Kinh tế

Ngoài Sữa bột Hồng sâm Ngọc Linh, Newzealand Milk còn sản phẩm nào?

Ngoài sản phẩm sữa bột Hồng sâm Ngọc Linh đang rao bán tràn lan trên mạng, Newzealand Milk (chi nhánh Cty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Newzealand) còn có hai sản phẩm là sữa bột đông trùng hạ thảo và cao đông trùng hạ thảo.

Mới đây, dư luận đang xôn xao về thông tin sản phẩm Hồng sâm Ngọc Linh quảng cáo sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Theo nội dung bài viết Sữa bột Hồng sâm Ngọc Linh hô biến hương liệu thành sâm quý đăng tải trên Kiến Thức. các thông tin về thành phần sản phẩm, đối tượng sử dụng,... không phù hợp với Bản tự công bố sản phẩm của nhà máy Newzealand milk (chi nhánh Cty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Newzealand).

Bên cạnh sản phẩm sữa bột Hồng sâm Ngọc Linh quảng cáo "bát nháo", website của Cty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Newzealand (vnzmilk.com) còn rao bán hai sản phẩm khác là sữa bột đông trùng hạ thảo và cao đông trùng hạ thảo. Đáng chú ý, sản phẩm sữa đông trùng hạ thảo của công ty này cũng từng dính “phốt” quảng cáo “láo”, lừa dối người tiêu dùng hồi tháng 7.

Theo quảng cáo, sản phẩm sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo (trước đó có tên là sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh), được giới thiệu là sản phẩm được Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn Lâm Khoa Học Công Nghệ Việt Nam) chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH Tập đoàn dữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam New Zealand.

Bên cạnh sản phẩm sữa bột Hồng sâm Ngọc Linh, website của Cty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Newzealand (vnzmilk.com) còn rao bán hai sản phẩm khác là sữa bột đông trùng hạ thảo và cao đông trùng hạ thảo.

Thậm chí, công ty này còn khẳng định, trụ sở chính của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tại địa chỉ số 18 Hoàng Quốc Việt, và các Viện trực thuộc là địa chỉ văn phòng Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand.

Sau khi Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) phản bác thông tin trong quảng cáo sản phẩm trên, Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam New Zealand (Công ty sữa Việt Nam New Zealand) đã có văn bản gửi Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, thừa nhận việc sử dụng hình ảnh, uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để quảng cáo, bán hàng là trái phép.

Sản phẩm sữa đông trùng hạ thảo của công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand cũng từng dính “phốt” quảng cáo “láo”, lừa dối người tiêu dùng hồi tháng 7.

Tại văn bản này, Công ty sữa Việt Nam New Zealand cho rằng đã nhận thức được việc sử dụng tên của Viện Hàn lâm trên các sản phẩm khi chưa được phép là không đúng, có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng nên đã cho thu hồi các sản phẩm vi phạm nhãn mác.
Bên cạnh việc sai phạm về nhãn mác, quảng cáo thì nhiều người cho rằng cần làm rõ quy trình nhập khẩu, nguồn gốc nguyên liệu và nghĩa vụ thuế trong sản xuất các sản phẩm của Công ty sữa Việt Nam New Zealand.

Trước đó, theo Kiến Thức đưa tin, sản phẩm Hồng sâm Ngọc Linh có tên đầy đủ là “Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt Hồng sâm Ngọc Linh nhụy hoa nghệ tây saffron canxi nano tảo đỏ (sản phẩm dinh dưỡng dùng cho người trung tuổi, cao tuổi)”. Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy Newzealand milk có địa chỉ tại xóm Hạnh Phúc xã Hòa Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Tuy nhiên, bản công bố này ghi đầy đủ thành phần bao gồm: sữa bột (35-45%), bột hồng sâm ngọc linh (3-5%), bột nhụy hoa nghệ tây (1-3%)...Tuy nhiên, trên sản phẩm “Hồng sâm Ngọc Linh” (loại 400g) mà khách hàng mua được lại ghi đơn vị sản xuất “Chi nhánh Công ty CP Dược phẩm Quốc tế VN Anh Quốc Trường Đại Hưng” có địa chỉ tại Tiểu khu Liên Sơn, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn. Trên vỏ ghi Công ty CP tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Newzealand là đơn vị phân phối.

Đáng chú ý, thành phần sữa bột ghi trên vỏ hộp là 55-60% không đúng như bản công bố của Nhà máy Newzealand milk, các thông tin về thành phần bột Hồng sâm Ngọc Linh… đều ghi mập mờ, không ghi hàm lượng cụ thể như bản tự công bố.

Mặc dù trong bản tự công bố, đây là sản phẩm dinh dưỡng dùng cho người trung tuổi, cao tuổi, nhưng trong các nội dung quảng cáo, sản phẩm lại được ghi công dụng: Trẻ em biếng ăn, còi xương, thiếu canxi, suy dinh dưỡng, hay đổ mồ hôi, đổ máu cam, thiếu chất, quấy khóc đêm; Nam giới nhiễm độc tố do hút thuốc lá uống rượu bia, làm việc tại môi trường ô nhiễm; Người có hệ tiêu hóa, dạ dày yếu; Phụ nữ bồi bổ sau sinh; Phụ nữ da dẻ không tốt, thiếu hồng nhuận, da khô, nám, tàn nhanh do nội tiết; Người bệnh sức đề kháng kém, tim mạch, tiểu đường, huyết áp. Đối tượng sử dụng: trẻ em biếng ăn, kém hấp thụ, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng.

Với cách làm này, có thể thấy những thông tin về nguồn gốc cũng như công dụng, thành phần sản phẩm này đang được nhà sản xuất và đơn vị chịu trách nhiệm quảng cáo "tung hỏa mù", đánh lừa người tiêu dùng... Câu hỏi đặt ra là những sản phẩm dinh dưỡng quảng cáo bát nháo như vậy liệu có thực sự đáng tin??? Rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, để thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh cho các trường hợp có nguy cơ tiền mất tật mang khi vô tình mua phải sản phẩm kém chất lượng!!!

Tác giả: Thảo Nguyên

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP