Xã hội

11% phụ nữ ở Việt Nam kết hôn trước tuổi luật pháp cho phép

Ở Việt Nam, mặc dù Luật pháp về các vấn đề hôn nhân và gia đình đã quy định tuổi kết hôn ở phụ nữ là đủ tròn 18 và nam giới là đủ tròn 20, song 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18.

Cán bộ dân số tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho người dân vùng cao. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

(Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi xâm hại trẻ em)

Tại hội thảo quốc gia về tảo hôn và kết hôn trẻ em, diễn ra sáng 29/6, ở Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn còn tồn tại bất bình đẳng ở nhiều khu vực và các nhóm dân tộc, một số cộng đồng đang tụt hậu so với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội và tiến bộ về bình đẳng giới, họ đang phải đối mặt với tình trạng tảo hôn khá phổ biến.

Kết quả điều tra lần thứ nhất về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, cho thấy tỷ lệ tảo hôn chung trong các nhóm dân tộc thiểu số khá cao là 26%, thậm chí tỷ lệ này ở nhiều nơi là rất cao, lên đến 50-70%.

Để đảm bảo Việt Nam có thể xây dựng một phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn, hội thảo quốc gia về tảo hôn và kết hôn trẻ em đã xem xét, thảo luận những bài học về các yếu tố và rào cản chính làm cản trở các biện pháp can thiệp hiệu quả.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Hà Hùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ nhấn mạnh: “Tảo hôn đã làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công việc làm ổn định. Tảo hôn cũng khiến các trẻ em gái dễ mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em. Tảo hôn cũng làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình và các dạng bạo lực trên cơ sở giới.”

Thứ trưởng Hà Hùng phân tích, tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em, nếu xét trên bình diện tổng thể thì tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế-xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (UN Women) tại Việt Nam chia sẻ, chìa khóa để phá vỡ chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em là tăng quyền năng và đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng bởi kết hôn trẻ em và tảo hôn cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục và đào tạo, tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác.

“Điều này đòi hỏi mọi cơ quan chính phủ cần đảm bảo rằng quá trình lập kế hoạch, ngân sách, hoạch định chính sách, giám sát việc thực hiện phản ánh được nhu cầu của trẻ em gái và trai. Việc đầu tư vào tăng quyền năng cho trẻ em gái cần được ưu tiên ở mọi khía cạnh và mọi lĩnh vực,” bà Shoko Ishikawa cho hay.

Bàn về giải pháp để tháo gỡ tình trạng kết hôn trước tuổi cho phép, Trưởng Đại diện của tổ chức Tầm nhìn thế giới – bà Trần Thu Huyền, đại diện cho các tổ chức phi chính phủ chỉ rõ: “Điều quan trọng là cần lắng nghe quan điểm của trẻ em về những nguyên nhân sâu xa của tình trạng kết hôn trẻ em và cần thu hút cũng như tăng quyền năng cho trẻ em để các em có thể cùng tham gia tìm giải pháp nhằm phòng ngừa và chấm dứt nạn kết hôn trẻ em, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số.”

Trên thế giới, mỗi năm có 15 triệu trẻ em gái phải kết hôn trước khi đến ngày sinh nhật lần thứ 18 của mình.

Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đã đặt Chỉ tiêu 5.3 là xoá bỏ mọi tập tục có hại bao gồm tảo hôn và cưỡng ép kết hôn vào năm 2030./.
Tác giả: THÙY GIANG
Nguồn tin: Báo (VIETNAM+)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP