10.02.2015, Linh cũng có mặt tại đây. Tối hôm đó, Linh nói với Phạm Thành, Trương Văn Dũng, Nguyễn Mây Hồng, Lê Văn Thỏa, Nguyễn Nam Ninh là: “bà Lan lên trả lương cho công nhân kiểu gì cũng có tiền, phải lấy bằng được tiền mới về”.
Trước khi đi đòi tiền, ông Linh đã đến các cơ quan chức năng để trình báo việc đi đòi nợ ở Công ty Ngọc Sáng. Sự việc này được ông Đặng Văn Hiếu, phó trưởng Công an huyện Quế Phong; ông Lương Văn Tỵ, trưởng Công an xã Tri Lễ và Thiếu tá Nguyễn Nam Thái, phó trưởng đồn Biên phòng Tri Lễ xác nhận, ký tên và đóng dấu.
Các cơ quan chức năng xác nhận việc ông Linh có báo cáo trước khi đi đòi nợ
Bị bắt và kết tội “cướp tài sản”
Khoảng 13h ngày 12.02.2015, thấy bà Lan, ông Sáng đến Công ty, Nguyễn Xuân Linh cùng với Phạm Thành, Trương Văn Dũng, Nguyễn Mây Hồng, Lê Văn Thỏa, Nguyễn Nam Ninh theo vào yêu cầu bà Lan trả lại số tiền mà bà Lan đang nợ. Bà Lan và ông Sáng không chấp nhận trả nên hai bên lời qua tiếng lại rồi xẩy ra cãi cọ, xô xát. Ông Bùi Minh Châu là nhân viên Công ty vào can ngăn thì bị một số người xông vào đánh. Ngay lúc đó, tổ công tác C45-Bộ Công an ập vào bắt giữ Linh cùng 5 người cùng đi.
Cáo trạng số 34/VKSTC-V2 ngày 19.11.2015 của Viện KSND tối cao do bà Lê Thị Tuyết Hoa ký, đã kết luận như sau: “Trong khoảng thời gian từ ngày 09.01.2015 đến ngày 12.02.2015, Nguyễn Xuân Linh, Phạm Thành, Nguyễn Mây Hồng, Trương Văn Dũng, Lê Văn Thỏa, Nguyễn Nam Ninh đã mang dao đến mỏ quặng của Công ty Ngọc Sáng chờ bà Tống Thị Lan, ông Phạm Ngọc Sáng đến với mục đích đòi tiền mà bà Lan đang nợ.
Khoảng 13h ngày 12.02.2015, khi bà Lan, ông Sáng mang tiền đến trả lương cho công nhân thì Nguyễn Xuân Linh cùng đồng phạm đã đến phòng làm việc của bà Lan, ông Sáng, đe dọa đánh bà Lan, ông Sáng, chém ông Bùi Minh Châu bị thương tích 1% để buộc bà Lan, ông Sáng phải trả tiền.
Trong khi đang thực hiện hành vi thì bị bắt quả tang. Hành vi của Nguyễn Xuân Linh, Phạm Thành, Nguyễn Mây Hồng, Trương Văn Dũng, Lê Văn Thỏa, Nguyễn Nam Ninh nêu trên đã phạm tội Cướp tài sản”.
Cáo trạng kết luận trong khi dùng vũ lực để uy hiếp bà Lan, ông Sáng đưa tiền, Linh và đồng phạm không biết bà Lan – ông Sáng có bao nhiêu tiền, đây là trường hợp “phạm tội chưa đạt”. Cáo trạng cũng cho biết ông Linh không thừa nhận hành vi “cướp”, mà ông khẳng định ông đi đòi nợ bà Lan.
Kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao số 34/VKSTC-V2, ngày 19 tháng 11 năm 2015 do bà Lê Thị Tuyết Hoa ký.
Theo thông tin từ Viện KSND tỉnh Nghệ An thì hồ sơ vụ án đã được trả lại để yêu cầu bổ sung. Thẩm phán TAND tỉnh Nghệ An, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo cũng cho biết phiên tòa đã hoãn xử một lần, sắp tớ sẽ đưa ra xét xử lại.
Luận tội khiên cưỡng? Việc ông Nguyễn Xuân Linh cùng nhóm người đến Công ty Ngọc Sáng “với mục đích đòi tiền mà bà Lan đang nợ”, để “buộc bà Lan, ông Sáng phải trả tiền” có giấy vay mượn hẳn hoi, có trình báo với các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương, nhưng lại bị kết tội “Cướp tài sản”, liệu căn cứ buộc tội đã vững chắc? Về bản chất, “cướp” hoàn toàn khác với “đòi nợ”. Từ góc độ khoa học pháp lý, “cướp” là hành vi được tổ chức bí mật, bất ngờ, dùng bạo lực, tốc độ, sức mạnh để chiếm đoạt tài sản, cướp quyền sở hữu tài sản; trong khi “đòi nợ” là mối quan hệ dân sự, một bên đương sự yêu cầu trả lại tài sản theo thỏa thuận hai bên đã giao kết. Chuyển từ “đòi nợ” (có báo trước) sang tội danh “cướp” quả là chuyện hi hữu, xưa nay chưa từng có. |
Tác giả bài viết: Nhóm PV