Trong tỉnh

Dự án trồng cao su bị tố lấn hàng chục hécta đất xã Hạnh Dịch

Bắt đầu triển khai dự án từ nhiều năm trước nhưng đến nay dự án trồng cao su trên địa bàn huyện Quế Phong chưa đem lại lợi ích gì đáng kể cho người dân địa phương nghèo này. Chẳng những thế, dự án còn ngang nhiên lấn tới hơn 30ha đất rừng cộng đồng thôn bản và các đoàn thể xã Hạnh Dịch khiến người dân địa phương hết sứ bức xúc.

“Cuộc chiến” giành đất, bảo vệ nguồn nước

Triển khai theo kế hoạch dự án, năm 2013, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã đưa xe máy về san ủi đất lâm nghiệp để trồng những cây cao su đầu tiên trên đất Hạnh Dịch, bà con dân bản hi vọng đây sẽ là cây trồng chủ lực làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, vì chủ đầu tư đã ngang nhiên lấn đất rừng cộng đồng dân bản. Theo phản ánh, hơn 30ha đất rừng của 3 bản Pà Cọ, Pỏm Om, Pà Kỉm và nhiều diện tích khác ở xã Hạnh Dịch cứ thế bị lấn dần.

Tại tiểu khu 85, rừng Pù Mai, xã Hạnh Dịch nhiều cây cao su đã được trồng sang diện tích rừng của bản Pà Cọ, Pỏm Om, Pà Kỉm

Bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch có diện tích rừng giao theo Nghị định 163 của Chính phủ trên 100 ha. Ngày đó, khi thấy máy móc của công ty thi công trên diện tích rừng Pù Mai, trên 70 hộ dân ở bản đã kéo lên rừng để đẩy đuổi ra ngoài nhưng lên đến nơi chỉ thấy xe máy mà không thấy người.

Với cách thức ban ngày không làm thì ban đêm thi công trộm, cứ thế, hơn 4,3 ha đất rừng của bản này đã bị dọn sạch sẽ để trồng cao su. Mặc dù bản đã huy động các hộ dân mang cây xoan và trẩu dầu lên trồng xen và cắm mốc vào diện tích được máy móc dọn để trồng cao su để lấy lại đất nhưng toàn bộ những cây mới trồng sau đó đã bị phun thuốc diệt cỏ chết hết.

Ngoài việc đây là diện tích của bản Pỏm Om đã được giao nhận khoanh nuôi bảo vệ thì rừng còn là nguồn sinh thủy cho khe Tạt Linh Khi và khe Na Mo, đây là hai con khe bà con trong bản thường xuyên lấy nước để dùng. Chính vì vậy, việc nhiều ha rừng bị san phẳng để trồng cao su gây lo lắng, bức xúc cho bà con dân bản. Chị Hà Thị Tuyến, Trưởng bản Pỏm Om nói, đề nghị phía Công ty rút ra khỏi diện tích đã lấn, không được chăm sóc cây cao su nữa, phải trả lại đất rừng cho bản chúng tôi.

Ông Kim Văn Đại, Trưởng bản Pà Cọ đang tìm mốc giới giữa diện tích rừng cộng đồng của bản và diện tích quy hoạch trồng cao su

Cùng chung số phận, hơn 2,1ha đất rừng thuộc sự quản lý của bản Pà Cọ cũng bị phát hết, máy móc vào đào bới để trồng cây cao su. Theo thông tin từ dân bản cung cấp, nhiều cây rừng của bản bị đốn hạ, dân bản chưa kịp lấy về đã bị những kẻ lạ mặt chở ra khỏi rừng không ai hay biết.

Cũng như nhiều bản khác, Pà Cọ đã huy động 60 hộ dân, mỗi hộ 5 cây xoan và cây trẩu dầu lên trồng vào diện tích đất rừng của bản bị lấn trồng cao su nhưng cây của họ cũng bị phun thuốc cỏ chết hết. Sau này, khi cây cao su đã bén rễ, nhiều người quá bức xúc tính chặt phá nhưng chính quyền xã không cho phép.

Ông Kim Văn Đại, Trưởng bản Pà Cọ, bức xúc nói: “Bản tôi đã nhiều lần kiến nghị Công ty không được trồng và chăm sóc cao su nhưng không được. Hiện nay, chúng tôi yêu cầu công ty cao su không được chăm sóc cây nữa, diện tích đã trồng lấn sang rừng của dân bản cũng phải chặt đi vì sợ cây cao su lớn lên sẽ thành rừng của họ, dân bản không đòi lại được nữa”.

Nhiều cây cao su được trồng năm 2013 nay đã cao 4 đến 5 m đã gần hoàn thành thời gian kiến thiết cơ bản

Theo các bậc cao niên, rừng Pù Mai là cánh rừng thiêng, là bàn tay khổng lồ che chở cho bà con các bản của xã Hạnh Dịch nằm dưới chân núi. Tại đây, rừng là nguồn sinh thủy tạo nên dòng nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi từ bao đời nay.

Từ khi có dự án trồng cây cao su, không chỉ mất rừng, mất đất mà người dân còn lo lắng nguồn nước sẽ bị ô nhiễm trong quá trình phun thuốc diệt cỏ để chăm sóc cây cao su. Nhiều người sợ, sườn núi dốc, khi trời mưa, hóa chất sẽ theo nước mưa hòa vào nguồn nước khe suối mà người dân bấy lâu vẫn lấy về dùng.

Theo chân người dẫn đường lên đỉnh Pù Mai, phóng viên được biết tình trạng phun thuốc diệt cỏ để dọn đường cho cây cao su phát triển vẫn thường diễn ra. Tình cờ chúng tôi gặp hai người đàn ông đang nghỉ chân ở tại một cái lán trong rừng cao su, cả hai người đều ở xã Mường Nọc, huyện Quế Phong sang đây nhận khoán hơn 15 ha cao su. Một người cho biết, do cỏ phát triển nhanh nên không phun thuốc trừ cỏ không được.

Cần sớm giải quyết dứt điểm

Theo báo cáo số 317, ngày 15/9/2017 của UBND huyện Quế Phong thì Dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong có diện tích quy hoạch lên đến trên 3.000 ha. Dự án được triển khai tại các xã: Tiền Phong, Hạnh Dịch, Mường Nọc và Quế Sơn. Sau khi quy hoạch, từ năm 2013 đến nay Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển cao su Nghệ An chỉ mới trồng được khoảng 900 ha.

Tuy nhiên trong quá trình trồng cao su, Công ty này đã trồng lấn sang diện tích đất giao cho cộng đồng thôn bản và các đoàn thể tại xã Hạnh Dịch. Tại các thửa số 167, 179, 180, tờ bản đồ số 7, tiểu khu 85, cao su trồng lấn sang diện tích đất cộng đồng bản Pà Kỉm, Pà Cọ, Pỏm Om với diện tích khoảng 7,1 ha (toàn bộ diện tích này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV).

Tại thửa số 46, tờ bản đồ số 7, tiểu khu 82 trồng lấn sang diện tích đất rừng tạm giao cho Chi đoàn Thanh niên bản Chiếng khoảng 3,2 ha. Trồng lấn sang đất của UBND xã Hạnh Dịch quản lý tại tiểu khu 77, thửa số 5, tờ bản đồ số 7 với diện tích trên 22 ha. Như vậy, tổng cộng diện tích bị lấn trồng cây cao su là trên 32ha.

Chị Hà Thị Tuyến, Trưởng bản Pỏm Om: Đề nghị phía Công ty rút ra khỏi diện tích đã lấn, không được chăm sóc cây cao su nữa, phải trả lại đất rừng cho bản chúng tôi

Ông Lương Tiến Lê, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết thêm, mấy năm trước, sau khi phát hiện bị lấn đất, xã Hạnh Dịch cũng có ý kiến nhiều, dân bản cũng tổ chức lên trồng cây, cắm mốc, khi đó dân chúng tôi lên giành đất bên thi công dừng không làm gì nhưng khi dân bản về thì họ lại lấn, lúc đầu phát hiện khoảng 1 ha sau đó họ cứ lấn dần tiếp hàng chục ha.

Nay, xã đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển cao su Nghệ An trả lại hơn 7 ha đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bản Pỏm Ỏm, Pà Cọ, Pà Kỉm; 22 ha đất do UBND xã quản lý tại tiểu khu 77; 3,2 ha ở tiểu khu 82 đang tạm giao cho Chi đoàn Thanh niên bản Chiếng.

Cũng theo ông Lương Tiến Lê, những nơi trồng cao su đều là đầu nguồn của những khe suối. Đặc biệt ở tiểu khu 85 là đầu nguồn nước sinh hoạt của bản Chàm, bản Chiếng. Xã đã thống nhất với người của Công ty nơi nào nguồn nước thì phát cỏ bằng thủ công không được dùng hóa chất để phun. Thế nhưng khi thực thi thì họ không làm như cam kết. Qua đây thì xã cũng yêu cầu công nhân của Công ty dừng ngay việc phun thuốc diệt cỏ nơi đầu nguồn nước.

Ông Kim Văn Đại, Trưởng bản Pà Cọ đang lục tìm sơ đồ đất cộng đồng của bản bị lấn

Về sự việc này, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, huyện Quế Phong hoàn toàn ủng hộ dự án này. Tuy nhiên, dự án vẫn còn một số tồn tại, như: việc trồng cao su không đảm bảo tiến độ, một số nơi quy hoạch vào nơi có nguồn nước của dân bản, một số vị trí bị chồng lấn dẫn đến tranh chấp làm cho nhân dân bức xúc.

Do đó, đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư phát triển cao su Nghệ An sẽ cùng với UBND huyện Quế Phong rà soát lại toàn bộ diện tích, đặc biệt là diện tích đã bị chồng lấn, tranh chấp, diện tích trồng cao su làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Huyện cũng yêu cầu Công ty phải xây dựng kế hoạch trồng cụ thể và thống nhất với chính quyền địa phương.

Về việc nguyên nhân bị chồng lấn là do quy hoạch diện tích trồng cao su theo bản đồ giao đất theo Nghị định 163 của Chính phủ trước đây không rõ ràng về ranh giới so với thực địa. Quan điểm của lãnh đạo huyện Quế Phong ủng hộ, tạo điều kiện để dân bản có đất nếu đất quy hoạch trồng cao su trùng với đất sản xuất trước đây của bà con thì phải trả lại.

Còn theo ông Trần Ngọc Thắng, GĐ Công ty Cổ phần đầu tư phát triển cao su Nghệ An cho biết, ngoài lí do như chưa xác định rõ mốc giới thì nguyên nhân chính của sự việc vừa qua là phía huyện Quế Phong đã cấp đất chồng lên nơi đã cấp cho Tổng đội TNXP 7 trước đây vì khi tiến hành dự án Công ty đã tiếp quản nguyên trạng Tổng đội TNXP 7. Khi cấp bìa đất không có đại diện của doanh nghiệp để phân giới cho rõ ràng giữa đất của Công ty và cộng đồng nên xảy ra sự việc tranh chấp, khiếu kiện giữa người dân và doanh nghiệp.

Rừng Pù Mai – Nơi bị công ty cao su bị tố lấn đất của dân

Năm 2015, Công ty đã làm việc với xã, các bản và thống nhất để nguyên hiện trạng cho cây cao su phát triển lên và lấy người của bản chăm sóc, bảo vệ. Tuy nhiên, sau đó lại không hiểu thế nào mà không thực hiện được như đã cam kết.

Cũng theo ông Trần Ngọc Thắng, trừ 7 ha bị chồng lấn, số diện tích còn lại manh mún nhiều mảnh nên xã đã thống nhất với doanh nghiệp gom lại liền vùng, liền khoảnh, đổi vị trí để thuận lợi cho việc canh tác và diện tích này cũng đã được điều chỉnh theo quy hoạch. Còn diện tích chồng lấn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Thắng cho rằng, nên giữ nguyên hiện trạng, không được chặt phá, giao diện tích cao su đã được trồng cho người dân các bản chăm sóc.

Bìa đất của cộng đồng bản Pà Cọ

Về việc công nhân của Công ty phun thuốc diệt cỏ tại diện tích trồng cao su ở rừng Pù Mai, ông Thắng khẳng định, thời gian kiến thiết cơ bản 6-7 năm, mỗi ha được 72 triệu thì theo tính toán công nhân không thể phun thuốc diệt cỏ được nhiều nên việc ô nhiễm nguồn nước khó xảy ra.

Nhiều năm, đã có nhiều cuộc họp, rất nhiều kiến nghị của người dân gửi các cơ quan chức năng nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Hiện nay, cây cao su trồng đã gần hoàn thành thời gian kiến thiết cơ bản mở ra giai đoạn kinh doanh. Trong khi đó, chính quyền, cơ quan chức năng và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung mà vẫn trong tình trạng “ông chẳng, bà chuộc” thì nguy cơ mất đất, mất rừng đối với cộng đồng một số bản ở xã Hạnh Dịch đã hiện hữu.

Tác giả: Đình Tiệp – Tưởng Cao

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP