Pháp luật

24 người nghi bị phơi nhiễm khi cứu bệnh nhân HIV bị tai nạn đã được uống thuốc ARV

Trong vụ tai nạn xe khách trưa 30-6 tại Kon Tum khiến 16 người bị thương, 4 người tử vong, có 17 nhân viên y tế và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của một người nhiễm HIV tử vong mà không có phòng hộ, nghi ngờ phơi nhiễm với HIV.

Hiện trường vụ tai nạn xe khách ở Kon Tum trưa 30-6 vừa qua

Chiều 2-7, Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh Kon Tum hướng dẫn các đơn vị liên quan tại địa phương tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm HIV (miễn phí) ngay cho những người có liên quan đến ca cấp cứu người nhiễm HIV tử vong trong vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào ngày 1-7 trên địa bàn.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế tỉnh Kon Tum hướng dẫn địa phương trong việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm HIV và các vật dụng liên quan theo quy định. Mặt khác, tổ chức thăm hỏi, động viên, khen thưởng những người dân và các cán bộ y tế đã tích cực, dũng cảm tham gia cấp cứu người bị nạn; báo cáo cụ thể sự việc về Cục Phòng chống HIV/AIDS.

Trước đó, vào trưa 30-6, tại địa Km1552, QL14 xảy ra vụ va chạm giữa 2 xe khách 16 chỗ BKS 82B-002.45 chạy hướng từ huyện Đắk Tô về TP Kon Tum và xe khách 82B - 002.23 chạy hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến 16 người thương vong, trong đó có 4 người tử vong (1 ở tại hiện trường, 3 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum).

Trong quá trình đưa người bị nạn đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu, 17 nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của một người nhiễm HIV tử vong trong vụ tai nạn mà không chuẩn bị phòng hộ, nghi ngờ phơi nhiễm với HIV.

Trao đổi với báo chí về vụ việc này, ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, 17 nhân viên y tế trong vụ việc cấp cứu bệnh nhân HIV đã sử dụng thuốc ARV dự phòng phơi nhiễm ngay sau khi phát hiện sự việc. Sau thông báo của công an tỉnh Kon Tum, ngày 1-7, 6 hành khách tham gia cấp cứu bệnh nhân này cũng đã khai báo và điều trị. Đến sáng nay, 1-7, trường hợp cuối cùng cũng được uống thuốc ARV.

“Như vậy, tổng cộng 24 trường hợp nghi ngờ phơi nhiễm HIV đều đã được cấp thuốc phơi nhiễm sớm, trước 72 giờ theo quy định của Bộ Y tế” – ông Khánh khẳng định. Theo ông Khánh, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV có tác dụng tối ưu nhất trong vòng 72 giờ. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm có thể yên tâm không bị lây nhiễm HIV.

Tác giả bài viết: Duy Tiến

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP