![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: GIA HÂN |
Sáng 28-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Quy hoạch cũ tiếp tục thực hiện cho đến khi các quy hoạch điều chỉnh hoàn thiện
Giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói rõ hơn việc tại sao gấp rút, sửa đổi ngay Luật Quy hoạch trong kỳ họp này.
Ông Thắng cho biết dự luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết 2 vấn đề lớn trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp.
Trong đó dự luật tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh ngay quy hoạch của tất cả các cấp và các địa phương sẽ điều chỉnh quy hoạch ngay khi nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính có hiệu lực, đồng thời đảm bảo nguyên tắc các quy hoạch được phê duyệt trước đây sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi các quy hoạch điều chỉnh hoàn thiện.
Quan trọng hơn, ông Thắng cho hay dự luật quy định đẩy mạnh phân cấp, phần quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan đến việc triển khai quy hoạch.
Theo ông Thắng, quy định trong luật hiện hành phân cấp rất khó khăn, địa phương muốn điều chỉnh, thay đổi quy hoạch đều phải trình lên Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh.
Chính vì vậy, dự luật sẽ có những quy định phân cấp, phân quyền rõ ràng đảm bảo từ trên xuống dưới, từ Quốc hội xuống Chính phủ và từ Chính phủ xuống các bộ ngành, địa phương.
"Những quy định này bắt buộc chúng ta phải làm bởi nếu cứ theo quy trình và thẩm quyền cũ, khi điều chỉnh, địa phương phải trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội sẽ rất lâu", ông Thắng nói.
Phân quyền cho 34 địa phương vận hành để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
![]() |
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) - Ảnh: GIA HÂN |
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho hay dự luật tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn phát sinh để các địa phương thuận lợi tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, triển khai các dự án đầu tư, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030.
Trong quy hoạch ngành, dự luật cũng phân quyền cho 34 địa phương vận hành triển khai được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phân quyền tối đa, theo định hướng địa phương chịu trách nhiệm.
Quốc hội cũng phân quyền cho Chính phủ đối với phân vùng lập quy hoạch; phân quyền quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Có đại biểu đặt vấn đề việc phân quyền như vậy, Quốc hội có giám sát được không. Ông Thắng cho hay hiện thẩm quyền Quốc hội quyết định phê duyệt quy hoạch quốc gia, mà trong quy hoạch quốc gia có không gian biển, nên Quốc hội vẫn kiểm soát được.
Ngoài ra dự luật cũng quy định phân cấp thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch; phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định quy hoạch ngành quốc gia, UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định quy hoạch cấp tỉnh.
Cùng với đó, phân cấp cho bộ trưởng phê duyệt quy hoạch ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch điều chỉnh cấp tỉnh sau khi HĐND thông qua.
Dự luật cũng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với điều chỉnh quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 thông qua việc không phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và bãi bỏ thủ tục xin chủ trương.
"Bãi bỏ lập nhiệm vụ, xin chủ trương qua đó giảm 45 - 50% thời gian thực hiện so với quy trình theo quy định thông thường, đáp ứng triển khai chính quyền địa phương 2 cấp theo chỉ đạo của Trung ương", ông Thắng cho hay.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự luật cũng quy định nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chỉ bao gồm những quy định mang tính khung, định hướng và có tính mở, kiến tạo, mở rộng không gian phát triển. Nội dung chi tiết quy hoạch được thể hiện tại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.
Lấy ý kiến người dân khi điều chỉnh quy hoạch Phát biểu thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho hay các nội dung liên quan đến điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với việc sáp nhập đơn vị hành chính, tổ chức lại chính quyền địa phương là điểm mới cần thiết. Ông đề nghị bổ sung thêm các yêu cầu về việc lấy ý kiến người dân, tổ chức xã hội và doanh nghiệp - những đối tượng trực tiếp bị tác động. Theo ông Đồng, sự tham gia của các chủ thể này sẽ bảo đảm quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn và tạo được sự đồng thuận trong triển khai. |
Tác giả: Tiến Long - Thành Chung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ