Khám xét nơi ở của vợ chồng Tú - Vân, chủ Công ty xăng dầu Vân Trúc. |
Trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều nay (12/3), nhiều phóng viên quan tâm đến vấn đề quản lý kinh doanh xăng dầu. Trong bối cảnh nhiều vụ việc xăng giả được phát hiện và kết quả thanh kiểm tra cho thấy, dự kiến có khoảng 4-5 doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép, trong đó có cả những doanh nghiệp đã được cấp phép rất lâu và chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, có nhiều bộ ngành tham gia quản lý kinh doanh xăng dầu, trong đó vai trò của Bộ Công thương liên quan trực tiếp đến nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu; Bộ Khoa học và công nghệ có vai trò quản lý chất lượng, pha chế và các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân trên địa bàn mình.
Cụ thể, Bộ Công thương quản lý chất lượng, số lượng và pha chế xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất tiêu dùng, điều hành giá; còn các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh và chất lượng xăng dầu trên địa bàn.
Việc quản lý liên quan đến xăng dầu trong thời gian vừa qua, theo ông Đông "cơ bản tốt đáp ứng yêu cầu của Nghị định 83". Tuy nhiên vẫn có một số thương nhân xăng dầu có dấu hiệu, vi phạm theo Nghị định 83, liên quan đến việc duy trì điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh xăng dầu.
"Chúng tôi luôn chú trọng, quan tâm, đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu chấp hành, đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ trong việc kinh doanh xăng dầu, trong đó có vấn đề đầu tư kinh doanh, phục vụ cho tiêu dùng, sản xuất.
Trong quá trình hậu kiểm thời gian vừa qua, kết thúc đợt 1 đã có kết quả ban đầu, sẽ báo cáo lãnh đạo bộ và các đơn vị có thẩm quyền trên tinh thần xử lý nghiêm những thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm Nghị định 83, cũng như việc vi phạm pháp luật theo kiến nghị của cơ quan chuyên ngành", ông Đông nói.
Phân tích về việc "Tại sao phải đăng ký hạn mức nhập khẩu xăng dầu?", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, việc đặt ra hạn mức đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trực tiếp là vấn đề xuất khẩu và nhập khẩu kinh doanh xăng dầu đã được đặt ra từ lâu (Nghị định 84, Nghị định 83) là để đảm bảo an ninh năng lượng.
"Khi doanh nghiệp được cấp phép trở thành doanh nghiệp đầu mối, hàng năm họ phải đăng ký hạn mức nhập khẩu, nếu không đăng ký hạn mức nhập khẩu thì sẽ thiếu xăng dầu để cung cấp trong nước.
Còn đối với doanh nghiệp phân phối, đại lý họ có quyền lấy xăng dầu từ doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia, cho nên số hạn mức họ lấy của 1 doanh nghiệp, của một đầu mối có thể ít, nhưng tổng số của họ để tiêu thụ và trực tiếp vận hành trên thị trường lại nhiều hơn", ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, hiện nay thị trường đã khác, thay vì trước đây phần lớn là nhập khẩu thì bây giờ sản lượng chiếm tới 70-75% trong nước, nhập khẩu chỉ chiếm phần nhỏ.
"Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất nên bỏ. Bộ cũng có quy định, một doanh nghiệp đầu năm đăng ký hạn mức như vậy thì khi muốn thay đổi họ phải báo cáo lại và phải được Bộ chấp thuận", Thứ trướng Hải cho hay.
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Giao thông