Trong nước

Xem xét khen thưởng, nếu thực hiện đúng quy định sẽ hạn chế được câu chuyện buồn như Việt Á

“Trong quá trình xem xét khen thưởng, nếu như thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, sẽ khen thưởng đúng và hạn chế được những câu chuyện buồn như vừa rồi”, ông Phạm Huy Giang - Trưởng ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, nhấn mạnh.

Sáng 5/7, tại buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, phóng viên đặt câu hỏi về việc, vừa qua Chủ tịch nước đã ký quyết định hủy bỏ việc trao tặng huân chương cho Công ty Việt Á. Vậy những quy định mới trong Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi có khắc phục được những vụ việc như trên không?

Ông Phạm Huy Giang - Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương. (Ảnh: Như Ý)

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Huy Giang - Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, cho biết, mục tiêu rất quan trọng, bên cạnh thể chế hoá quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc đồng bộ hoá pháp luật về thi đua khen thưởng, đồng thời khắc phục bằng được việc khen thưởng mang tính cộng dồn như thời gian qua.

Luật quy định hiện hành, trách nhiệm của cấp trình khen, cụ thể là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thủ tục hồ sơ, điều kiện, tính chính xác của thành tích trước khi đề nghị khen thưởng.

“Làm thế nào để chúng ta khắc phục được tình trạng khen thưởng hình thức như vấn đề báo chí nêu, chúng tôi suy nghĩ rằng ngay từ quá trình xem xét đề nghị khen thưởng phải xem xét rất kỹ thành tích của các tập thể, cá nhân của các cấp trình”, ông Giang cho hay.

Như vậy có nghĩa là, ở bộ, ở tỉnh phải họp hội đồng thi đua khen thưởng để xem xét trên cơ sở các thành tích. Bên cạnh ý kiến của hội đồng còn có yếu tố lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, các cơ quan chức năng, các cơ quan chuyên ngành, các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước… với rất nhiều các kênh lấy ý kiến. Đồng thời việc đăng tải trên các hệ thống thông tin cũng đã có quy định.

“Hiện nay, các bộ, các tỉnh cũng đều làm. Tất nhiên, phạm vi đăng tải cũng rất mức độ. Ở các tỉnh chủ yếu đăng tải trên các cơ quan truyền thông của tỉnh”, ông Giang nói.

Quan trọng hơn cả, theo Trưởng ban Thi đua, điểm mới của dự án luật lần này phân cấp rất rõ cho các cấp trình khen thưởng. Trong quá trình xem xét khen thưởng, nếu như thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, sẽ khen thưởng đúng và hạn chế được những câu chuyện buồn như vừa rồi.

“Khi xây dựng luật, chúng tôi cũng có phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, xây dựng điều 93 về xử lý vi phạm. Tôi nghĩ rằng đây là những quy định cụ thể, chặt chẽ để xem xét xử lý. Chúng tôi cũng không mong muốn gì khi đã trình Thủ tướng, trình Chủ tịch nước rồi sau đó lại phải trình để huỷ bỏ quyết định”, ông Giang cho hay.

Ngày 23/6, sau khi nhận được Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định hủy bỏ Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong xã hội.

Trước đó, vào tháng 3/2021, Công ty Việt Á được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba theo đề nghị của TPHCM. Sau hàng loạt cán bộ khắp các tỉnh thành và lãnh đạo Công ty Việt Á bị bắt, TPHCM đã có công văn gửi Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đề nghị thu hồi Huân chương Lao động hạng Ba đối với Công ty Việt Á.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP