Giáo dục

Bộ GD-ĐT chỉ đạo chấm dứt dạy học theo Văn mẫu

Để khắc phục tình trạng dạy học nặng nề về thuyết giảng, đọc chép, thuộc lòng theo Văn mẫu, Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị đổi mới cách dạy/học/đánh giá để chấm dứt Văn mẫu.

Ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị tăng cường hơn nữa việc phát huy tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mỹ.

Trong quá trình dạy học, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh; xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học…

Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị đổi mới cách dạy/học/đánh giá để chấm dứt Văn mẫu (Ảnh: Mạnh Quân).

Đối với dạy đọc, xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc và tự đọc hiểu được văn bản; thông qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh. Coi ngữ liệu là phương tiện và việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức để hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản.

Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.

Giáo viên cần gắn dạy đọc với các hoạt động dạy viết, nói, nghe thực hành tiếng Việt và các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phù hợp với từng lớp học, cấp học.

Trong cách dạy, giáo viên có thể sử dụng, khai thác ngữ liệu minh họa một cách hợp lý, giúp học sinh hình thành kỹ năng viết…

Ngoài việc thay đổi cách dạy/học, văn bản cũng hướng dẫn đổi mới cách đánh giá môn Ngữ Văn trong nhà trường.

Văn bản hướng dẫn cũng nêu rõ các nhà trường phải đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn.

Thay vì để học sinh học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, việc đánh giá môn Ngữ Văn phải đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.

Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm.

Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Văn mẫu đang trở thành vấn nạn bất khả kháng trong giáo dục phổ thông, trói buộc tư duy học sinh trong "chiếc vòng kim cô" trong thời gian qua. Giáo viên dạy Ngữ văn theo khuôn mẫu, thậm chí đổi mới cũng theo… khuôn mẫu

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Riêng với môn Ngữ văn.

Bộ trưởng lưu ý, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

Cứ như vậy, học sinh đương nhiên cũng phải học theo khuôn mẫu "nhất hô bá ứng".

Những thầy cô có gia công vào quy trình nhiều hơn thì cũng là đọc cho trò chép lời giảng của mình; còn nếu thầy lười biếng, hoặc không đủ cả tự trọng lẫn năng lực thì lên mạng copy bài giảng mẫu, văn mẫu; quy trình này biến việc chấm môn Văn thành chấm điểm học thuộc lòng và viết đẹp.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP