Khoai xéo là món ăn không phải ai cũng biết bởi nó thường phổ biến ở khu vực miền Trung, đặc biệt người dân xứ Nghệ xem đây như là món ăn tuổi thơ thời còn nghèo khó. Trong ký ức của nhiều người, khi cơm chưa đủ ăn, thì cơm khoai xéo được xem là cứu cánh để vượt qua những ngày mưa gió, đói khát. Vì ăn quá nhiều nên đôi khi nhìn món khoai xéo còn thấy "phát ngán".
|
Khoai xéo là món ăn "cứu đói" thời nghèo khó ở các tỉnh miền Trung |
Ngày nay, nó không biến mất mà lại trở thành món ăn đặc sản ở thành phố, được rao bán nhiều trên MXH và cũng là thức quà sáng cho những người muốn có món ăn hợp khẩu vị tuổi thơ.
Chị Duyên (sống ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã làm khoai xéo bán cho khách được 2 năm nay. Vốn là người gốc Nghệ An, sau nhiều năm xa quê, trong một lần người bạn đồng hương nói thèm món ăn này nên chị Duyên làm thử, lúc đó bạn bè của chị ai cũng tấm tắc khen ngon. Từ đó chị Duyên làm thêm bán cho khách có nhu cầu mua, không ngờ lượng khách đặt hàng ngày càng đông.
"Ban đầu tôi làm ít để thăm dò nhưng không ngờ mỗi ngày bán được vài ba chục suất. Khách cứ truyền tai nhau nên số lượng tăng lên. Bây giờ mỗi ngày tôi bán cả trăm suất, đợt này đang nghỉ dịch chứ không cứ đến 4h chiều là hết hàng, có người phải đặt từ tối hôm trước", chị Duyên cho biết.
|
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bán một suất khoai xéo giao động từ 35.000-40.000 đồng/hộp 400gram, còn hộp lớn 1kg có giá khoảng 100.000-120.000 đồng. Nếu để trong tủ lạnh, khoai xéo có thể ăn được trong vòng 2 ngày.
Những người như chị Duyên làm món ăn này cho biết quá trình làm quá vất vả, nhưng việc mua nguyên liệu mới đau đầu. Để có được mẻ khoai xéo ngon thì yếu tố đầu tiên phải là khoai lang phơi khô. Nếu chọn khoai lang không ngon, mốc hoặc có mùi hà thì coi như cả nồi xôi xéo không có được thiện cảm với khách.
|
"Khoai khô, đậu đen và lạc được cho vào nồi nấu đến khi nở ra, sau đó cho gạo nếp vào đảo đều đun cho đến khi cạn nước, thêm đường và mật mía rồi dùng đũa đánh, xéo cho đến lúc 2 nguyên liệu này hoà quyện. Khi đã ủ xong sẽ cắt ra thành miếng hoặc bới ra bát, đĩa", chị Thảo (Hà Nội) chuyên bán khoai xéo chia sẻ về quy trình làm món đặc sản này.
Để nấu được xôi xéo đủ cho 50-60 khách đặt buổi sáng, chị Thảo phải lục đục dậy từ 3h sáng, các nguyên liệu được chuẩn bị từ chiều hôm trước. Trong khi nấu cũng phải giám sát vì để cháy sẽ mất đi mùi thơm, bùi của khoai, lạc hay đậu. Ngoài những khách đặt để ăn sáng, buổi chiều cũng có khách đặt lẻ tẻ để ăn vặt.
|
Chị Liên - hiện đang sống ở Thanh Xuân, Hà Nội, là người quê miền Trung không lạ gì với khoai xéo, nhưng để nấu được không hề dễ, mất thời gian nên chị vẫn thường đặt khoảng 10-15 suất cho cả nhà ăn khi có giỗ chạp hay tụ tập.
"Thời xưa, món ăn này nuôi tôi qua biết bao ngày khó khăn. Lúc đó, xem như khoai độn thêm gạo nếp chứ làm gì có cơm cả nồi như bây giờ. Giờ mua món khoai này trong các dịp giỗ Tết, cả nhà vừa ăn ngon lại ôn kỷ niệm thời xưa. Nhớ lúc còn khó khăn, cầm bát khoai xéo trên tay trân trọng lắm, bây giờ ăn với tâm thế khác nhưng vẫn là món ăn ngon trong lòng tôi", chị Liên chia sẻ.
Ngoài khoai xéo bán sẵn, để đáp ứng nhu cầu tự nấu khoai xéo của các bà nội trợ, nhiều chị em bán hàng online gom khoai khô từ miền Trung để bán. Dạo qua chợ mạng có thể thấy rất nhiều địa chỉ rao bán khoai khô với giá từ 50.000-80.000 đồng/kg.
|
"Loại khoai khô này không khó mua nhưng phải chọn hàng cẩn thận. Vì nếu không phơi cẩn thận, bị mốc có mùi hôi là khách chê, mất uy tín ngay. Tôi phải nhờ người thân ở Nghệ An gom hộ của các gia đình trong xóm, chọn lựa những củ khoai ngon và làm cẩn thận, đóng gói đảm bảo mới lấy ra bán cho khách. Những mặt hàng này chỉ cần mất uy tín một lần là khách không quay lại luôn", bạn Bích Hạnh (một người bán khoai xéo trên chợ mạng) chia sẻ.
Chị Hạnh tiết lộ, 2 năm trở lại đây chị bán khoai khô rất đắt hàng, nhiều chị em hỏi mua và tấm tắc khen ngon, ngoài món khoai xéo thì khoai khô có thể chế biến được nhiều món khác nữa. Lý giải về khoai khô đắt hơn khoai tươi, chị Hạnh cho biết, khoai khô phải trải qua quá trình cắt, làm sạch, phơi phóng nhiều nắng khá mất công. Nó cũng như mực tươi được phơi khô, giá luôn cao hơn mực mới đánh bắt. Tiền công là chủ yếu nên giá cao hơn.
Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn