Chị Trần Thị Thủy - con gái của liệt sĩ Trần Văn Phương (lúc đó là thiếu úy, đảo phó đảo Gạc Ma), cho biết trong lần đầu ra thăm quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) được tận mắt nhìn thấy nơi bố mình từng chiến đấu và ngã xuống thì ước mơ trở thành người lính hải quân của bản thân càng trở nên cháy bỏng. Nối bước người cha anh hùng, chị Thủy đã có hơn 10 năm công tác tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân với cấp bậc thiếu tá.
Viết đơn tình nguyện vào quân ngũ
Sáng 14-3-1988, khi thiếu úy Trần Văn Phương đang cùng các cán bộ, chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ xây dựng đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bất ngờ một nhóm quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương cùng các đồng đội tạo thành vòng tròn, quyết tâm bảo vệ cờ Tổ quốc, giữ đảo.
Thiếu tá Trần Thị Thủy trong một chuyến đi Trường Sa qua vùng biển nơi người cha là liệt sĩ Trần Văn Phương đã hy sinh .Ảnh: NVCC |
Khi bị trúng đạn của đối phương, thiếu úy Trần Văn Phương vẫn hô vang khẩu hiệu: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng". Và trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, hiện vẫn còn 56 cán bộ, chiến sĩ nằm lại ở Gạc Ma.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân - trợ lý tác chiến, thuộc Phòng Tham mưu, Vùng 4 Hải quân - là con trai của liệt sĩ thượng úy Nguyễn Mậu Phong, Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Ảnh: NVCC |
Thiếu tá Thủy cho hay càng tự hào về cha bao nhiêu thì ước mơ trở thành một người chiến sĩ hải quân càng cháy bỏng bấy nhiêu khi bản thân nhận thức được cha đã hy sinh vì biển đảo quê hương. Năm 2010, lần đầu tiên đi Trường Sa, đứng trước vùng biển Cô Lin nhìn qua Gạc Ma, tận mắt chứng kiến nơi cha và các đồng đội ngã xuống, chị đã không cầm được nước mắt. "Khi đó bỗng nhiên tôi như nhìn thấy cha đứng từ phía Gạc Ma và giơ tay vẫy tôi. Tôi òa khóc và gọi điện cho mẹ. Ngay trên tàu, trong chuyến đi ấy, tôi đã viết đơn tình nguyện vào quân ngũ. Lúc đó, bác Nguyễn Văn Ninh - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân - hiểu được tình cảm của tôi và phê chuẩn ngay trên tàu" - chị Thủy kể lại.
Thiếu tá Trần Thị Thủy cho biết điều may mắn nữa là chị được công tác ngay tại Lữ đoàn 146 - là lữ đoàn Trường Sa đơn vị của cha. "Lần đầu tiên khoác trên mình bộ quân phục của người lính hải quân mà từ nhỏ mình đã mong muốn tôi rất vui mừng, tự hào" - chị Thủy chia sẻ.
Hiện nay, chị Thủy đã kết hôn cùng anh Nguyễn Hồ Hải cùng là sĩ quan Hải quân Việt Nam. Con gái đầu là Nguyễn Trần Navy (nghĩa là hải quân), bé gái thứ hai là Nguyễn Trần Trúc Giang. Những năm gần đây, chị Thủy liên tục đi công tác Trường Sa. Mỗi lần đi công tác sóng gió khiến cả đoàn say sóng nằm vật vờ nhưng hễ nghĩ về cha, cầm cuốn nhật ký của cha, chị Thủy lại như được tiếp thêm động lực. "Mỗi lần đi công tác rất mệt nhưng khi về đến bờ tôi lại nhớ Trường Sa. Tôi luôn trong tư thế sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào Tổ quốc cần, luôn hứa với lòng phải làm sao cho xứng đáng với truyền thống của cha anh và các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu của mình để xây dựng và bảo vệ đất nước" - chị Thủy nói.
Tiếp nối con đường của cha
Năm 2009, khi còn học đại học ở Quảng Bình, chị Trần Thị Thủy bất ngờ được một người tìm gặp. Đó là anh Nguyễn Tiến Xuân - con trai út của liệt sĩ thượng úy Nguyễn Mậu Phong. Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong (SN 1959, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Sáng 14-3-1988, thượng úy Nguyễn Mậu Phong cùng cha chị Thủy là thiếu úy Trần Văn Phương tổ chức bảo vệ đảo đá, cả 2 cùng hy sinh anh dũng ở Gạc Ma trong trận hải chiến không cân sức.
Thượng úy Nguyễn Mậu Phong có 2 người con trai. Con trai cả là Nguyễn Mậu Trường, từ năm 2007 nhập ngũ vào đúng đơn vị của cha - Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân và ra đảo Nam Yết (huyện đảo Trường Sa) làm tiểu đội trưởng ĐKZ. Hết thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh Trường ra quân với tâm nguyện thay cha chăm sóc mẹ và để lại ước mơ làm người lính hải quân cho em là Nguyễn Tiến Xuân. Năm 2007, khi anh trai tình nguyện lên đường nhập ngũ cũng là lúc Nguyễn Tiến Xuân nhận giấy báo trúng tuyển Học viện Hải quân.
Kể với chúng tôi về việc mình tìm gặp chị Thủy, anh Nguyễn Tiến Xuân cho biết khi đang học, qua báo đài mới biết được con gái liệt sĩ Trần Văn Phương đang ở Quảng Bình. "Nhân chuyến về quê, tôi mong gặp lại con gái đồng đội của cha Phong. Lúc gặp nhau dù hai đứa chưa biết mặt bao giờ nhưng sự đồng cảm của những người con có cha hy sinh ở Gạc Ma đã khiến cuộc gặp xúc động vô cùng. Vậy là cả hai quyết định kết nghĩa anh em" - anh Xuân nói.
Năm 2011, chị Thủy công tác ở Lữ đoàn 146, còn thiếu úy Nguyễn Tiến Xuân sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân nhận công tác tại tàu Trường Sa 14, thuộc Hải đội 411, Vùng 4 Hải quân (nay là Lữ đoàn 955). Đó như một sự sắp đặt của số phận, những đứa con sinh ra chưa biết mặt cha lại được gặp nhau ở Vùng 4 Hải quân - nơi 2 người cha là liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong và Trần Văn Phương từng công tác. Cả hai gặp nhau mừng mừng, tủi tủi vừa là đồng hương và đều có cha hy sinh khi chưa biết mặt con. Cả 2 cùng lớn lên bằng tình yêu của mẹ và những câu chuyện về người cha. Hơn hết, 2 anh em kết nghĩa đều chung một ước mơ trở thành người chiến sĩ hải quân để tiếp nối con đường của cha.
Trải qua nhiều vị trí, đơn vị công tác, đến năm 2022, Nguyễn Tiến Xuân được phong quân hàm thiếu tá, chuyển lên Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân làm trợ lý tác chiến, thuộc phòng Tham mưu. "Hai anh em bây giờ công tác ở 2 đơn vị sát nhau. Chúng tôi cũng thường xuyên động viên nhau trong công tác, thường hỏi thăm gia đình. Cũng mong sao những người con của các liệt sĩ Gạc Ma có dịp nào đó được gặp gỡ, san sẻ khó khăn trong cuộc sống…" - thiếu tá Xuân bày tỏ.
Câu chuyện về con của hai liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma thực sự là những tấm gương đáng khâm phục về ý chí, nghị lực và quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn khi mồ côi cha từ bé. Qua đó, còn thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc tiếp tục sự nghiệp cha anh về bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những bức thư không hẹn ngày về Tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) trưng bày những hình ảnh trực quan đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về trận hải chiến và cảm nhận được phần nào tình cảm của các chiến sĩ để lại qua những di vật, bức thư.
Ở đây, chúng tôi nghe kể về chuyện bà Trần Thị Huệ (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), mẹ liệt sĩ Lê Thế, đã trao gửi "báu vật" của đời mình là bức thư cuối cùng mà liệt sĩ Thế gửi về cho mẹ với nét chữ đầy yêu thương. "Con chỉ mong má bớt làm và cố gắng giữ gìn sức khỏe bởi vì má đã già yếu rồi… Con báo cho má biết con ở Cam Ranh chừng một tuần lễ nữa sẽ đổi đi đảo xa. Thôi con chỉ có mấy lời báo cho gia đình biết, má và mấy em khỏi trông, hẹn ngày trở về lại đất Đà Nẵng. Con chỉ mong má giữ gìn sức khỏe, đó là điều con muốn nhất" - liệt sĩ Thế viết trong thư. Với bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (quê Thái Bình) là cơ yếu của Lữ đoàn 146 gửi trước khi lên tàu đi Gạc Ma cũng khiến chúng tôi thắt lòng. Bức thư của liệt sĩ Phương có nét chữ rất đẹp, ngay ngắn, với giọng văn tự nhiên, đong đầy yêu thương. Trong thư, liệt sĩ Phương viết: "Về phần con, sức khỏe vẫn bình thường. Còn về việc xin cho con chuyển đơn vị thì thôi bố mẹ ạ. Con ở đây đến lúc ra quân cũng được. Gia đình cứ yên tâm đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về. Bao giờ về là về thôi chứ bây giờ cũng chẳng được về thăm gia đình nữa đâu. Từ nay con sẽ không viết thư về nữa đâu vì công việc bận bịu… mong gia đình thông cảm cho con và gia đình đừng viết thư cho con, nếu viết con cũng không nhận được đâu"… |
Tác giả: KỲ NAM
Nguồn tin: Báo Người lao động