Hoàn cảnh mà chúng tôi nhắc tới ở đây là của chị em chị Hứa Thị Bền (SN 1996), người dân tộc Tày ở thôn Bản Cuôn, xã Yên Hoa, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Khi lên 5 tuổi, đôi mắt chị Bền cứ dần mờ đục sau lần bị biến chứng của bệnh sởi.
Gia đình khó khăn, không được đưa đi điều trị, mắt chị Bền từ đó không còn nhìn được nữa. Chị cũng chẳng được đến trường. Năm 2015, được bạn bè cùng cảnh giới thiệu, chị xin bố mẹ cho đi học bấm huyệt, xoa bóp dành cho người mù với mong muốn có thể kiếm một công việc, có chút thu nhập gửi về phụ giúp bố mẹ nuôi em trai ăn học. Sau một thời gian làm ở Thái Bình, chị về làm cho một cơ sở tẩm quất của người khiếm thị ở Hà Nội.
Khi chị Bền xin được công việc, bố mẹ của chị phần nào đã an tâm dẫu rằng thu nhập của người khiếm thị chẳng đáng là bao. Nhưng tai họa lại tiếp tục ập xuống gia đình chị.
Chị Bền bên em trai. Ảnh GD |
Vào tháng 9 năm 2020, em trai chị Bền là Hứa Văn Tuân (SN 2004) có những biểu hiện bất thường khi bụng ngày càng to. Ban đầu gia đình chỉ nghĩ là do Tuân bị giun nên mới vậy. Bụng vẫn cứ to lên, Tuân đang học thì bị đau nên gia đình mới đưa đi khám.
Ở bệnh viện Đa khoa Phương Bắc (Tuyên Quang), Tuân được bác sĩ phát hiện lá lách to. Ngay sau đó, em được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, Tuân được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư máu và cho biết cần thực hiện ghép tủy.
Để điều trị cho Tuân, gia đình em vay mượn khắp nơi mới được mấy chục triệu đồng. Số tiền đó chẳng thấm vào đâu khi chi phí điều trị quá tốn kém. Mẹ chị Bền bị bệnh xương khớp, đi lại phải chống gậy nên không làm được việc nặng. Bố của chị theo Tuân đi bệnh viện. Gia đình bình thường chỉ trông vào ít ruộng. Bởi vậy mà nguồn thu nhập chính lại là số tiền chị Bền kiếm được.
Được biết, chị Bền làm bấm huyệt, tẩm quất một tháng thu nhập nhiều nhất chỉ được 4 triệu đồng, đã bao gồm tiền ăn ở. Trong khi đó, số tiền cần để ghép tủy cho cậu em trai lên đến 300 triệu đồng.
"Năm nay dịch bệnh không có khách, thậm chí thu nhập còn giảm hơn. Có tháng em chỉ gửi về được 1 triệu đồng. Số tiền ấy chẳng đủ để mẹ mua thuốc nhưng em không biết phải làm sao. Em đã dành dụm hết mức có thể để gửi tiền về. Bác sĩ bảo em trai em cần được ghép tủy mà số tiền lên đến 300 triệu đồng, gia đình chưa biết phải xoay ở đâu. Dù chỉ có một tia hi vọng, em cũng mong cứu được em trai" – chị Bền buồn bã nói.
Không có tiền điều trị, Tuân phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp từ bệnh ung thư gây ra |
Theo xác nhận của chính quyền địa phương, gia đình chị Bền thuộc hộ nghèo đặc biệt của thôn. Khi biết tin Tuân bị bệnh, mọi người trong thôn đã vận động các hộ gia đình đi thăm hỏi và động viên nhưng chỉ được phần nào.
Chị Bền bảo chị đã mù lòa từ nhỏ. Niềm hi vọng duy nhất đó là em trai lớn lên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, sớm trở thành chỗ dựa cho bố mẹ. Thế nhưng, nay niềm hy vọng duy nhất có nguy cơ không còn nữa bởi cảnh nghèo. Không có tiền điều trị, Tuân phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp từ bệnh ung thư gây ra.
Mọi sự giúp đỡ hai chị em chị Bền - Mã số 636 xin gửi về: Chị Hứa Thị Bền ở thôn Bản Cuôn, xã Yên Hoa, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. |
Tác giả: P.Thuận
Nguồn tin: Báo GĐ&XH