Vắt từng giọt sữa đến chảy máu bầu vú cho con sinh non bị đủ thứ bệnh
Nhờ sự khéo léo, chị Nhi (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã làm công việc may vá tại nhà để kiếm sống. Sau đó, chị được người ta mai mối với người đàn ông làm nghề thợ mộc hơn chị 15 tuổi, cách nhà chị khoảng 7km.
Quen nhau được 5 tháng, chị gật đầu về góp gạo thổi cơm chung với anh. Do kỳ kinh không đều, có khi vài tháng chị mới thấy “đèn đỏ” xuất hiện một lần, nhưng có đợt chị bị rong kinh tới 3 tháng liền nên lấy chồng nửa năm mới thấy chu kỳ kinh. Chạy chữa mãi, 13 tháng sau khi cưới, chị mới được làm mẹ.
Bé sinh non tuần 28 với nhiều bệnh tật hiểm nghèo. Ảnh minh họa. |
Tháng 7/2016 - đúng ngày rằm Vu lan, chị Nhi đã sinh non con ở tuần thứ 28 của thai kỳ. “Con chỉ nặng vẻn vẹn 1.2 kg tính cả chăn quấn, lại mắc rất nhiều bệnh hiểm nghèo do sinh non. Thương con, xót thân phận mình hẩm hiu, tôi đã khóc rất nhiều”, chị Nhi tâm sự.
Ngày định mệnh, con chào đời nếu thuận theo tự nhiên, chị Nhi sẽ hạnh phúc như bao người mẹ khác. Nhưng ngược lại, chị vượt cạn trong lòng bao cảm xúc buồn đau lẫn lộn.
“Mẹ nằm khoa sản đợi nuôi con, con thì phải nằm hồi sức cấp cứu vì mắc quá nhiều bệnh như viêm phổi, xuất huyết não thất tụ máu dưới màng cứng, nhiễm trùng máu, viêm ruột hoại tử, xuất huyết da, võng mạc. Hai mẹ con mỗi người một nơi, tôi chỉ biết cầu trời khấn phật cho con được bình an trở về trong vòng tay mẹ”, chị Nhi nhớ lại.
Bé đã được cấp cứu, điều trị tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Sau khi ổn định hơn, bé mới được chuyển vào khám và điều trị định kỳ tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Nhìn ngón tay bé xíu của con, mẹ thương muốn trào nước mắt. Ảnh minh họa. |
Những ngày con nằm viện điều trị, nhìn con từ xa qua qua tấm kính, trái tim chị Nhi như thắt lại khi thấy tấm thân gầy bé nhỏ của con găm đầy toàn kim truyền. Mắt con thì dán kín, mũi thì găm ống thở. Làn da mỏng manh, nhăn nheo nhìn rõ cả xương. Khắp người con, ngón tay, ngón chân tím đen. Bác sĩ chọc hết ven tay ven chân rồi lại ven đầu. Ven này vỡ lại chọc ven khác.
Chị có cảm giác tim mình như ai đó bóp nghẹt, không thở được, đau đớn đến khó đứng vững trên đôi chân của mình. Chưa bao giờ chị Nhi thấy tuyệt vọng như thế!
“Tôi thấy mình thật xấu xa vì không bảo vệ con an toàn trong bụng để sinh con ra con phải chịu nỗi đau đớn, bệnh tật dày vò. Nghe bác sĩ nói con có thể bị mù, bại liệt vì sinh quá non, tôi chỉ muốn gục xuống”, chị Nhi nói.
Quá căng thẳng với quá trình chữa bệnh của con, chị đã bị mất sữa. Cũng chính lúc tuyệt vọng, bi quan nhất, người mẹ khốn khổ này lại bắt đầu gượng dậy khi mầm sống bé nhỏ của chị bắt đầu cựa quậy. Nghe bác sĩ nói có thể cho con ăn vài ml sữa qua ống sone, chị đã cố gắng vắt sữa.
Chỉ mong được chạm vào con để bớt thương nhớ. Ảnh minh họa. |
Những ngày sau đó, con có thể ăn tăng thêm vài ml nữa. Cảm giác hạnh phúc lan tỏa trong từng tế bào khi nhìn con ăn được những ml sữa đầu tiên, rồi dần dần con có tia hy vọng hồi phục.
Mất sữa nhưng người mẹ này vẫn kiên trì vắt ngày 8 cữ/ngày để giữ sữa cho con. Dù một phút mới vắt được một giọt, vắt đến nỗi bầu ngực thâm tím, chảy máu, chị vẫn không cảm thấy đau. Thiếu sữa, chị lại lọ mọ cả đêm không ngủ để đi xin sữa cho bé.
Thương con thắt lòng, chị mặc kệ mình vừa sinh, chẳng cần kiêng cữ ngày nào. Da dẻ chị tự bao giờ nổi hết mề đay, mắt nhòa đi vì khóc nhiều.
Ai cũng bảo chị: “Con mày sống được bao lâu nữa mà đêm nào cũng vắt sữa cho mệt. Cho con uống sữa ngoài đi”. Nghe những lời độc địa đó, chị Nhi càng khóc, càng gắng sức làm tất cả để giành giật sự sống cho con.
“Rất khó khăn để mang bầu con. Giờ con bệnh tật vì sinh non, tôi chỉ sợ không biết con ra đi lúc nào nên phải cố cho con ăn từng giọt sữa của mẹ, được ngày nào tốt ngày đó”, chị Nhi giãi bày.
Con đã ở lại sau 76 ngày đêm chiến đấu
76 đêm dài trong bệnh viện, chị Nhi thức trắng ngóng con. Chỉ cần thấy ngón tay bé xíu của con cử động là chị thấy được tiếp thêm niềm hy vọng.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã xúc động gọi bé là "Một trong những em bé kiên cường nhất trong cuộc chiến giành sự sống".
"Lúc chụp CT cho bé thấy xuất huyết não lan rộng, máu ở miệng, các vết tiêm chích không cầm, bé thoi thóp… cảm giác sắp vụt mất. Vậy mà con vẫn không gục ngã. Một cuộc chiến với bao nhiêu là máu, là đau đớn bởi các mũi tiêm truyền, là các loại kháng sinh đại bác và mồ hôi công sức của bao người. Có lúc phải thông báo tình trạng xấu nhất. Nhưng thật vui mừng vì con đã ở lại!”, bác sĩ Ngọc Hân chia sẻ.
Bé sinh non tuần 28 đã ở lại như một kỳ tích. Ảnh minh họa. |
Khi em bé được 3 tháng tuổi, hai mẹ con chị Nhi đã dắt nhau về tá túc ở nhà ngoại. Cứ một, hai tuần, chị Nhi và mẹ đẻ lại bắt xe khách đưa con lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Mỗi lần đi mất vài ngày, tính cả chi phí khám và ăn ở hết khoảng 2 triệu đồng.
Sau một hành trình dài điều trị, hiện bé đã được xuất viện. Tuy nhiên, chị Nhi vẫn phải ở nhà chăm con, không thể đi làm do bé rất khó ăn uống, rất hay trớ ộc thành vòi ra đằng mũi.
Mỗi ngày bé chỉ ăn quanh quẩn được khoảng 100ml sữa, chút cháo. Mỗi lần ăn hết đến 1.5 giờ đồng hồ. Rất vất vả nhưng đã đi đến giờ phút này, chị Nhi cảm thấy có thêm niềm tin vào tương lai phía trước.
Mọi sinh hoạt của hai mẹ con hiện đều phải trông chờ vào đồng lương chế độ của ông bà ngoại. Chị chỉ mong mỏi bình an sẽ đến với hai mẹ con mà thôi.
*Họ tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu
Tác giả: Thu Hà
Nguồn tin: emdep.vn