Trong nước

64 năm ngày Bộ đội Biên phòng: Những trái tim quả cảm và ấm áp

Với những chiến sĩ biên phòng công tác phòng chống tội phạm ma túy là công việc luôn căng thẳng, mệt mỏi và nguy hiểm, sức khỏe và tính mạng có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Và những trái tim quả cảm ấy cũng luôn biết cách yêu thương…

Can đảm thôi chưa đủ

Đã có kinh nghiệm trinh sát, truy bắt tội phạm ma túy nhiều năm, Thiếu tá Nguyễn Trung Hòa, trinh sát phòng Phòng chống ma túy - tội phạm (PCMT-TP) Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và Thiếu tá Phan Thanh Toàn, trinh sát đội PCMT đồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) là những người hiểu rõ nhất công việc này. Theo hai anh, các hoạt động buôn bán ma túy tại biên giới các tỉnh miền Trung chủ yếu diễn ra giữa người Việt và người Lào. Theo thời gian, các đối tượng ngày một liều lĩnh và thủ đoạn hơn.

Đối tượng, tang vật do lực lượng PCMT&TP BĐBP tỉnh Nghệ An và công an tỉnh Hủa-Phăn (Lào) bắt giữ trong chuyên án 352LV. Ảnh: Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An

Liều lĩnh vì lợi nhuận từ ma túy quá lớn, có thể lên tới vài trăm phần trăm, nên các đối tượng sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống. Không chỉ vậy, chúng còn sẵn sàng nhả đạn không chùn tay nếu cần mở đường máu vì biết chắc bản thân không thoát khỏi án tử nếu bị bắt.

Còn thủ đoạn thì đa dạng vô cùng. Các khâu giao dịch, mua bán ma túy được trao đổi qua điện thoại và mạng xã hội. Ở một số trường hợp đặc biệt, nếu khách yêu cầu xem hàng trực tiếp cho “chắc cốp”, bên bán sẽ “ship” tận nơi rồi thanh toán tại chỗ. Nếu khách muốn thanh toán sau, bên bán sẽ lấy một người về làm con tin, khi nào nhận được tiền mới thả.

Vận chuyển luôn là khâu được đầu tư nhất. Các đối tượng buôn ma túy được trang bị đầy đủ không kém gì lực lượng chức năng: súng, áo chống đạn, ống nhòm hồng ngoại, bộ đàm, thiết bị định vị… Đầu tiên, chúng sẽ cử người đi trinh sát, theo dõi bộ đội biên phòng trước, rồi mới lên kế hoạch di chuyển. Đội hình đi giao hàng thường có một tốp chính, mang theo ma túy và vài tốp nghi binh, mỗi tốp đi một đường. Khi di chuyển, các tốp thường xuyên đổi đường đi cho nhau. Tới điểm hẹn nơi ô tô của khách đã chờ sẵn, chúng chỉ việc ném “hàng” qua cửa kính rồi rút lui. Vài giây sau, xe đã phóng vút đi, người cũng mất hút vào rừng sâu. Vậy là xong một phi vụ.

“Nhìn bên ngoài, anh em chúng tôi có thể hơi lạnh lùng và gai góc, nhưng trái tim thì chưa bao giờ nguội”

Thiếu tá Nguyễn Trung Hòa

Anh Hòa cho biết, tội phạm ma túy còn có một chiêu trò “bẩn” khi bị truy đuổi đó là huy động các đối tượng là nữ ra giằng co, cản đường lực lượng biên phòng cho chúng tẩu thoát. Nếu không cẩn trọng mà mạnh tay khống chế, chúng sẽ kêu toáng lên, thậm chí tự cởi áo rồi vu cáo là bộ đội sàm sỡ phụ nữ.

“Chúng có rất nhiều thủ đoạn xảo quyệt và sẵn sàng nổ súng để thoát thân, nhưng chúng tôi không thể làm điều tương tự để chống lại, vì ưu tiên hàng đầu vẫn là phải bắt sống. Vì vậy, ngoài bản lĩnh và lòng can đảm chúng tôi luôn phải giữ được cái đầu lạnh”, anh Hòa chia sẻ.

Máu và mồ hôi

Đối tượng, tang vật do lực lượng PCMT&TP BĐBP tỉnh Nghệ An và công an tỉnh Xiêng - Khoảng (Lào) bắt giữ trong chuyên án 364LV

Không thể kể xiết những gian nan trong mỗi chuyến trinh sát và truy bắt trên rừng, anh Toàn và anh Hòa cho biết. Chuyến nào nhanh thì vài ngày, lâu thì vài tuần, thậm chí cả tháng. Gian khổ nhất có lẽ là những khi mưa gió triền miên không dứt. Dưới những cơn mưa rừng xối xả như tát vào người, các chiến sĩ biên phòng vẫn phải nằm bất động hoặc trườn, bò trên nền đất, bùn nhão nhoét hàng tiếng đồng hồ, im lặng tuyệt đối. Nhiều lúc phải gồng mình hết cỡ để ngăn những tiếng ho, hắt xì bật ra. Đôi mắt luôn phải mở to quan sát mọi hướng, cố gắng phát hiện từng chuyển động bất thường một sau mỗi lùm cây, ngọn cỏ, dù đêm có đen và sương mù có dày đặc đến mấy.

Nhưng điều tồi tệ nhất trong thời tiết ẩm ướt là vắt và muỗi rừng. Những ngày mưa, vắt xuất hiện rất nhiều và cứ thế theo nước mưa len vào trong người các chiến sĩ biên phòng. Hàng chục con vắt cứ thế tắm máu thỏa thuê đến no căng bụng. Ban đầu các chiến sĩ còn cố giật chúng ra, nhưng sau mặc kệ vì giật không xuể. Và những đàn muỗi rừng dày đặc như những đám mây giông đen kịt, sẵn sàng bu vào bất cứ phần da nào hở ra trên cơ thể mà đốt.

Khi cởi bỏ bộ quân phục ướt sũng sau một ngày làm nhiệm vụ, chiếc áo lót trong của đồng chí nào cũng loang lổ, đầm đìa những vệt máu do lũ vắt rừng để lại. Cổ và mặt thì chi chít những vết đốt của muỗi rừng, phồng rộp lên chả khác gì bị ong đốt. Nhưng có hề gì, quần áo thì hong gió một lúc là mặc được tiếp dù vẫn ướt nhẹp, còn vết muỗi cắn thì bôi chút dầu gió hoặc để kệ luôn cũng được. Một khi chưa hoàn thành nhiệm vụ thì bẩn hay sạch, thương hay lành đâu có quan trọng!

Trái tim người lính luôn thổn thức

Anh Hòa chia sẻ, trong công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền nơi biên cương, các chiến sĩ biên phòng không phải người duy nhất cống hiến, hy sinh. Gia đình của họ cũng hy sinh rất nhiều. Để người lính an tâm công tác, những người cha, người mẹ, người vợ sẵn sàng đánh đổi thời gian và cơ hội của bản thân để quán xuyến mọi công việc của gia đình, họ hàng, mặc cho nỗi lo về sức khỏe và tính mạng của người thân lúc nào cũng thường trực.

“Lính biên phòng thường đi biền biệt suốt, cả năm có khi chỉ về nhà được một, hai lần. Với những người làm công tác phòng chống ma túy, sức khỏe và tính mạng thường bị đe dọa, gia đình của họ lại càng lo lắng hơn. Vậy nên tôi lúc nào cũng biết ơn sự hy sinh gia đình đã dành cho mình. Nhìn bên ngoài, anh em chúng tôi có thể hơi lạnh lùng và gai góc, nhưng trái tim thì chưa bao giờ nguội”, anh Hòa nói.

Đối với anh Toàn, 15 phút gọi điện về nói chuyện với vợ, con là khoảng thời gian quý giá nhất trong ngày. Anh có hai con trai, trai đầu 12 tuổi, trai út 8 tuổi. Các con anh thích nhất là được kể cho bố nghe về một ngày của mình. “Bố ơi, hôm nay đi học con giơ tay phát biểu 3 lần liền. Bố ơi, hôm nay con được đi tham quan di tích lịch sử. Bố ơi, trường con sắp tổ chức học kỳ quân đội, bố bảo mẹ đăng ký cho con nhé”. Kể xong, hai cậu lại nhao nhao hỏi hôm nay bố ăn gì, bố khỏi ốm chưa, bố có uống rượu không? Những dịp hiếm hoi anh được về nhà, hai cu cậu dính chặt lấy bố, không cho làm việc mà đòi phải dẫn đi chỗ này chỗ kia chơi. Đến tối thì lại sang phòng bố, bắt bố nằm giữa kể chuyện cho nghe tới khuya mới chịu ngủ. Anh Toàn chẳng cần gì hơn là những giây phút giản dị mà tràn ngập yêu thương như thế.

Còn với người vợ của mình, anh Toàn không chỉ yêu thương mà còn rất khâm phục chị. Một mình chị lo nuôi hai cháu nhỏ ăn học, chăm sóc mẹ chồng, đối nội đối ngoại, đến việc xây nhà cũng giúp chồng quán xuyến từ đầu đến cuối. “Người lính quân hàm xanh chúng tôi phải may mắn lắm thì mới cưới được cô vợ như thế”, anh Toàn tâm sự, “thỉnh thoảng vợ cũng cằn nhằn là sao lâu quá không về, vừa về tí đã lại đi. Nhưng tôi hiểu tính vợ hay dỗi vậy thôi, chứ yêu và hiểu mình thì không ai bằng”.

(Còn nữa)

Tác giả: Việt Khôi

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP