Ngày 26-5, phiên xử đại gia Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng các đồng phạm cố ý làm trái quy định và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tiếp tục phần tranh luận.
Các luật sư và đại diện của ngân hàng Xây Dựng (CB, trước đó là Đại Tín thời bà Phấn, VNCB- thời ông Phạm Công Danh) với tư cách nguyên đơn dân sự đề nghị HĐXX xem xét lại cáo trạng phần tội danh của bà Phấn khi quy buộc hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho công ty Phương Trang 5.256 tỉ đồng.
Các luật sư của nhóm Phương Trang và bà Hứa Thị Phấn (ngồi bàn đầu) đang lắng nghe phần tranh luận |
Theo CB, ngân hàng Đại Tín đã giải ngân đầy đủ 82 khoản vay cho phía công ty Phương Trang bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng vay. Đối với trường hợp giải ngân bằng hình thức chuyển khoản, không bắt buộc Ngân hàng phải giao tiền mặt cho khách hàng mới được coi là khách hàng đã nhận được tiền mà chỉ cần tài khoản của khách hàng vay đã được hệ thống ngân hàng ghi Có số tiền Ngân hàng giải ngân trên tài khoản của khách hàng. Tức là việc khách hàng vay đã nhận được tiền vay, nghĩa vụ giải ngân của ngân hàng cũng đã hoàn thành.
CB cho biết đến nay 82 hợp đồng tín dụng này, không có cán bộ, nhân viên nào của ngân hàng bị kết luận là vi phạm quy định về cho vay. Cáo buộc CB không giải ngân, giải ngân thiếu… là không có căn cứ.
“Chúng tôi cho rằng nhận định trên của các cơ quan tố tụng cho rằng nhóm Công ty Phương Trang nhận được không đầy đủ tiền giải ngân, loại bỏ một phần trách nhiệm trả nợ của Công ty Phương Trang, biến dư nợ này thành thiệt hại của ngân hàng Đại Tín là không chính xác, không đúng với diễn biến sự việc trên thực tế và trái với các quy định của pháp luật về ngân hàng” – luật sư ngân hàng CB nhấn mạnh.
Mặt khác, luật sư CB cho rằng cáo buộc bà Phấn và đồng phạm cố ý làm trái gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín 5.256 tỉ là không chính xác. Vì bà Phấn không phải là người có chức vụ quyền hạn trong ngân hàng Đại Tín nên không thể gây thiệt hại cho ngân hàng này. Trong vụ án này, bà Phấn đã có những giao dịch ngoài ngân hàng, với tư cách cá nhân với các tổ chức, cá nhân nhóm Phương Trang để sử dụng tài khoản, tiền trong tài khoản của những tổ chức cá nhân này rút ra, nộp vào, thanh toán tất toán các khoản vay cho những tổ chức, cá nhân khác nhau thuộc hai nhóm Phương Trang và Phú Mỹ... Nếu có việc thất thoát, mất tiền thì đây là thiệt hại của chủ tài khoản, không liên quan đến hợp đồng tín dụng ký với Ngân hàng.
Từ đó, liên quan đến nhóm Phương Trang, CB đề nghị buộc các khách hàng vay và các bên liên quan: bên bảo đảm, bên bảo lãnh khoản vay phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán các khoản vay số tiền hơn 27.220 tỉ đồng. Trong đó nợ gốc là hơn 9.400 tỉ đồng và lãi 17.700 tỉ đồng phát sinh theo các hợp đồng tín dụng, phát hành trái phiếu, các khoản vay bắt buộc theo bảng kê chi tiểt. Và buộc các tổ chức và cá nhân trên tiếp tục trả các khoản lãi phát sinh trên tổng số dư nợ cho đến khi trả hết khoản nợ phát sinh theo hồ sơ tín dụng tại ngân hàng.
Trong khi các đại diện Phương Trang xác nhận số tiền thực nhận là 3.936 tỉ đồng. Công ty Phương Trang và những cá nhân có quan hệ hợp tác làm ăn với Phương Trang cũng đã phải chịu nhiều thiệt hại trong 6 năm qua.
Theo đại diện Phương Trang, tổng thiệt hại đã tính toán trong 6 năm qua là 4.232 tỉ đồng. Từ cuối tháng 2-2012 đến khi vụ án được khởi tố tại tòa, trước thực tế số tiền giải ngân từ các hợp đồng tín dụng ít hơn rất nhiều so với hồ sơ giải ngân, Công ty Phương Trang đã trực tiếp khiếu nại, phản ánh và yêu cầu bà Phấn và NH Đại Tín làm rõ và tiến hành đối chiếu công nợ thực tế. Khi đã nhận ra các dấu hiệu bà Phấn chỉ đạo các nhân viên NH và con cháu thực hiện các thủ pháp thu chi cấn trừ nhằm đẩy dư nợ khống cho mình, Công ty Phương Trang liên tục làm nhiều đơn tố cáo hành vi của bà Phấn.
Liên quan đến phần nội dung này, cáo trạng cáo buộc là để hợp thức hóa số tiền chiếm dụng của Ngân hàng Đại Tín, bà Phấn đã chỉ đạo những người dưới quyền lập hạch toán thu chi khống, đẩy nợ cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang hơn 5.200 tỉ đồng. Cụ thể, từ tháng 5-2010 đến tháng 2-2012, Đại Tín đã giải ngân cho Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu với số tiền trên sổ sách là gần 16.500 tỉ đồng. Trong khi thực tế Công ty Phương Trang chỉ được giải ngân hơn 3.900 tỉ. Theo cơ quan tố tụng, bà Phấn lợi dụng doanh nghiệp này đang cần vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, chỉ đạo người của Đại Tín buộc Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt cho vay và giải ngân không thông báo cho Phương Trang. Có khi Đại Tín không giải ngân, hoặc chuyển tiền không đủ cho Phương Trang.
Luật sư của phía Phương Trang nói việc CB yêu cầu buộc Công ty Phương Trang phải thanh toán số tiền nợ gốc là 9.437 tỉ đồng và trên 16.000 tỉ đồng tiền như trên là không phù hợp. Các Luật sư bào chữa cho bà Phấn cũng dựa theo yêu cầu này của CB để chứng minh Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh còn nợ số tiền gốc 9.437 tỉ đồng và bà Phấn không gây thiệt hại cho NH Đại Tín trên 5.200 tỉ đồng.
Luật sư nhấn mạnh quan điểm và cách thức nêu yêu cầu của đại diện CB tại phiên tòa hoàn toàn coi như không có vụ án này xảy ra. CB hiện tại sau khi NHNN ra quyết định mua 0 đồng/cổ phần đối với VNCB chỉ tiếp nhận các hồ sơ vay, hồ sơ giải ngân, kiểm tra sau khi cho vay đối với các khoản vay của các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh với Công ty Phương Trang. Tuy nhiên, mấu chốt nhất là lời trình bày và yêu cầu này của đại diện CB tại phiên tòa đã đi ngược lại và phủ nhận toàn bộ quá trình diễn biến việc đối chiếu công nợ chi tiết của chính NH Đại Tín, sau này là VNCB và cả CB, có nhiều biên bản có sự chủ trì của NHNN và sự chứng kiến của CQĐT BCA.
Để chứng minh số tiền thực nhận của Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh liên quan các khoản vay tại NH Đại Tín, bác bỏ yêu cầu không có căn cứ hợp pháp của đại diện CB tại phiên tòa, cũng như trả lời các quan điểm các luật sư bào chữa cho bà Phấn, luật sư đã liệt kê cụ thể từng Biên bản và nội dung thể hiện quá trình đối chiếu này giữa NH Đại Tín, VNCB, CB với Công ty Phương Trang, phản ánh một sự thật khách quan thông qua quá trình điều tra và thẩm tra công khai tại phiên tòa.
Luật sư Phan Trung Hoài, bảo vệ quyền lợi cho công ty Phương Trang liệt kê cụ thể 16 Biên bản và nội dung thể hiện quá trình đối chiếu này giữa NH Đại Tín, VNCB, CB với Công ty Phương Trang để trình bày quan điểm của mình, đáp trả lại ý kiến của CB và các quan điểm các luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn. Luật sư khẳng định yêu cầu của đại diện CB buộc Công ty Phương Trang phải trả lãi gốc hơn 27.000 tỉ là hoàn toàn không có căn cứ, không phù hợp với kết quả điều tra và quá trình thẩm tra công khai tại phiên tòa những ngày qua.
Từ đó, luật sư Hoài đề nghị HĐXX xem xét, quyết định Công Ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm số dư nợ gốc hơn 3.936 tỉ đồng của các hợp đồng tín dụng theo số thực nhận. Đồng thời, HĐXX xem xét các thiệt hại mà Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh đã phải gánh chịu trong hơn 6 năm qua: về khoản thiệt hại do việc bị cầm giữ tài sản thế chấp vượt số tiền đảm bảo cần thiết cho số tiền vay thực nhận của Công Ty CPĐT Phương Trang và các cá nhân, tổ chức có quan hệ hợp tác số tiền 7.837 tỉ đồng. Đây là giá trị tài sản đảm bảo đang bị Ngân hàng Đại Tín cầm giữ và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) tiến hành kê biên đối với 46 khoản vay đang còn bị đẩy dư nợ khống, tính theo giá trị thẩm định của Ngân hàng Đại Tín vào thời điểm thế chấp. Và yêu cầu giải tỏa một phần tài sản thế chấp hiện đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kê biên.
Tác giả: HOÀNG YẾN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM